Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023, sáng 18/12, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng tạo và khai thác dữ liệu để sinh ra giá trị mới là sự khác biệt căn bản của chuyển đổi số. Năm Dữ liệu số sẽ tập trung vào các vấn đề gồm bảo vệ dữ liệu cá nhân, công bố và xây dựng các cơ sở dữ liệu cấp bộ ngành và địa phương, mở dữ liệu để kết nối chia sẻ, đồng thời cần quan tâm đến an toàn dữ liệu.
Dữ liệu số là dữ liệu được thu thập và tạo ra trên các nền tảng số, các hệ thống thông tin, có thể sử dụng, khai thác để tạo ra thông tin, tri thức. Trong các phát biểu trước đây, ông Hùng cũng từng khẳng định đây là loại tài nguyên mới, với các giá trị như không tiêu hao, càng dùng càng nhiều lên, càng dùng càng tạo ra giá trị hơn. Giá trị của dữ liệu thể hiện ở việc biến nó thành thông tin, thành tri thức của đất nước, của nhân loại.
"Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cầm nhịp Năm dữ liệu, tạo ra sự thay đổi căn bản về dữ liệu của Việt Nam", Bộ trưởng nói.
Ông cũng chỉ ra một số nhiệm vụ của năm 2023 mà Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thực hiện, gồm: đo lường kiểm soát chất lượng dịch vụ của ngành Bưu chính, giải quyết triệt để sim rác và thương mại hoá 5G, nâng số tài khoản dùng các nền tảng số Việt Nam tăng thêm ít nhất 50%, yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới tuân thủ luật pháp Việt Nam. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đặt mục tiêu xây dựng đầy đủ dữ liệu doanh nghiệp số Việt Nam, nhằm tạo ra sự cộng hưởng trong nước và đi ra nước ngoài.
Trong phát biểu tại hội nghị, ông Hùng cũng cho biết, năm nay, các nền tảng số Việt Nam đã thu hút 500 triệu tài khoản. Các doanh nghiệp công nghệ trong nước phát triển mạnh mẽ ở nước ngoài. Doanh thu từ nước ngoài về viễn thông của Viettel đạt 3 tỷ USD, FPT đạt 1 tỷ USD về công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Triển khai năm dữ liệu số như thế nào?
Theo ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Chuyển đổi số quốc gia, có năm yếu tố quan trọng trong phát triển dữ liệu số tại Việt Nam, gồm: thể chế, kinh tế dữ liệu số, hạ tầng công nghệ, nhân lực và nhận thức.
Ông cho biết sang năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương rà soát, sửa đổi, bổ sung, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật về dữ liệu số, tạo điều kiện để tạo ra các doanh nghiệp kỳ lân nhờ dữ liệu số, đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng về sở hữu và bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dân.
Việt Nam cũng sẽ hoàn thiện kiến trúc hạ tầng kết nối, chia sẻ dữ liệu ở cấp độ quốc gia (NDXP - National Data Exchange Platform) và cấp độ bộ, ngành, địa phương (LGSP - Local Government Service Platform) trong cơ quan nhà nước, hình thành mạng lưới quốc gia phục vụ việc liên thông giữa các hệ thống thông tin, các nền tảng số, các cơ sở dữ liệu quốc gia, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp để cung cấp dịch vụ số, dữ liệu số cho người dân tốt hơn trên không gian số.
Về nguồn nhân lực, đại diện Cục cho biết sẽ định hướng phát triển nguồn nhân lực tập trung, nguồn nhân lực Data Engineer, Data Analyst và Data Scientist tại các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, đồng thời phối hợp giữa cơ quan quản lý và các trường Đại học trong việc phát triển nguồn nhân lực trình độ cao như Data Scientist.
Bộ Thông tin và Truyền thông nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Bộ Thông tin và Truyền thông sáng 18/12 tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Đây là sự ghi nhận của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với Bộ Thông tin và Truyền thông vì đã có những thành tích xuất sắc, đột xuất trong xây dựng và triển khai thực hiện Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số thời gian qua.
Thủ tướng khẳng định thành quả này là do thực hiện nghiêm chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước; sự chỉ đạo điều hành, nỗ lực phấn đấu vươn lên, vượt qua thách thức khó khăn của toàn ngành. Đồng thời, còn có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của mình để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Lưu Quý