PII (Provincial Innovation Index) được Chính phủ chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng trên toàn quốc từ năm 2023, nhằm cung cấp bức tranh tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương. Kết quả xếp hạng sẽ được công bố trong tháng 1/2024.
Cấu trúc bộ chỉ số PII được thiết kế với hai nhóm chỉ số đầu vào (5 trụ cột) và đầu ra (2 trụ cột). Mỗi trụ cột có các nhóm với 52 chỉ số thành phần. Các số liệu được thu thập từ các báo cáo thống kê, báo cáo quản lý chính thức của các cơ quan trung ương và địa phương; số liệu từ các bộ chỉ số khác (Cải cách hành chính; Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Chuyển đổi số; Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh).
Theo ông Trần Văn Nghĩa, phó Giám đốc Học viện Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) - đơn vị xây dựng bộ chỉ số, đối với các bộ chỉ số quốc tế nói chung, thông lệ cần thiết sau khi xây dựng bộ chỉ số đó là phải tiến hành đánh giá (audit) độc lập. Các chỉ số tiêu biểu trên thế giới như: Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), Chỉ số hiệu quả môi trường (EPI), Bảng điểm đổi mới sáng tạo châu Âu (EIS), Chỉ số năng lực cạnh tranh nhân tài toàn cầu (GTC), Hiệu quả cạnh tranh công nghiệp (CIP)... đều trải qua quá trình đánh giá từ Viện Nghiên cứu chung châu Âu (JRC) thuộc Ủy ban châu Âu.
Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, bên cạnh sự tham gia cố vấn kỹ thuật của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), PII 2023 còn được chuyên gia quốc tế đánh giá độc lập do tổ chức này giới thiệu. Đây là chuyên gia quốc tế đã đánh giá khi xây dựng thử nghiệm PII 2022. Họ cũng là những chuyên gia nhiều năm qua đánh giá về GII và các chỉ số của Liên hợp quốc, Ủy ban châu Âu...
Theo đó, các chuyên gia đã đánh giá về mức độ phù hợp của khung chỉ số, dữ liệu, phương pháp, mô hình tính toán và các phân tích thống kê khác nhằm kiểm tra tính minh bạch của quy trình tính toán, mức độ phù hợp giữa khung chỉ số và dữ liệu, tính chắc chắn, độ nhạy và tính vững của bộ chỉ số. Việc đánh giá cuối cùng của chuyên gia nhằm kiểm tra bộ chỉ số đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế về mặt thống kê và phương pháp luận mới được công bố chính thức.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, kết quả cho thấy khung chỉ số và các chỉ số thành phần được thiết kế phù hợp, phản ánh được hiện trạng của đối tượng được đo lường. Các bước xử lý dữ liệu, tính toán điểm số và thứ hạng đều được thực hiện đầy đủ, chính xác, minh bạch và đáng tin cậy.
Kết quả thử nghiệm cũng cho thấy bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương đủ mạnh để đưa ra những kết luận hữu ích. Kết quả đánh giá cũng cho thấy còn một vài chỉ số cần được xem xét khi triển khai trên phạm vi toàn quốc trong thời gian tới. Việc rà soát, xem xét, tinh chỉnh các chỉ số hằng năm để phù hợp với bối cảnh và mục tiêu cũng là thông lệ chung trong xây dựng các chỉ số tổng hợp.
Ông Nghĩa nhấn mạnh việc xây dựng bộ chỉ số địa phương hướng đến cung cấp bộ công cụ tốt, có cơ sở khoa học và thực tiễn cho lãnh đạo các cấp để ra quyết định, xây dựng và thực thi chính sách cũng như cung cấp thông tin tham khảo có giá trị cho các đối tượng khác. Do đó ngoài các chuyên gia, đơn vị công bố cũng tham vấn ý kiến của địa phương trong quá trình xây dựng khung chỉ số để đảm bảo các chỉ số phản ánh được đúng hiện trạng của địa phương, và trong quá trình thu thập dữ liệu.
Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) được đánh giá là công cụ đo lường năng lực nhằm hỗ trợ và thúc đẩy phát triển từng địa phương. Đây là bộ chỉ số tổng hợp, bao quát về kinh tế xã hội cấp địa phương đầu tiên cho đến nay.
Thông tin xếp hạng PII các địa phương sẽ được cập nhật tại chuyên trang PII do Báo VnExpress chủ trì xây dựng (xem tại đây). Ngoài thứ hạng chung, độc giả có thể tìm kiếm thông tin chi tiết về các chỉ số cơ bản của từng tỉnh.
Như Quỳnh