- Nhắc đến văn hóa Việt Nam, có người nói đó là tôn sư trọng đạo, kính trên nhường dưới hay nền văn hóa lúa nước... Theo ông, đặc trưng văn hóa Việt Nam là gì?
- Ở nghĩa rộng, văn hóa là trình độ phát triển về tinh thần và vật chất của nhân loại trong mỗi giai đoạn lịch sử nhất định. Còn nghĩa hẹp, văn hóa là hoạt động tinh thần của xã hội, gồm cả văn hóa vật thể, phi vật thể.
Đặc thù quốc gia phương Đông gắn với nền văn minh lúa nước đã hình thành văn hóa truyền thống Việt Nam là tôn trọng con người và tự nhiên. Đó là quan điểm về sự bền vững, hài hòa và thể hiện văn hóa cao đẹp, luôn tri ân tổ tiên và người trao truyền kiến thức cho mình.
Trên phương diện này, nét văn hóa tiêu biểu của người Việt Nam là tinh thần uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo; nhân ái, thương người như thể thương thân; ăn quả nhớ kẻ trồng cây, thờ cha kính mẹ; anh em như thể tay chân, kính trên nhường dưới; một sự nhịn là chín sự lành, kính thầy yêu bạn, kính lão đắc thọ. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói con người có bốn đức là cần, kiệm, liêm, chính, thiếu một đức thì không thành người.
Văn hóa Việt Nam còn là khát vọng hòa bình, tự do, đạo lý, luôn hướng tới hạnh phúc của gia đình và cộng đồng. Khái niệm quê hương bản quán, đất nước, Tổ quốc đều bắt nguồn từ gia đình. Các dịp lễ tết, đặc biệt là Tết cổ truyền thể hiện rõ nhất bản sắc văn hóa Việt Nam với những ý nghĩa tốt đẹp nhất. Vui Tết Nguyên đán lành mạnh, an toàn, ý nghĩa là dấu hiệu cho một năm an khang, thịnh vượng.
- Điều gì ông đau đáu và muốn làm nhất cho văn hóa Việt Nam, trên cương vị Bộ trưởng?
- Văn hóa Việt Nam luôn được định hướng phát triển toàn diện, hài hòa, trong đó con người là then chốt, đội ngũ văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng. Văn hóa điều tiết xã hội bằng hệ thống giá trị, chuẩn mực của cộng đồng. Văn hóa định hướng sự phát triển xã hội bằng mục đích nhân văn. Cột mốc văn hóa trong tâm trí mỗi người luôn là cột mốc vững chắc nhất.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tôi ý thức rõ trách nhiệm của ngành về phát triển văn hóa nên thời gian tới sẽ đổi mới tư duy quản lý từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa.
Thông qua công cụ pháp luật và kiến tạo chính sách, tôi tin rằng nguồn lực phát triển văn hóa sẽ được khơi thông. Bộ sẽ tham mưu cấp có thẩm quyền đồng ý chủ trương xây dựng và triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa. Các điểm nghẽn về phát triển văn hóa sẽ được chúng tôi tham mưu tháo gỡ.
Việc chấn hưng và phát triển văn hóa Việt Nam sẽ được quan tâm, trong đó vai trò văn hóa sẽ được nêu cụ thể là hệ điều tiết trong sự vận động mọi mặt của đời sống. Tôi muốn nhân rộng mô hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, góp phần lan tỏa "sức mạnh mềm", đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
Sự kiện văn hóa, thể thao, nghệ thuật cấp quốc gia, cấp vùng cũng được tổ chức, gắn kết với xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân. Bằng văn hóa và từ văn hóa, các sự kiện tác động trở lại để xây dựng môi trường văn hóa trong gia đình, thôn, bản, khu phố, trong công nhân, doanh nghiệp, doanh nhân.
Tôi cũng trăn trở, làm sao từng bước nghiên cứu, xác định nội hàm hệ giá trị văn hóa Việt Nam, hệ giá trị con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
- Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 nêu văn hóa không chỉ là ngành tiêu tiền mà thực sự là ngành kiếm ra tiền. Làm cách nào để kiếm ra tiền từ văn hóa?
- Lâu nay, chúng ta hay nhấn mạnh đến khía cạnh nền tảng tinh thần của văn hóa. Điều này hoàn toàn đúng. Nhưng trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, chắc chắn cần quan tâm nhiều hơn đến yếu tố kinh tế của văn hóa. Văn hóa không chỉ thích nghi trong nền kinh tế thị trường mà còn điều tiết sự phát triển của nền kinh tế thị trường ấy.
Đảng và Nhà nước khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội. Theo cách tiếp cận này, tính động lực của sự phát triển kinh tế xã hội được hiểu theo nghĩa rộng, ở đó sự phát triển văn hóa có tác động lan tỏa sang các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội.
Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, nhấn mạnh quan điểm các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân và cần khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa. Vậy nên, văn hóa là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước.
Theo thống kê, Việt Nam hiện có 29 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh, trong đó có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên; 14 di sản phi vật thể đại diện của nhân loại và di sản cần bảo vệ khẩn cấp; 7 di sản tư liệu. Ngoài ra, toàn quốc có hơn 3.500 di tích quốc gia, hơn 200 bảo vật quốc gia, hơn 360 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Dọc chiều dài đất nước có 166 bảo tàng, trong đó 4 bảo tàng quốc gia với hơn ba triệu hiện vật.
Đây là nguồn tài nguyên quý, nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội và gia tăng sức mạnh mềm quốc gia của Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển. Ngoài ra, các di tích, lễ hội, phong tục, tập quán, nghề thủ công truyền thống... đều có thể trở thành chất liệu tốt để hình thành nên những sản phẩm và dịch vụ văn hóa, tạo sức hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch.
Tài sản văn hóa đã góp phần vào tổng thu gần 500.000 tỷ đồng của ngành du lịch năm 2022. Doanh thu các ngành công nghiệp văn hóa như nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, thủ công mỹ nghệ... góp phần đáng kể vào tăng trưởng GDP cả nước.
- Bộ trưởng suy nghĩ thế nào khi văn hóa Việt Nam có phần mai một trong xã hội hiện đại và đạo đức xã hội có mặt xuống cấp?
- Tại hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh năm lần cụm từ "chấn hưng, phát triển văn hóa đất nước". Điều này khẳng định lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm đến văn hóa, nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, trong đó con người là trung tâm của chiến lược phát triển bền vững.
Gần đây, đã xuất hiện những hiện tượng văn hóa tầm thường, dễ dãi, mang tính thị trường. Đáng buồn là những điều này đang thu hút một bộ phận người xem quan tâm. Ngoài ra, còn có những biểu hiện lệch chuẩn trong hưởng thụ văn hóa. Đạo đức xã hội, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, văn minh công cộng... chưa được xây dựng theo hướng văn hóa.
Đời sống văn hóa, tinh thần ở một số nơi còn đơn điệu, khoảng cách hưởng thụ văn hóa chậm được rút ngắn, môi trường văn hóa có biểu hiện thiếu lành mạnh. Đặc biệt, Việt Nam đang thiếu tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao.
Năm 2023, ngành sẽ xây dựng môi trường văn hóa và coi đây là nhiệm vụ cốt lõi. Bước đầu, chúng ta đã hình thành nên hệ sinh thái có khả năng nuôi dưỡng, thúc đẩy sáng tạo, có sức kết nối, lan tỏa, định hình những giá trị tốt đẹp của văn hóa, con người Việt Nam.
Chúng tôi sẽ có nhiều giải pháp ngăn chặn tình trạng mai một văn hóa và xuống cấp đạo đức xã hội. Tuy nhiên, vấn đề này rất cần chung tay của các cấp, các ngành cũng như toàn xã hội. Muốn xây dựng con người có đạo đức, văn hóa thì từ gia đình, trường học đến xã hội đều cần có trách nhiệm.
Hệ giá trị con người Việt Nam sẽ được xây dựng với những phẩm chất phù hợp với yêu cầu thời đại mới như yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Lối sống "mỗi người vì mọi người, mọi người vĩ mỗi người" được xây dựng và phát huy. Con người được phát triển gắn với chăm lo và đề cao văn hóa gia đình, theo tinh thần "nước là một gia đình lớn, gia đình là một nước nhỏ".
Văn học nghệ thuật là lĩnh vực đặc biệt của văn hóa, lãnh địa của khám phá và sáng tạo, tâm hồn và cảm xúc, có sức mạnh cảm hóa, thu phục lòng người rất lớn. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy tài năng, tâm huyết của văn nghệ sĩ, chú trọng phát hiện và bồi dưỡng tài năng văn học, nghệ thuật; đồng thời, xây dựng đội ngũ phê bình sắc về chuyên môn, vững về bản lĩnh, nhạy bén với thực tiễn...