"Tôi lên án xung đột ngày càng mở rộng ở Trung Đông, với những động thái leo thang ngày càng tăng. Điều này phải chấm dứt. Chúng ta rất cần một lệnh ngừng bắn", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 1/10 đăng thông điệp trên mạng xã hội X, sau khi Iran phóng loạt tên lửa đạn đạo tập kích Israel.
Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đêm 1/10 thông báo tiến hành chiến dịch "Lời hứa Đích thực 2" nhắm vào các căn cứ quân sự Israel, trong đó có ba sân bay Nevatim, Tel Nof và Hatzerim. Giới chức Iran khẳng định nước này phóng gần 200 tên lửa, trong khi Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ước tính Iran phóng khoảng 180 tên lửa đạn đạo.
Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh cam kết an ninh của Mỹ dành cho Israel, cho biết Washington đang trao đổi cùng Tel Aviv về cách phản ứng phù hợp và có kế hoạch điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
"Mỹ sẽ ủng hộ Israel toàn diện", Tổng thống Biden bình luận, lưu ý rằng Washington vẫn đang chờ Tel Aviv quyết định hướng phản ứng với Tehran.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cũng cho rằng cuộc tấn công tên lửa của Iran là "diễn biến nghiêm trọng" và là "động thái leo thang đáng kể".
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng diễn biến ở Trung Đông cho thấy chính sách của chính quyền Tổng thống Biden tại khu vực đã thất bại.
"Bi kịch đẫm máu chỉ đang tiếp diễn. Những tuyên bố không rõ ràng từ Nhà Trắng cho thấy sự bất lực hoàn toàn trong giải quyết khủng hoảng. Nỗ lực của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chỉ dẫn tới sự bế tắc và hàng chục nghìn người trở thành nạn nhân", bà Zakharova nói.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình bất ổn ở Trung Đông, nhấn mạnh Bắc Kinh phản đối hành động xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của Lebanon, cũng như các động thái làm gia tăng căng thẳng và đối đầu.
"Trung Quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các cường quốc có ảnh hưởng, đóng vai trò mang tính xây dựng và tránh gây thêm bất ổn", tuyên bố có đoạn. "Trung Quốc tin rằng cuộc chiến ở Gaza là nguồn cơn của những biến động ở Trung Đông và tất cả các bên cần nhanh chóng hành động để đạt thỏa thuận ngừng bắn toàn diện và lâu dài".
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho rằng cuộc tấn công tên lửa từ Iran vào Israel là hành động đe dọa tới an ninh khu vực. "Các bên cần lập tức chấp dứt vòng xoáy leo thang chết chóc ở Trung Đông. Chiến tranh quy mô khu vực sẽ không mang lại lợi ích cho bất kỳ nước nào", ông Michel nhấn mạnh.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez kêu gọi Iran "chấm dứt vòng xoáy bạo lực" với Israel, trong khi Ngoại trưởng Jose Manuel Albares lặp lại thông điệp "mọi bên, trong đó có Israel, cần kiềm chế và không leo thang xung đột".
Thủ tướng Anh Keir Starmer ngày 1/10 tuyên bố ủng hộ Israel tự vệ và đảm bảo an ninh quốc gia, song từ chối bình luận liệu quân đội Anh sẽ hỗ trợ Israel đáp trả Iran hay không. Người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết ông Starmer đã trao đổi với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về căng thẳng Trung Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey tiết lộ "các lực lượng Anh đã tham gia ngăn xung đột leo thang ở Trung Đông", song không tiết lộ cụ thể.
Tân Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba ngày 2/10 cũng cho rằng vụ tấn công bằng tên lửa của Iran nhắm vào Israel là hành động "không thể chấp nhận được", chỉ trích Iran leo thang hướng đến "chiến tranh toàn diện" tại Trung Đông. Tuy nhiên, Tokyo nhấn mạnh thiện chí hợp tác cùng Washington "tháo ngòi nổ khu vực và ngăn căng thẳng leo thang thành chiến tranh toàn diện".
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nêu lập trường tương tự về vụ tấn công, lên án Tehran và cam kết ủng hộ Tel Aviv, đồng thời tuyên bố huy động nguồn lực quân sự Pháp tại Trung Đông để "đối phó mối đe dọa từ Iran".
Ông Macron cũng kêu gọi Israel chấm dứt chiến dịch tại Lebanon "càng sớm càng tốt" để bảo vệ dân thường, kêu gọi Hezbollah chấm dứt mọi hành động tấn công Israel. Paris nhấn mạnh "mọi bên liên quan khủng hoảng tại Trung Đông cần kiềm chế tối đa".
Thủ tướng Đức Olaf Scholz kêu gọi Iran cùng tổ chức vũ trang Hezbollah lập tức ngừng mọi hành động tấn công Israel, nhấn mạnh Berlin cùng đối tác sẽ tiếp tục thúc đẩy các bên đạt thỏa thuận ngừng bắn.
"Iran đang đe dọa thiêu đốt toàn khu vực. Chúng ta cần ngăn chặn điều đó bằng mọi giá", lãnh đạo chính phủ Đức tuyên bố.
Trong bài đăng trên X sau vụ tập kích tên lửa, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian khẳng định Tehran "không tìm kiếm chiến tranh", nhưng sẽ kiên quyết tự vệ trước mọi mối đe dọa, thêm rằng cuộc tấn công tên lửa vào Israel "chỉ là phần nổi của tảng băng".
"Đây là phản ứng quyết liệt nhằm đáp trả những hành động hung hăng của Israel dựa trên quyền hợp pháp của Iran nhằm củng cố hòa bình, an ninh khu vực", ông Pezeshkian viết. "Hành động này nhằm bảo vệ lợi ích và người dân của Iran".
Giới chức Iran khẳng định đòn tấn công tên lửa vào Israel là động thái "phù hợp với quyền tự vệ" của Tehran theo quy định quốc tế. IRGC cảnh báo Israel sẽ hứng chịu hậu quả "tàn khốc và hủy diệt" nếu tiếp tục vòng xoáy trả đũa quân sự.
Các tổ chức thân Tehran như lực lượng Houthi tại Yemen, nhóm Hamas ở Gaza, liên minh kháng chiến tại Iraq tuyên bố ủng hộ đòn tập kích của Iran. Liên minh dân quân tại Iraq cảnh báo Mỹ không can thiệp quân sự vào khu vực và phản đối Israel sử dụng không phận Iraq để đáp trả Iran, đe dọa nhắm mục tiêu các căn cứ và các lợi ích của Mỹ tại Iraq và khắp Trung Đông nếu Iran bị tấn công.
Thanh Danh (Theo Al Jazeera, Reuters, AFP)