Cụ thể, ngành du lịch tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch và tập trung triển khai các chương trình kích cầu du lịch nội địa gắn với hình ảnh điểm đến Bình Thuận "An toàn - thân thiện - chất lượng".
Bên cạnh đó, tỉnh triển khai nghiên cứu thị trường, đánh giá tác động của Covid-19 đến nhu cầu, xu hướng đi du lịch trong thời gian tới và xác định thị trường tiềm năng để có chiến lược thu hút du khách. Nhất là khi mới đây nhất, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản đề nghị tỉnh xem xét gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung Bình Thuận vào danh sách các địa phương được đón khách du lịch quốc tế.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đến nay, Bình Thuận có khoảng 60 cơ sở du lịch, lưu trú đủ điều kiện đón khách nội địa. Toàn tỉnh đón trên 6.000 lượt khách sau gần 2 tháng mở cửa trở lại (tính từ 24/10), hầu hết đến từ Đồng Nai, TP HCM, Bình Dương, An Giang, Long An...
Hiện 100% nhân viên trong các cơ sở du lịch; 90% người dân ở các địa phương trọng điểm du lịch đã tiêm đủ hai mũi vaccine. Đây cũng là điểm thuận lợi để Bình Thuận đảm bảo môi trường du lịch an toàn.
Về phía doanh nghiệp, nhằm đảm bảo tiêu chí an toàn cho du khách, các khách sạn, resort áp dụng một số công nghệ để khách chia sẻ thông tin trước khi đến; hạn chế thủ tục đăng ký và tiếp xúc trực tiếp; cập nhật lại quy trình từ khâu chuẩn bị đến khâu phục vụ; đầu tư thêm trang thiết bị kỹ thuật số như thực đơn điện tử, thanh toán trực tuyến tạo thuận tiện cho khách thực hiện thông điệp 5K.
Một số cơ sở lưu trú còn chuẩn bị các gói nghỉ dưỡng an toàn phù hợp từng đối tượng khách như phương tiện đưa đón riêng, thực đơn sức khỏe, dịch vụ dành cho khách vừa nghỉ dưỡng vừa làm việc, trẻ em vừa nghỉ ngơi vừa đảm bảo việc học online. Cùng với đó, các cơ sở lưu trú còn tổ chức nhiều hoạt động độc đáo phục vụ khách du lịch nhân các sự kiện đón Giáng sinh, năm mới Dương lịch 2022 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp đến.
Để thích ứng an toàn khi dịch dần được kiểm soát tốt, bên cạnh chiến lược và các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh trong giai đoạn mới, ngành du lịch Bình Thuận tiếp tục thực hiện chiến lược và định hướng phát triển phát triển du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, tỉnh tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng, thu hút các nhà đầu tư chiến lược để phát triển khu du lịch quốc gia Mũi Né thành điểm đến hấp dẫn, tạo ra những bước phát triển về mọi mặt cho ngành du lịch Bình Thuận, phấn đấu đến năm 2030, khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trong tương lại gần, Mũi Né sẽ đáp ứng nhu cầu các khách hàng mục tiêu với bến du thuyền, khu phố bar và trung tâm mua sắm ngoài trời. Mũi Né sẽ là điểm đến để tổ chức thường niên các cuộc thi lướt ván diều, lướt bán buồm, các hoạt động thám hiểm sinh thái đồi cát, thám hiểm sinh thái trên đất liền và một khu phức hợp thể thao đa năng.
Cùng với đó, tỉnh tiến hành nâng cấp hoặc xây mới tàu lửa, đường cao tốc, sân bay, đường thủy, giao thông kết nối các trung tâm du lịch. "Đặc biệt, Mũi Né sẽ có chiến lược marketing trên phạm vị toàn cầu, tạo ra hình ảnh an toàn, thân thiện và hấp dẫn, trong đó có nghiên cứu thành lập Trung tâm Makerting và Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực và dịch vụ chất lượng cao", đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh chia sẻ.
Nguyên Vũ