"Các công nghệ số, nhất là trí tuệ nhân tạo, phải được sử dụng một cách đúng đắn, có đạo đức để hướng tới thực hiện những mục tiêu vì con người", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Diễn đàn quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ nhất, tổ chức tại Nam Định sáng 14/9.
Chủ đề của diễn đàn là "Đưa nền tảng số đến từng hộ gia đình". Theo Bộ trưởng, đây cũng là mục tiêu và cách làm của Việt Nam trong chuyển đổi số. "Đó là mỗi gia đình, mỗi người dân được tiếp cận với công nghệ số và được tham gia và thụ hưởng lợi ích từ chuyển đổi số", ông nói.
Theo ông, mục tiêu của phát triển kinh tế số là làm cho người dân giàu có hơn, còn xã hội số là làm người dân được hạnh phúc hơn nhờ công nghệ. "Đây là mục tiêu quan trọng, bất biến trong quá trình phát triển kinh tế số của Việt Nam". Kinh tế số được hiểu là tất cả hoạt động dựa trên, hoặc được đổi mới, bởi công nghệ số, hạ tầng số, nền tảng số, sản phẩm số, thể chế số, kỹ năng số. Dữ liệu và trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra giá trị mới cơ bản của kinh tế số.
Tại Diễn đàn, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cũng đánh giá "trí tuệ nhân tạo là công nghệ nền tảng quan trọng dẫn dắt hoạt động chuyển đổi số". AI có thể tạo bước phát triển đột phá về năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ngoài ra, ông cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phổ cập các yếu tố cơ bản của xã hội số, đảm bảo mỗi hộ gia đình một đường cáp quang băng rộng, mỗi người dân một điện thoại thông minh, một danh tính điện tử, một chữ ký số cá nhân, một tài khoản thanh toán số, một tài khoản dịch vụ công trực tuyến, một phần mềm bảo đảm an toàn thông tin mạng ở mức cơ bản, và có kỹ năng số ở mức cơ bản.
Trong khi đó, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cũng nêu 10 hành động phát triển kinh tế số và xã hội số Việt Nam, trong đó có hai hành động tập trung vào AI. Thứ nhất là xây dựng, triển khai miễn phí nền tảng bồi dưỡng kỹ năng số với các khóa học kỹ năng cơ bản cho người dân, đặc biệt là phổ cập AI để sáng tạo nội dung. Thứ hai là triển khai ba dự án điểm quốc gia về ứng dụng AI, gồm xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt và xây dựng trợ lý ảo hỗ trợ công chức, viên chức khối hành pháp; trợ lý ảo tránh chồng chéo văn bản quy phạm pháp luật cho cán bộ lập pháp; và trợ lý ảo về pháp lý phục vụ người dân.
Theo báo cáo của Bộ, tỷ trọng đóng góp của kinh tế số vào GDP ngày càng tăng, từ 11,91% năm 2021 lên 14,26% năm 2022 và đã đạt khoảng 14,96% trong sáu tháng đầu 2023. Để đạt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% năm 2025, lĩnh vực này phải tăng trưởng gấp 3-4 lần tăng trưởng GPD, tức khoảng 20-25%.
Theo báo cáo thường niên do Google và Temasek công bố, tốc độ tăng trưởng kinh tế số Việt Nam năm 2022 là 28%, dẫn đầu trong các quốc gia Đông Nam Á. Năm 2022, hơn 1.400 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng gần 20% so với 2021.
Việt Nam hiện có 60 nền tảng, ứng dụng di động phục vụ người dân có trên một triệu người dùng hàng tháng, tăng 10% so với cùng kỳ 2022. Tổng số lượng người dùng trên các ứng dụng di động Việt Nam trong sáu tháng đầu năm vượt mức 500 triệu, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lưu Quý