"Netanyahu ngăn cản Israel tiến tới chiến thắng đích thực ở Dải Gaza. Đó là lý do chúng tôi phải rời khỏi chính phủ khẩn cấp với trái tim nặng trĩu", Bộ trưởng nội các chiến tranh Benny Gantz nói trên truyền hình hôm 9/6, mô tả đây là quyết định "phức tạp và đau đớn".
Nội các chiến tranh của Israel gồm ba người là ông Gantz, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant. Đây là ủy ban được thành lập trong thời kỳ chiến tranh để điều phối hoạt động chiến đấu một cách hiệu quả, chịu trách nhiệm đưa ra tất cả các quyết định lớn trong xung đột.
Ông Gantz, đối thủ chính trị chính của ông Netanyahu, nhấn mạnh ông rời khỏi nội các chiến tranh vì "tình hình ở Israel và cơ quan ra quyết định đã thay đổi".
Ông cáo buộc Thủ tướng Netanyahu đặt các toan tính chính trị cá nhân lên trên chiến lược thời hậu chiến của Israel tại Dải Gaza, dẫn đến việc "trì hoãn" đưa ra các quyết định quan trọng. Quan chức này cũng kêu gọi người đứng đầu chính phủ Israel tổ chức bầu cử sớm trong những tháng tới.
Cùng ngày, Gadi Eisenkot, thành viên đảng Đoàn kết Quốc gia của ông Gantz và là quan sát viên trong nội các chiến tranh, cũng tuyên bố rút khỏi cơ quan này.
"Bất chấp nỗ lực của nhiều người, bao gồm các đồng nghiệp của tôi, nội các do ông đứng đầu đã không thể đưa ra những quyết định quan trọng trong thời gian dài, vốn là điều cần thiết để hiện thực hóa các mục tiêu trong cuộc chiến và cải thiện vị thế chiến lược của Israel", ông Eisenkot viết trong thư từ chức gửi Thủ tướng Netanyahu.
Ông Gantz tháng trước đã ra tối hậu thư yêu cầu ông Netanyahu phải vạch ra kế hoạch mới cho cuộc chiến chống lực lượng Hamas ở Dải Gaza trước ngày 8/6. Kế hoạch này bao gồm việc tiêu diệt nhóm vũ trang, giải thoát các con tin ở Gaza, thành lập chính phủ mới ở dải đất, đưa người tị nạn Israel trở về miền bắc đất nước và thúc đẩy mục tiêu bình thường hóa quan hệ với Arab Saudi.
Thủ tướng Netanyahu sau đó bác tối hậu thư của Bộ trưởng Gantz, khẳng định điều này chỉ gây hại cho Israel. Dù vậy, ông Netanyahu đề nghị ông Gantz tiếp tục ở lại nội các chiến tranh, khẳng định bây giờ là lúc để đoàn kết chứ không phải chia rẽ.
"Benny, giờ không phải thời điểm để từ bỏ chiến dịch, mà là lúc để hợp lực", ông Netanyahu viết trên mạng xã hội X, nhấn mạnh mục tiêu của nước này là tiếp tục cuộc chiến cho đến khi đạt được tất cả mục tiêu, bao gồm giải thoát mọi con tin và tiêu diệt Hamas.
Thủ tướng Israel nhấn mạnh ông sẽ đón chào bất kỳ đảng phái nào sẵn lòng chia sẻ gánh nặng trong cuộc chiến chống Hamas, giúp "mang lại chiến thắng trước kẻ thù và đảm bảo an ninh cho công dân" của Tel Aviv.
Quyết định của ông Gantz không khiến chính phủ của ông Netanyahu đối mặt với nguy hiểm tức thì, do đảng Đoàn kết Quốc gia không nằm trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Israel.
Hiện liên minh vẫn nắm thế đa số trong quốc hội gồm 120 thành viên của nước này, với 64 ghế. Tuy nhiên, việc đảng của ông Gantz rời khỏi nội các chiến tranh sẽ khiến cơ quan này không còn đại diện nào của các đảng phái khác ngoại trừ đảng Likud của ông Netanyahu, điều được coi là đòn giáng vào uy tín chính trị của Thủ tướng Israel.
Trước đó, việc ông Gantz, thủ lĩnh phe đối lập ở Israel, đồng ý gia nhập nội các chiến tranh của ông Netanyahu được cho là bằng chứng thể hiện sự đoàn kết của quốc gia này sau cuộc xung đột tại Hamas, giúp tăng uy tín của Israel trước các đối tác quốc tế. Bộ trưởng Gantz cũng có quan hệ tốt với giới chức Mỹ.
Tám tháng kể từ khi xung đột tại Dải Gaza bùng phát, Israel vẫn chưa đạt được các mục tiêu mà nước này đề ra vào thời điểm phát động chiến dịch, khi phần lớn giới lãnh đạo Hamas vẫn chưa bị bắt và hơn 100 con tin vẫn đang bị giữ ở vùng lãnh thổ.
Trong bối cảnh này, Alon Pinkas, cựu nhân viên ngoại giao Israel, cho rằng ông Gantz dường như lo ngại bản thân sẽ đánh mất uy tín nếu tiếp tục ở lại nội các chiến tranh của ông Netanyahu. "Quan điểm của ông Gantz càng giống Thủ tướng thì ông ấy càng đánh mất sự ủng hộ của cả hai phe, gồm phe cánh hữu và trung dung", Pinkas nhận định.
Phạm Giang (Theo CNN, ToI, AP)