Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, sẽ khẩn trương triển khai 5 nhóm nhiệm vụ chính nhằm tăng cường vai trò điều phối, phối hợp với các địa phương thực hiện các biện pháp để thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong các giải pháp cần tập trung giải quyết hai yếu tố chính là con người và công nghệ.
Đây cũng là chỉ đạo của Thủ tướng và gợi ý của chuyên gia cấp cao quốc tế về các giải pháp đưa khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo đóng góp hiệu quả hơn vào phát triển kinh tế - xã hội, trở thành động lực trong tăng trưởng của đất nước trong bối cảnh mới, nêu tại Hội nghị "Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam" sáng 15/5.
Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, để khoa học thực sự trở thành động lực và nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội cần khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng bộ về thể chế giữa pháp luật về khoa học và công nghệ với pháp luật liên quan. Cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn thu hút đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ đầu ngành, nhà khoa học tài năng và nhà khoa học nước ngoài cùng hợp tác, hỗ trợ giải bài toán cụ thể của Việt Nam.
Các giải pháp để tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ không chỉ từ nhà nước mà còn từ xã hội, đặc biệt là từ doanh nghiệp; nâng cao nhu cầu công nghệ tự thân của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mối liên kết viện, trường và doanh nghiệp, đưa doanh nghiệp thực sự trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, nơi biến các kết quả nghiên cứu từ viện, trường thành sản phẩm, hàng hóa... cần được thực hiện đồng bộ.
Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, các chuyên gia đến từ Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Liên bang Úc (CSIRO) thực hiện nghiên cứu về tương lai kinh tế số của Việt Nam, trong đó đưa ra các kịch bản phát triển có thể xảy ra và các khuyến nghị chính sách cho Chính phủ Việt Nam từ góc độ đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực sáng tạo của quốc gia.
Ngân hàng Thế giới cũng đang hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu, xây dựng Báo cáo khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến 2035, tầm nhìn 2045 nhằm cung cấp luận cứ xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2021-2030.
Các giải pháp triển khai để trả lời cho câu hỏi làm thế nào để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội thực chất và hiệu quả đối với Việt Nam. Tạo bước chuyển đổi về mặt chiến lược để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng kết hợp với phát triển công nghệ trong một số ngành, lĩnh vực mới có thế mạnh, đúng như mong mỏi của Thủ tướng và yêu cầu thực tế của nền kinh tế trong bối cảnh tài nguyên đang ngày càng cạn kiệt và lao động giá rẻ không còn là thế mạnh để tăng trưởng.
5 nhóm nhiệm vụ Thủ tướng đặt hàng Bộ Khoa học và Công nghệ:
Một là đề xuất chính sách khuyến khích và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp. Coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo. Phát triển mạnh hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp.
Hai là phát huy vai trò của các trường đại học, viện nghiên cứu trong việc tăng cường nền tảng vốn con người cho đổi mới sáng tạo. Cần nhất là gắn liền các hoạt động nghiên cứu ứng dụng với nhu cầu doanh nghiệp, nhu cầu của nền kinh tế.
Ba là thúc đẩy liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước, các trung tâm kết nối trí tuệ đóng vai trò lõi ở các thành phố thông minh và bền vững. Vậy ở Việt Nam phải làm như thế nào?
Bốn là xây dựng năng lực quản trị nhà nước đối với hệ thống đổi mới sáng tạo và hoàn thiện thể chế cho các hoạt động đổi mới sáng tạo.
Năm là tập trung phát triển sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao để hình thành các ngành nghề mới và các sản phẩm mới, giá trị gia tăng cao, nhất là lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như: nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ thông tin,...