Đại diện các lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và nhóm bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) ngày 11/5 đã ký thỏa thuận tại thành phố Jeddah của Arab Saudi, trong khi các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục. Đây là hai phe trong cuộc xung đột đã kéo dài gần một tháng ở Sudan, khiến hơn 750 người chết, hàng nghìn người phải sơ tán.
"Chúng tôi khẳng định cam kết bảo vệ dân thường mọi lúc, trong đó có việc cho phép họ đi lại an toàn để rời khỏi khu vực chiến sự trên cơ sở tự nguyện theo hướng họ lựa chọn", thỏa thuận cho hay.
Các điều khoản chung sẽ cho phép hỗ trợ nhân đạo cần thiết sau nạn cướp bóc và tấn công nhắm vào viện trợ ở quốc gia châu Phi nghèo khó này. Thỏa thuận cũng kêu gọi khôi phục điện, nước và các dịch vụ cơ bản khác, rút lực lượng an ninh khỏi các bệnh viện và an táng người chết.
Đại diện của chỉ huy SAF Abdel Fattah al-Burhan và lãnh đạo RSF Mohamed Hamdan Daglo đã gặp nhau tại Jeddah từ 6/5 để tiến hành các cuộc đàm phán có sự tham gia của Mỹ và Liên Hợp Quốc. Hai bên lần đầu thống nhất về cách giám sát các lệnh ngừng bắn.
Một quan chức Mỹ tham gia đàm phán cho biết đề xuất được đưa ra là thiết lập thỏa thuận ngừng bắn mới kéo dài 10 ngày, tạo điều kiện đưa đến các cuộc đàm phán chấm dứt giao tranh lâu dài hơn.
"Đây không phải lệnh ngừng bắn. Đây chỉ là sự khẳng định nghĩa vụ của họ theo luật nhân đạo quốc tế, đặc biệt liên quan đối xử với dân thường và tạo không gian cho hoạt động nhân đạo", quan chức giấu tên nói. "Chúng tôi hy vọng một cách thận trọng rằng việc họ sẵn sàng ký vào văn bản này sẽ tạo ra một số động lực buộc họ tạo không gian để vận chuyển hàng cứu trợ".
Tuy nhiên, bà cho biết hai bên vẫn còn "cách biệt khá xa" trong các cuộc thảo luận.
Quan chức Mỹ thứ hai nói rằng đàm phán diễn ra "rất khó khăn" và thừa nhận hai bên có thể có những động cơ ẩn giấu thông qua việc giám sát lệnh ngừng bắn. "Thành thực mà nói, cả hai phía đều hy vọng bên kia sẽ bị coi là vi phạm lệnh ngừng bắn", ông cho hay.
Ít nhất 18 nhân viên cứu trợ đã thiệt mạng từ khi chiến sự bắt đầu ngày 15/4. Nhiều cơ quan Liên Hợp Quốc và các tổ chức phi chính phủ đã thông báo tạm ngừng hoạt động ở thủ đô Khartoum và Darfur vì giao tranh. Họ tiếp tục công việc ở một số khu vực, nhưng nói rằng vẫn phải đối mặt tình trạng bạo lực.
Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc cho biết số lương thực trị giá hàng triệu USD đã bị cướp ở Khartoum.
Xung đột nổ ra khi lực lượng bán quân sự, do cựu tổng thống Omar al-Bashir thành lập và huấn luyện, được yêu cầu sáp nhập quân đội chính quy để phù hợp với lộ trình chuyển đổi sang chế độ dân sự, nhưng họ từ chối. Mỹ đã làm trung gian cho thỏa thuận ngừng bắn tạm thời và tuần trước đe dọa trừng phạt các bên tham chiến sau khi thỏa thuận ngừng bắn hết hạn.
Sudan nằm ở khu vực đông bắc châu Phi, giáp với Biển Đỏ, có dân số gần 48 triệu người. Đây là vùng đất giàu tài nguyên thiên nhiên nằm giữa khu vực Hạ Sahara và Trung Đông, nhưng các cuộc xung đột liên miên khiến Sudan không thể phát triển về kinh tế.
Khi Nam Sudan tách khỏi Sudan để thành một quốc gia độc lập vào năm 2011, Sudan mất đi nguồn thu khổng lồ từ dầu mỏ vốn chiếm hơn 95% giá trị xuất khẩu của nước này. Cú sốc đó đã gây ra lạm phát phi mã, kết hợp với giá nhiên liệu tăng đã châm ngòi làn sóng biểu tình bạo lực năm 2013.
Khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng thúc đẩy quân đội Sudan hồi tháng 4/2019 đảo chính lật đổ tổng thống Omar al-Bashir, người nắm quyền lãnh đạo đất nước từ năm 1993 và từng nhiều lần bị phương Tây chỉ trích. RSF đã ủng hộ quân đội trong cuộc đảo chính.
Tuy nhiên, cuộc đảo chính này vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ, buộc quân đội Sudan chấp nhận chia sẻ quyền lực với các lực lượng dân sự, thông qua mô hình Hội đồng Chủ quyền với thủ tướng tạm quyền là Abdalla Hamdok.
Quân đội Sudan tiếp tục đảo chính phế truất Hamdok vào tháng 10/2021 và tướng Abdel-Fattah Burhan, tư lệnh quân đội, trở thành người quyền lực nhất nước, đứng đầu chính quyền quân sự.
Huyền Lê (Theo AFP)