Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần IV (VFTE 2022) vừa tổ chức ngày 8/12 thu hút gần 1.000 lãnh đạo Bộ, ngành, doanh nghiệp. Tham gia trực tuyến từ Nhật Bản, ông Michael Hoo, Trưởng Đại diện kỹ thuật khách hàng về Điện toán đám mây Công ty Google Cloud đề xuất các giải pháp, chính sách thúc đẩy phát triển nền kinh tế số của Việt Nam.
Đại diện Google đưa ra số liệu, năm 2030, kinh tế số dự đoán sẽ mang lại khoảng hơn 230 tỷ USD. Ông cũng bày tỏ: Goolge muốn tiếp tục đẩy mạnh quan hệ đối tác với Việt Nam, đồng hành và xây dựng hành trình số cho mọi lĩnh vực.
Hiện Google triển khai các chương trình tập huấn cho hơn 600.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ trong xây dựng thương hiệu, tìm kiếm, kết nối mạng lưới khách hàng. Tập đoàn cũng hợp tác với hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, giúp doanh nghiệp quảng bá và bán hàng qua các nền tảng thương mại điện tử. Ông Michael Hoo nhấn mạnh các hoạt động đào tạo, kết nối, xây dựng cộng đồng doanh nghiệp kỹ thuật số để tối ưu hóa nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đại diện này nhấn mạnh, đối với hành trình tăng trưởng kinh tế, việc trang bị các kỹ năng số đóng vai trò quan trọng với các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Google mong muốn hợp tác trang bị kỹ năng số cho doanh nghiệp cùng với Chính phủ, cũng như các hoạt động đào tạo thế hệ trẻ theo phương thức online nhưng đảm bảo an toàn, phòng ngừa tấn công, bắt nạt trên mạng, duy trì sự tương tác con người với con người.
"Một môi trường số an toàn cho mọi người là thành tố phát triển kinh tế quan trọng", đại diện Google nói.
Hướng đến mục tiêu này, doanh nghiệp Việt cần có chuẩn bị năng lực để sẵn sàng nắm bắt cơ hội trong tương lai, vừa phát triển phần mềm đồng thời đảm bảo an ninh mạng. Bên cạnh đó, cần lấy người dùng làm trọng tâm, hiểu mong muốn của khách hàng và nhận diện nhu cầu của họ.
Ông Michael Hoo cũng nêu nhiều hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số Việt Nam từ phía tập đoàn. Đơn cử, thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục đầu tư vào giáo dục, chứng nhận cho các hệ sinh thái với niềm tin đào tạo kỹ năng số, thông tin số. Đây cũng là một trong những nền tảng quan trọng để xây dựng những hệ sinh thái thành công.
Công ty sẽ hỗ trợ chia sẻ bí quyết, kinh nghiệm của Google khu vực với Việt Nam cho doanh nghiệp Việt; tham gia chương trình khởi nghiệp... Google cũng chia sẻ kinh nghiệm vận hành Youtube, làm thế nào để nền tảng trở nên ý nghĩa hơn, hoạt động hiệu quả hơn hay cung cấp công nghệ phù hợp với quá trình phát triển của doanh nghiệp.
"Chúng tôi mong sẽ có thêm nhiều chương trình khởi nghiệp thế này như sự đóng góp cho phát triển kinh tế Việt Nam, tạo động lực cho doanh nghiệp Việt tiếp tục cố gắng nâng cao năng lực cạnh tranh", ông nói.
Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là chương trình thường niên do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức. Ở năm thứ tư, VFTE 2022 hướng tới thúc đẩy quá trình triển khai Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia với mục tiêu kép: phát triển đồng bộ ba trụ cột - Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước; hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Sự kiện tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Việt Nam, với ba hoạt động chính: phiên thảo luận; trao giải Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2022; và triển lãm giải pháp số Make in Viet Nam tiêu biểu. Điểm nhấn của diễn đàn là lễ trao giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam 2022. Giải thưởng năm nay gồm các hạng mục: Sản phẩm số xuất sắc cho chính phủ số; Sản phẩm số xuất sắc cho kinh tế số; Sản phẩm số xuất sắc cho xã hội số và Sản phẩm số tiềm năng.
Minh Tú
Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số 2022 có sự đồng hành của Giao Hàng Tiết Kiệm, VNPT, FPT, MoMo, OCB, MobiFone, Điện Quang, MediaTek, Misa, Sun Electronics...