-
14h00
Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam - VFTE lần thứ năm diễn ra tại Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Chương trình có chủ đề "Sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động", do Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, Báo VnExpress phối hợp tổ chức.
Tiếp nối phiên chính, kết thúc lúc 11h30, phiên chuyên đề bắt đầu lúc 14h. Tại đây, các đại biểu, chuyên gia tiếp tục thảo luận về việc phát triển các sản phẩm dựa trên công nghệ mới như internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, vi mạch bán dẫn và việc đưa chúng ra thị trường trong nước và quốc tế.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nghe giới thiệu về chip 5G Viettel. Ảnh: Giang Huy
Các chuyên gia sẽ bàn luận về hai chuyên đề bao gồm: Sáng tạo ứng dụng số đưa công nghệ số vào cuộc sống và Phát triển vi mạch bán dẫn gắn với phát triển công nghiệp điện tử Việt. Cuối mỗi chuyên đề là phần đối thoại trực tiếp. Các chuyên gia sẽ cùng thảo luận những vấn đề nổi bật, giải đáp thắc mắc từ những người tham dự diễn đàn.
-
14h15
Doanh nghiệp gặp khó khăn khi bắt đầu chuyển đổi số
Ông Vũ Hồng Chiên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo FPT Quy Nhơn, mở đầu phần tham luận với chủ đề "Thách thức việc ứng dụng công nghệ AI thay đổi mô hình kinh doanh linh hoạt".
Theo đó, trong thời kỳ công nghệ số, mô hình linh hoạt bao gồm các yếu tố: tự động hóa và tối ưu hóa quy trình; cơ sở hạ tầng đám mây và dịch vụ; kinh doanh dựa trên dữ liệu Data Prevent; ứng dụng công nghệ IoT, trí tuệ nhân tạo và học máy... Tuy nhiên, bất kể doanh nghiệp nào cũng phải trải qua những thách thức trong việc ứng dụng AI để thay đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang linh hoạt.
Ông Vũ Hồng Chiên trình bày tại diễn đàn. Ảnh: Giang Huy
Khó khăn thứ nhất bắt đầu ngay từ giai đoạn chuyển đổi số, trong đó có chất lượng dữ liệu. Để AI hoạt động hiệu quả, dữ liệu phải được xử lý và duy trì chất lượng cao. Nhưng việc có được dữ liệu chất lượng có thể là một thách thức, đặc biệt là khi nó liên quan đến quy trình bảo vệ dữ liệu cá nhân. Thứ hai là kiến thức và nhận thức không chỉ của người lao động trong việc vận hành và kinh doanh mà còn từ những doanh nghiệp. Họ chỉ có thể chuyển đổi khi ý thức được vai trò của công nghệ số mang lại giá trị, lợi ích như thế nào cho doanh nghiệp của mình như: cắt giảm chi phí, tăng doanh thu...
Thứ ba là vấn đề liên quan đến an toàn và bảo mật. Việc tích hợp AI vào mô hình kinh doanh, việc bảo vệ dữ liệu và đảm bảo bảo mật thông tin trở thành mối quan tâm hàng đầu. Thứ tư là tác động xã hội và lao động. Sự tự động hóa có thể tạo ra thách thức về việc giữ nguồn việc làm truyền thống và đòi hỏi sự chuẩn bị cho nhân sự để làm việc cùng với các hệ thống AI. Cuối cùng, doanh nghiệp cần phải quản lý được sự thay đổi mô hình kinh doanh và những thay đổi nhanh chóng của công nghệ.
Các đại biểu, doanh nghiệp công nghệ và khán giả theo dõi diễn đàn. Ảnh: Giang Huy
FPT đưa ra giải pháp cho việc ứng dụng AI để thay đổi mô hình kinh doanh linh hoạt. Trong đó, doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư cho nghiên cứu để phát triển các giải pháp AI phù hợp với nhu cầu của mình. Tiếp theo, doanh nghiệp có thể hợp tác với các đối tác cung cấp giải pháp AI uy tín để thay đổi mô hình kinh doanh linh hoạt, giúp giảm thiểu chi phí đầu tư và rủi ro. Bên cạnh đó là tăng cường đào tạo nhân sự và nâng cao chất lượng về hiểu biết, ứng dụng trí tuệ nhân tạo – khoa học dữ liệu ngay trong các doanh nghiệp. Cuối cùng, doanh nghiệp cũng cần xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo, khuyến khích để tạo điều kiện cho nhân viên phát triển các ý tưởng mới ứng dụng AI.
Tại hội thảo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo FPT Quy Nhơn còn chia sẻ về akaCam - nền tảng phân tích video giúp chuyển đổi dữ liệu video từ Camera IP thành thông tin có cấu trúc được xử lý và phân tích, bằng cách phát hiện, xác định, trích xuất, sau đó phân loại và tìm kiếm các đối tượng & hành vi trong đoạn video. AkaCam được thiết kế để đáp ứng nhu cầu giám sát đa dạng của kho bãi và nhà máy. Máy có thể nhận diện đồng phục, giám sát việc tuân thủ mặc trang phục bảo hộ lao động, giám sát an ninh... và nâng cao trải nghiệm cho khách hàng tại các cửa hàng bán lẻ.
"Chúng tôi kỳ vọng trong thời gian tới, các doanh nghiệp có thể phối hợp với những tập đoàn ngay trong nước để ứng dụng cộng nghệ số để tối ưu hóa, tăng năng suất, hiệu quả kinh doanh trong doanh nghiệp của mình", ông Vũ Hồng Chiên chia sẻ.
-
14h30
AI giúp giảm chồng chéo trong xây dựng văn bản pháp luật
Trong phần tham luận 10 phút, ông Đặng Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Công nghệ ứng dụng CMC ATI - Tập đoàn Công nghệ CMC chia sẻ nội dung "Chuyên biệt hóa công nghệ AI - Giải pháp nâng cao hiệu quả trong xây dựng văn bản pháp luật".
"Hiện CMC có hệ sinh thái AI cho chuyển đổi số, từ hình ảnh, văn bản chuyển sang dữ liệu", ông Tuấn giới thiệu. Dẫn chứng về hệ sinh thái này, chuyên gia lấy ví dụ AI có thể chuyển đổi nội dung của một buổi họp quốc hội sang văn bản dài 61 trang cụ thể đến từng dấu chấm, phẩy.
Ông Đặng Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Công nghệ ứng dụng CMC ATI - Tập đoàn Công nghệ CMC. Ảnh: Giang Huy
Theo chuyên gia, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ban hành, được triển khai trên phạm chi cả nước. Văn bản quy phạm pháp luật có vai trò điều hành quan hệ xã hội, được ban hành nhằm đảm bảo trật tự xã hội đồng thời, phát triển kinh tế. Do đó, việc chồng chéo, mâu thuẫn trong các văn bản quy phạm pháp luật gây ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của công dân.
Để giải quyết vấn đề này, CMC đã ra mắt giải pháp CMC Legislation Document System. Giải pháp ứng dụng Big Data, AI hỗ trợ cán bộ ngành tư pháp xây dựng, kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt, giải pháp này cho phép tìm kiếm tương đồng, phát hiện ra các mâu thuẫn, chồng chéo, vi phạm pháp luật giữa các văn bản quy phạm pháp luật.
CMC đã phát triển dựa trên Big Data – tổng hợp hơn 125.000 văn bản của Bộ Tư pháp và 334.000 văn bản trên Thư viện pháp luật. Song sóng đó, đội ngũ kỹ thuật cũng xây dựng giải pháp giúp nhận dạng ký tự, tìm được tương đồng và xây dựng dữ liệu dựa trên ngôn ngữ. Ứng dụng phát triển dựa trên đồ thị tri thức dưới hình thức Chatbot, thân thiện với người dùng.
"Việc giải quyết chồng chéo giúp tăng cường quản lý nhà nước, kinh tế xã hội, hỗ trợ và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân", ông Tuấn nói.
-
14h45
Elcom eWIM - công nghệ số kiểm soát tải trọng xe tự động
Tiếp nối bài tham luận của CMC, ông Lại Hữu Thanh - Giám đốc Sản phẩm Công ty Cổ phần Công nghệ - Viễn thông Elcom giới thiệu giải pháp tự động kiểm soát tải trọng xe. Theo ông Thanh, chi phí bảo trì đường quốc lộ và đường tỉnh, cao tốc tại Việt Nam là khoảng 30.000 tỷ đồng. Bên cạnh yếu tố khách quan do khí hậu, xe quá tải trọng cũng là nguyên nhân gây hư hỏng đường bộ. "Chỉ cần tải trọng trục 16 tấn gấp đôi tải trọng cho phép là 8 tấn thì một xe lúc này tương đương với 16 xe đi qua", ông Thanh nói.
Từ năm 2013, khi có thông tư liên tịch giữa Bộ Giao thông vận tải với Bộ Công an về kiểm soát tải trọng xe, các đơn vị kiểm tra, giám sát được phát cân xách tay. Tuy nhiên việc này tốn thời gian và nguồn lực, phải phát hiện bằng mắt nên rất khó kiểm soát, nên việc phá đường vẫn sẽ trầm trọng.
Vì vậy, 2013 Elcom đã nghiên cứu, phát triển lĩnh vực AI, phát triển hệ sinh thái phát triển chuyển đổi số cho bộ giao thông vận tải như thu phí tự động không dừng ETC, cân tự động, giám sát ITS trên cao tốc, hệ thống E-Wim phát hiện sai phạm, chụp biển số trước, sau... Hệ thống cho phép đẩy dữ liệu về Cục Đường bộ Việt Nam, sở Giao thông Vận tải các tỉnh.
Ông Lại Hữu Thanh chia sẻ về giải pháp của Elcom. Ảnh: Giang Huy
Ông Lại Hữu Thanh cho biết, hệ thống xử lý tự động hoàn toàn 24/7, tạo thay đổi mang tính đột phá cho công tác kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước, đáp ứng mục tiêu chuyển đổi số của ngành giao thông vận tải đến năm 2030.
"Mỗi năm chúng ta đầu tư cho 3,4 đến 4 tỷ để vận hành. Trong khi giải pháp này chỉ cần một người vận hành website từ xa", ông cho biết. Kết phiên tham luận, Elcom cam kết đồng hành với chuyển đổi số và mong muốn Chính phủ, địa phương đồng hành cùng doanh nghiệp.
-
14h55
IoT đã đi sâu vào sản xuất nông nghiệp
Tiếp nối hội thảo, ông Trần Quang Cường, Giám đốc Công ty Cổ phần tương lai NextX, chia sẻ về chủ đề "Kinh nghiệm trong phát triển nền tảng IoT phục vụ sản xuất nông nghiệp". Công ty giới thiệu tới khách tham dự NextX Farm (NextFarm) - một trong những hệ sinh thái nông nghiệp thông minh toàn diện nhất hiện nay.
Ông Trần Quang Cường, Giám đốc Công ty Cổ phần tương lai NextX. Ảnh: Giang Huy
NextX Farm hiện có hơn 1.200 khách hàng, triển khai ở hơn 30 tỉnh thành và tại 3 quốc gia, chuẩn bị triển khai tại Nhật... Hệ thống này có khả năng điều khiển tự động cho chăn nuôi; quan trắc, thu thập dữ liệu và cảnh báo... Bên cạnh đó, đây cũng là nền tảng dữ liệu nông học cây trồng, chăn nuôi.
NextX Farm có camera nhận diện, phân tích sâu bệnh theo từng khu vực bằng hình ảnh. Hệ thống có thể thu thập tất cả các dữ liệu này từ camera, vệ tinh... giúp người nông dân, doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc chăm sóc, quản lý cây trồng. Một số khách hàng tại Cao Bằng, Đà Lạt, Vũng Tàu... đã ứng dụng thành công NextX Farm vào quá trình phục vụ sản xuất nông nghiệp.
-
15h10
Kinh nghiệm phát triển sản phẩm số tại 4 quốc gia của VTI
Đem đến diễn đàn câu chuyện phát triển các sản phẩm số made in Việt Nam tại thị trường nước ngoài, CEO Công ty Cổ phần VTI - Trần Xuân Khôi giới thiệu đơn vị đã có mặt tại 4 quốc gia. VTI áp dụng chiến lược DCS (Domain – Consulting – Solution), tối ưu hóa giá trị cho khách hàng mới và khách hàng hiện tại dựa vào công nghệ lõi cùng năng lực của đội ngũ nhân sự chất lượng cao.
"Doanh nghiệp tập trung vào ngành domain, tạo giải pháp made in Việt Nam để áp dụng rộng rãi trên thế giới", ông Khôi nói.
Ông Trần Xuân Khôi - CEO Công ty Cổ phần VTI. Ảnh: Giang Huy
Song song với việc phát triển sản phẩm, doanh nghiệp còn chú trọng đào tạo thông qua hợp tác với các trường đại học trong và ngoài nước.
Công nghệ lõi mạnh cùng nguồn nhân lực chất lượng cao giúp VTI tạo ra các sản phẩm trên hai nhóm: Giải pháp sản xuất thông minh – Hệ thống điều hành sản xuất; Giải pháp Smart Access Control.
Nhờ việc thay đổi tư duy tiếp cận thị trường nước ngoài, VTI hiện có 1.200 nhân sự, phát triển sản phẩm ở bốn quốc gia, sở hữu 7 chi nhánh. Doanh nghiệp hỗ trợ khách hàng đến từ mọi ngành nghề ở mọi quy mô thông qua tư vấn và thực thi chuyển đổi số trong vận hành và kinh doanh. "Thành công của khách hàng chính là thành tựu lớn nhất của chúng tôi", ông Khôi cho biết.
-
15h20
Các chuyên gia bàn về 'Sáng tạo ứng dụng số'
Sau loạt bài tham luận, các diễn giả sẽ tiếp tục tham gia phiên thảo luận do ông Vũ Hồng Chiên chủ trì. Câu hỏi đầu tiên được ông Chiên dành cho dành cho ông Trần Quang Cường - Giám đốc Công ty Cổ phần Tương Lai NextX về các giải pháp, hiến kế để Việt Nam vươn mình ra thế giới mạnh mẽ.
Theo ông Cường, có nhiều khía cạnh để trả lời bởi ngày nay bất cứ lĩnh vực nào cũng có cũng thay đổi lớn, cạnh tranh cao. Cụ thể ở lĩnh vực nông nghiệp doanh nghiệp của ông tham gia, ba năm trước, khi NextX có kế hoạch cạnh tranh ra nước ngoài, mọi việc khá đơn giản. Tuy nhiên ba năm sau họ phải nghiên cứu, đẩy thêm nền tảng cho IoT sau khi đã có rất nhiều dữ liệu. "Ba năm có thể là thời gian ngắn nhưng đủ khiến chúng ta lạc hậu nếu không thay đổi", ông Cường nhấn mạnh. Trong đó AI đóng vai trò chủ đạo trong chuyển đổi số nông nghiệp
Các chuyên gia thảo luận sau chuyên đề thứ nhất. Ảnh: Giang Huy
Về việc hiến kế cho Chính phủ, ông Cường cho rằng có nhiều cách, tuy nhiên sẽ có nhiều khó khăn bởi nông nghiệp là ngành có phân mảnh, mỗi trường hợp cụ thể có cách xử lý khác nhau. "Nhưng nhìn chung là tập trung vào những kênh giá trị kinh tế cao, giúp người nông dân có nguồn vốn, đầu ra... sau đó mới đến bài toán công nghệ", ông Trần Quang Cường chia sẻ
Ông cho biết, hiện tại NextX cũng tư vấn các tỉnh về việc giải bài toán nông nghiệp cần tổng thể, trong đó quy hoạch bài toán đầu tiên cần rất nhiều ngành, lĩnh vực tham gia.
Bên cạnh chia sẻ của đại diện NextX, phiên thảo luận tiếp tục với các câu hỏi dành cho lãnh đạo VTI và Elcom. Dựa vào kinh nghiệm phát triển sản phẩm nước ngoài, ông Trần Xuân Khôi dẫn chứng câu chuyện tại Singapore hay Hàn Quốc, nơi Chính phủ hỗ trợ 70% kinh phí giúp doanh nghiệp tăng tốc độ phát triển.
"Nếu Chính phủ hỗ trợ quá trình truyền thông, động viên các doanh nghiệp Việt dùng hàng Việt Nam, đó sẽ là nguồn động lực to lớn giúp doanh nghiệp phát triển", ông Khôi nói.
-
15h40
Đưa AI vào xây dựng văn bản pháp luật gặp nhiều thách thức
Ông Đặng Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Công nghệ ứng dụng CMC ATI Tập đoàn Công nghệ CMC nói AI hỗ trợ nhiều cho quá trình xây dựng văn bản pháp luật song đôi lúc chưa đạt đủ chặt chẽ. Để hiểu thấu đáo các văn bản thì ngay cả người làm luật còn có tranh cãi, chưa nói tới người dân, các tổ chức. Do đó, các đoàn luật sư phát triển không chỉ ở thế giới mà cả Việt Nam. Ông Tuấn cho biết đặc thù của việc xử lý văn bản rất khó. Đa phần người làm công nghệ chỉ hiểu ở mức độ luật bình thường. Đây cũng là một thách thức.
Ông Đặng Minh Tuấn. Ảnh: Giang Huy
Về thuận lợi, ông dành lời khen cho ý chí của lãnh đạo ngành. Bộ trưởng Bộ Công nghệ và Thông tin đã mời các tập đoàn lớn để giải quyết vấn đề lớn của đất nước, trong đó, có bài toán về luật. Nếu hệ thống luật còn bất cập thì còn gây khó khăn cho doanh nghiệp, cho quản lý. Văn bản pháp luật cần được xây dựng rõ ràng, tối ưu hóa và không chồng chéo. Một ưu điểm là việc phát triển công nghệ AI nhanh và mạnh mẽ mang tới nhiều thuận lợi trong việc giải quyết một số vấn đề trước đây phải tốn nhiều nguồn lực.
Theo ông, khi tiếp cận với cán bộ ngành tư pháp, những người lập pháp, xây dựng bộ luật, các cơ quan đó cũng có những những khó khăn nhất định, phải có sự phối hợp của Bộ Thông tin và Truyền thông. Thời gian qua, dù Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp tốt nhưng chúng ta vẫn cần phải làm theo đúng quy định, không thể đi tắt.
Để các đội ngũ công nghệ hiểu được các văn bản pháp luật, về mặt ngôn ngữ nói chung, CMC mời các chuyên gia, có sự phối hợp rất nhiều bên và kể cả các cán bộ ngành tư pháp để hoàn thiện hệ thống luật. Đơn vị đã phải gặp và tham khảo quy trình họ làm văn bản pháp luật, việc kiểm tra, rà soát hợp lệ hay không. Hệ thống của CMC không chỉ dành cho các nhà làm luật mà cho cả các tổ chức, cá nhân.
Nói về giải pháp giúp doanh nghiệp mở thị trường tốt hơn trong bối cảnh khi chi phí đầu tư lớn, các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp mong muốn được chính phủ tạo điều kiện thông qua chính sách vay vốn, dành cho các công ty chuyển đổi số, công nghệ. Đồng thời, các diễn giả cũng cam kết, doanh nghiệp sẽ đồng hành cùng nhà nước, tham mưu tư vấn khung pháp lý đặc biệt ở những ngành mới xuất hiện ví dụ như blockchain, tiền kỹ thuật số.
-
15h50
'Chế tạo vi mạch tại Việt Nam rất tốn kém'
Trong chuyên đề hai "Phát triển vi mạch bán dẫn gắn với phát triển công nghiệp điện tử Việt Nam", ông Bùi Duy Hiếu, Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội, chia sẻ về "Nghiên cứu và đào tạo về thiết kế vi mạch - một hướng tiếp cận mới từ công cụ đến mã nguồn mở".
Ông Bùi Duy Hiếu. Ảnh: Giang Huy
Trung tâm thiết kế vi mạch – VCNTT của Viện hiện có hơn 30 thành viên, đứng đầu là Giáo sư Trần Xuân Tú. Trung tâm tập trung vào một số nghiên cứu chính như: bảo mật phần cứng, trình tăng tốc tên miền cụ thể (trí tuệ nhân tạo); xử lý hình ảnh và video, bộ tăng tốc đám mây FPGA; tín hiệu hỗn hợp tương tự...
Trung tâm đã thực hiện một số vi mạch gồm: SNACK testchip (năm 2017); vi mạnh khuếch đại công suất 2.4 GHz (2018)... Trong tương lai, sẽ có vi mạch về IoT tự thu thập năng lượng (2024) và năm 2025 có thể có vi mạch về AI.
Ông Hiếu cho biết vi mạch bắt đầu bằng các hạt cát và thông qua quá trình tinh luyện sẽ thành vi mạch và được đưa vào ứng dụng. Các thiết kế vi mạch cần phần mềm tăng tốc thiết kế. Và tại Việt Nam, con đường phát triển vi mạch gặp nhiều khó khăn. Đầu tiên là công nghệ chế tạo. Bởi các công nghệ đều được bảo mật rất nghiêm ngặt. Thứ hai, các quốc gia đều muốn bảo vệ công nghệ lõi nên việc họ đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam rất khó. Thứ hai là công cụ thiết kế đắt, không phải trường đại học nào cũng đủ điều kiện để mua. Thứ ba, thông tin dùng để thiết kế được bảo vệ ở trong những bản thỏa thuận "không cung cấp thông tin". Cuối cùng là việc chế tạo vi mạch rất tốn kém.
Từ năm 2020, Google hỗ trợ sản xuất vi mạch dựa trên công nghệ mở mà không mất chi phí. Theo sau Google, một số tổ chức thế giới cũng tiếp tục chương trình này. Điều này tạo cơ hội cho Việt Nam trong việc sản xuất vi mạch trong tương lai.
-
16h10
Bốn thách thức phát triển vi mạch bán dẫn tại Việt Nam
Trong phần tham luận chưa đầy 10 phút, ông Trịnh Khắc Huề - Tổng Giám đốc Qorvo Việt Nam, chuyên gia 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bán dẫn chỉ ra bốn thách thức trong việc phát triển vi mạch bán dẫn.
Đầu tiên, Việt Nam chưa có hệ sinh thái toàn diện cho vi mạch bán dẫn gồm các nhà cung cấp nội địa, các công ty thiết kế sản phẩm, các cơ sở đóng gói, testing, phân tích lỗi sai... Lực lượng lao động tại Việt Nam dồi dào, song thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn sâu về vi mạch bán dẫn. Do đó, ngành công nghiệp này đang ở công đoạn gia công (cả ở công đoạn thiết kế và sản xuất), chưa có nhiều đội ngũ kỹ thuật ở mức tổng công trình sư làm chủ sản phẩm hoàn chỉnh.
"Sự thiếu hụt lực lượng nhân sự chuyên môn cao làm quá trình phát triển và mở rộng sẽ diễn ra chậm và khó khăn hơn", ông Huề nói.
Một thách thức khác đến từ bên ngoài là sự cạnh tranh quyết liệt từ các quốc gia trong khu vực. Hiện, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore... đều tập trung thu hút đầu tư để gia tăng vị thế trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Ông Trịnh Khắc Huề - Tổng Giám đốc Qorvo Việt Nam. Ảnh: Giang Huy
Dù có nhiều thách thức, doanh nghiệp Việt vẫn còn những cơ hội thuận lợi cho việc phát triển nhờ hệ thống chính trị ổn định, nguồn nhân lực dồi dào, được đào tạo bài bản. Những năm gần đây, cơ sở đào tạo cũng dành sự quan tâm nhất định cho lĩnh vực vi mạch, bán dẫn. Đồng thời các công ty tập đoàn lớn như Qorvo, Synopsis, Marvel, Renesas, Intel, Amkor, Hana Micron.... đang đặt trụ sở tại Việt Nam có thể chia sẻ kinh nghiệm, bí quyết phát triển cho các đối tác nội địa trong việc sáng tạo sản phẩm "Make in Vietnam".
Để phát triển lĩnh vực ban dẫn tại Việt Nam, ông Huề đề xuất 6 giải pháp trọng tâm gồm: xác định chiến lược phát triển phù hợp; có chính sách ưu đãi thuế; phát triển nguồn nhân lực vi mạch; tiếp tục thu hút thêm các tập đoàn lớn về vi mạch trên thế giới; tạo cộng đồng vi mạch chất bán dẫn rộng lớn; từng bước hoàn thiện hệ sinh thái cho vi mạch bán dẫn...