-
9h30
Tọa đàm Leader Talks diễn ra từ 9h30h ngày 10/5 sẽ bàn về thực trạng người xây, kẻ phá của các dự án blockchain Việt. Hai diễn giả tham gia là Lynn Hoàng, Giám đốc Binance khu vực Đông Nam Á, và Nguyễn Việt Dũng, CTO Krystal thuộc Kyber Group.
Tọa đàm Leader Talks nằm trong chuỗi sự kiện của Hội thảo CTO Summit 2022 và chương trình bình chọn Lãnh đạo công nghệ trẻ do VnExpress tổ chức.
Câu hỏi dành cho độc giả: Trong tháng 5 có một ngày rất ý nghĩa với những người làm khoa học, công nghệ Việt Nam. Đó là ngày nào?
Độc giả trả lời nhanh nhất và đúng nhất trong phần bình luận sẽ nhận được thẻ mua hàng Tiki trị giá 500.000 đồng.
-
9h33
Thực trạng thị trường blockchain Việt
- Trong chương trình Bình chọn lãnh đạo công nghệ trẻ, do VnExpress tổ chức, có nhiều ứng viên làm việc trong lĩnh vực blockchain. Diễn giả Lynn Hoàng đánh giá gì về các ứng viên năm nay, nhất là trong mảng blockchain?
Bà Lynn Hoàng, Giám đốc Binance khu vực Đông Nam Á: Tôi có theo dõi chương trình, từ mùa trước đã có những ứng viên trong lĩnh vực blockchain được vinh danh trong Top 10, như Huy Nguyễn của KardiaChain. Năm nay, các ứng viên làm blockchain trẻ hơn, đến từ nhiều dự án tên tuổi và hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ GameFi đến NFT chứ không đơn thuần là công nghệ blockchain. Điều này cũng phần nào phản ứng bức tranh chung của ngành blockchain hiện nay. Công nghệ đã có nhiều ứng dụng hơn, dần đi vào đời sống. Trong tiến trình đó đóng góp của các CTO là một phần quan trọng.
Gần đây, tỷ phú Elon Musk có một tweet truyền cảm hứng cho các lãnh đạo công nghệ: "Tôi cực kỳ tin tất cả các vị quản lý trong lĩnh vực công nghệ cần phải xuất sắc về kỹ năng công nghệ. Các quản lý trong lĩnh vực phần mềm cần phải viết được phần mềm tốt, nếu không các ông không khác gì đội trưởng kỵ binh mà không biết cưỡi ngựa". Lãnh đạo công ty công nghệ cũng nên biết về công nghệ để có thể ra quyết định nhanh, chính xác hơn.
-
9h35
- Dù blockchain đã trở nên phổ biến, nhiều độc giả hiện vẫn thắc mắc blockchain là gì. Theo các diễn giả, bức tranh chung của thị trường blockchain Việt hiện nay ra sao, chúng ta đã làm được những gì, còn vấn đề gì nổi cộm?
Bà Lynn Hoàng: Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm sáng trên bản đồ thế giới, đứng trong top 10 thị trường của Binance trên nhiều dòng sản phẩm. Nhiều dự án do người Việt xây dựng trở thành biểu tượng toàn cầu trong một số lĩnh vực. Blockchain đang đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ mới. Và Việt Nam có nhiều lợi thế.
Bên cạnh những sản phẩm đã thành danh trên thị trường quốc tế, đội ngũ kỹ sư Việt vẫn tiếp tục xây dựng nhiều dự án mới tạo thành một hệ sinh thái phong phú với nhiều sản phẩm phái sinh. Đây là điểm cộng lớn của thị trường.
Một điểm tích cực khác là các dự án blockchain Việt tiếp tục nhận được đầu tư từ nước ngoài, cho thấy Việt Nam vẫn là cái nôi thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế. Hy vọng trong tháng này, chúng ta sẽ có nhiều tin vui hơn nữa, nhiều triệu USD từ các quỹ đầu tư quốc tế lớn có thể tiếp tục đổ về các dự án của người Việt. Tuần qua, một tỷ phú người Nhật đã đến Việt Nam để tìm hiểu về các dự án Web 3, metaverse.
Bên cạnh những tín hiệu lạc quan, chúng ta cũng chứng kiến không ít rủi ro, thậm chí những tin tức không tốt. Điều này từ nhiều phía, cả chủ quan lẫn khách quan. Ví dụ chúng ta rất lấy làm tiếc vì dự án blockchain nổi tiếng nhất thế giới của người Việt bị hacker tấn công, lấy đi hàng trăm triệu USD.
Ngoài ra thị trường đang trong giai đoạn thanh lọc. Nhiều dự án không đủ sức cạnh tranh cũng dần biến mất khỏi thị trường. Việc này có thể nhìn theo hai hướng. Tiêu cực là nhiều nhà đầu tư, người chơi có thể mất tiền khi dự án không được như kỳ vọng. Nhưng về mặt tích cực, qua những đợt thanh lọc, thị trường sẽ tự chọn lọc những dự án tốt, tiềm năng, đủ sức cạnh tranh. Về lâu dài chỉ những dự án tốt mới có thể tồn tại, người chơi, nhà đầu tư, cộng đồng dần dần cũng sẽ có những đánh giá, phân tích tốt hơn về dự án trước khi đầu tư. Nói tóm lại, đây là giai đoạn "gạn đục khơi trong" của thị trường. Giai đoạn này sẽ có cả tin xấu lẫn tin tốt cùng ập đến, chúng ta nên chuẩn bị sẵn sàng tâm lý, không nên đặt quá nhiều kỳ vọng. Bất kỳ thị trường nào cũng phải trải qua những đợt điều chỉnh như thế này, không riêng crypto hay blockchain.
Ông Nguyễn Việt Dũng, CTO Krystal: Về tiềm năng, Việt Nam nằm trong top 10 nước có lượng người sử dụng crypto nhiều nhất thế giới, cho thấy đây là thị trường cực kỳ tiềm năng. Như Lynn nói, dòng tiền đổ vào các dự án Việt Nam vẫn rất nhiều. Ví dụ năm ngoái, dự án Krystal của chúng tôi cũng đã gọi vốn được hơn 6,6 triệu USD từ nhiều quỹ lớn trên thế giới.
Về blockchain, Việt Nam có nhiều dự án được biết đến nhiều trên thế giới. Nhưng song song với đó, thị trường đang trong giai đoạn điều chỉnh. Tôi mong có thể chia sẻ nhiều hơn về chủ đề này trong buổi tọa đàm hôm nay.
-
9h42
- Sau giai đoạn bùng nổ cuối năm ngoái, thị trường đang có dấu hiệu chững lại. Các chuyên gia đánh giá gì về nhận định: "10 dự án năm ngoái năm nay chỉ còn 3-4 dự án đang thật sự hoạt động"?
Bà Lynn Hoàng: Đây là xu hướng chung của quốc tế chứ không riêng Việt Nam. Như phân tích ở trên, thị trường sau khi trải qua đợt tăng trưởng nóng sẽ tự động phải điều chỉnh lại để có thể tiếp tục phát triển ổn định.
Ngay cả khi thị trường downtrend, chúng ta cũng có rất nhiều thứ để làm. Ví dụ như "mùa đông" trước đó, khi thị trường đi xuống, nhiều dự án blockchain của người Việt vẫn âm thầm làm sản phẩm. Như giai đoạn 2017 - 2019, một số dự án Việt như KardiaChain, Kyber Network vẫn tiếp tục hoạt động. Nhưng điểm chung là các công ty này đều phải có một nguồn tiền dự phòng đủ để có thể hoạt động trong vòng vài năm. Đến khi thị trường khởi sắc trở lại, chúng ta đã có sẵn sản phẩm phục vụ cộng đồng. Đó là lý do rất nhiều dự án bứt phá và vẫn hoạt động ổn định ngay khi thị trường có những biến chuyển lớn.
Về phía người chơi, chúng ta cũng cần tỉnh táo trong giai đoạn nhiều biến động. Như đã nói, downtrend theo một góc nhìn tích cực cũng là lúc thị trường thanh lọc những dự án yếu. Chúng ta có thể theo dõi và tìm ra những dự án tốt từ những giai đoạn thị trường có biến động. Nếu đầu tư lâu dài, những biến động hiện tại cũng không quá đáng lo.
-
9h48
- Cùng với đánh giá rằng thị trường downtrend, tin tức về các dự án lừa đảo cũng xuất hiện nhiều. Các dự án lừa đảo của người Việt thời gian qua có thực sự nhiều đến mức gọi là vấn nạn và gây méo mó thị trường không?
Ông Nguyễn Việt Dũng: Trong công nghệ, chuyện lừa đảo không hiếm, kể cả với các công nghệ cũ. Ví dụ tình trạng hack tài khoản ngân hàng, hack Facebook, đa cấp số... vẫn diễn ra khá thường xuyên.
Có một đặc điểm chung, các vụ lừa đảo thường đánh vào người dùng mới, không quá quen với công nghệ. Tuy nhiên, khi ngày càng có nhiều người sử dụng hơn, ví dụ nhiều người sử dụng tài khoản ngân hàng hơn, số vụ hack hay lừa đảo đã ít đi vì người dùng đã hiểu hơn về công nghệ và các dự án có nhiều công cụ để bảo vệ người dùng hơn.
Blockchain hiện vẫn là công nghệ khá mới. Nhiều người tham gia vào lĩnh vực này thực ra vẫn chưa hiểu nó là gì, hoạt động như thế nào. Đa số các dự án vẫn còn non trẻ, vì vậy nhiều bên lợi dụng vào điều đó để kiếm lợi cho bản thân và dự án của họ.
Blockchain là phi tập trung trung. Với tính chất mở như vậy, việc ra các chính sách, quy định để bảo vệ người dùng sẽ khó khăn hơn các thị trường khác. Đây cũng là lý do mà chúng ta thấy nhiều scam, lừa đảo trong thị trường này.
Bản thân tôi chưa có thống kê chính xác rằng có bao nhiêu vụ lừa đảo, nhưng chúng ta cũng cần nhìn nhận đây là một vấn đề, vấn đề của cả blockchain, crypto và công nghệ mới nói chung, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Sẽ cần nhiều thời gian, công sức từ cộng đồng, các dự án để hướng dẫn người dùng, để họ hiểu thế nào là blockchain, và đưa ra những công cụ để bảo vệ người dùng.
Bà Lynn Hoàng: Scam không phải đặc sản của thị trường Việt Nam. Các quỹ đầu tư lớn trên thế giới vẫn tiếp tục đổ hàng triệu USD vào thị trường Việt Nam.
Còn nhìn xa hơn về nguyên nhân, có lẽ do chúng ta đang thiếu một bộ khung pháp lý phù hợp để các nhà phát triển có thể chiếu theo, làm cho đúng luật. Luật pháp cũng đặc biệt quan trọng khi có tranh chấp xảy ra. Nếu luật quy định rõ ràng, chúng ta có thể hạn chế được nhiều dự án lừa đảo, nhiều người sẽ không bị mất tiền oan. Không riêng Việt Nam, nhiều nơi trên thế giới cũng đang gặp rắc rối trong việc ban hành những khung luật phù hợp với lĩnh vực công nghệ mới. Chúng ta cần thời gian, cần nghiên cứu kỹ nhưng tôi hy vọng chúng ta sẽ sớm có những chính sách, hành lang pháp lý phù hợp.
-
9h53
- Các dự án lừa đảo ảnh hưởng như thế nào đến danh tiếng chung của cả thị trường blockchain Việt?
Ông Nguyễn Việt Dũng: Tôi cho là sẽ ảnh hưởng nhiều. Bất cứ công nghệ mới nào cũng sẽ cần nhiều thời gian để kiểm chứng, cần nhiều đội ngũ làm sản phẩm để khám phá ra những ứng dụng mới của công nghệ để đưa vào cuộc sống hàng ngày cho người dùng. Đó là công việc khó, cần nhiều đội ngũ chung tay vào làm. Để những đội ngũ này có thể sống sót thì cần sự hỗ trợ, tin tưởng rất nhiều từ người dùng cuối.
Tuy nhiên, những dự án xấu sẽ làm mất đi niềm tin của người dùng vào blockchain nói chung. Nếu không có người dùng, các đội ngũ xây sản phẩm cho ai dùng? Nếu không có người dùng, dự án cũng sẽ chết. Như vậy, chúng sẽ làm mất đi niềm tin của người dùng, làm chậm đi sự phát triển chung của cả thị trường blockchain. Tôi muốn nhắc lại là chúng chỉ có thể làm chậm đi chứ không thể ngăn được sự phát triển. Bởi một khi đã là công nghệ, nó sẽ chỉ tiến hóa hơn và được ứng dụng một cách linh hoạt, hữu ích, an toàn hơn chứ không thể chết.
-
9h56
- Mặc cho ý kiến trái chiều, nhiều bên vẫn đang nỗ lực đưa công nghệ blockchain tại Việt Nam lên bản đồ thế giới ra sao? Quy mô của các dự án năm 2017 và hiện nay khác nhau như thế nào?
Bà Lynn Hoàng: Trong lĩnh vực GameFi, Axie Infinity đang dẫn dắt thị trường, có giai đoạn vốn hoá trên 9,7 tỷ USD. Lúc cao điểm, chúng ta có hàng chục dự án có vốn hoá trên 100 triệu USD. Hai startup blockchain triệu USD của Việt Nam là Axie Infinity và Coin98 đã lên sàn Binance. Vừa rồi, Binance cũng dẫn đầu vòng huy động vốn trị giá 150 triệu USD để Axie Infinity giải quyết những hậu quả của vụ hack.
Ngay lúc này, chúng ta cũng có hàng nghìn dự án blockchain khác nhau đã và đang được xây dựng bởi người Việt. Nếu nhìn toàn thị trường, chúng ta thấy các dự án blockchain Việt vẫn đang thành công, giúp thắp sáng tên tuổi trên bản đồ blockchain quốc tế. Tôi biết có nhiều sản phẩm người Việt đang làm rất thú vị, hướng đến metaverse chứ không chỉ play to earn.
Ông Nguyễn Việt Dũng: 2017 cũng là năm đầu tiên tôi tham gia thị trường blockchain và crypto. Tôi có sáng lập một dự án NFT game có tên Etheremon, có thể nói là một trong những game NFT đầu tiên thế giới. Tôi nghĩ cả Việt Nam giai đoạn 2017-2018 chỉ có hai dự án NFT game nổi nhất là Etheremon và Axie Infinity.
Dự án của tôi từng là top 1 thế giới về DAU, tức số người dùng hàng ngày. Con số khi đó chỉ quanh quẩn 10.000, nhưng vẫn là top 1. Còn thị trường hiện nay đã có hàng trăm, hàng nghìn dự án GameFi, DeFi, NFT. Với Axie Infinity, người dùng mỗi ngày của họ đã lên con số hàng triệu.
Qua những con số đấy, mọi người có thể thấy thị trường đã phát triển và lớn hơn ngày xưa rất nhiều rồi.
-
10h02
Nguyên nhân và mức độ ảnh hưởng đến cộng đồng
- Ở thị trường nào cũng vẫn sẽ có "người xây - kẻ phá", nhưng lừa đảo ở lĩnh vực blockchain có gì đặc biệt?
Ông Nguyễn Việt Dũng: Phần này cần phân tích cụ thể hơn một chút để xem lừa đảo là gì. Theo như tôi quan sát, người dùng tham gia blockchain đa số vì đầu tư. Bất cứ khi nào không có lời, họ sẽ bảo là lừa đảo, như vậy sẽ rất thiệt thòi cho dự án.
Tôi chia rủi ro trong blockchain thành ba loại.
Thứ nhất, các dự án đi gọi vốn rồi lừa tiền của người dùng, gọi đầu tư rồi trốn, mua nhà mua xe sau đó không làm dự án nữa. Đây là lừa đảo chính hiệu rồi.
Thứ hai, các dự án bị hack, dẫn đến người dùng mất tiền. Đây là điều không ai mong muốn. Nhưng lỗi vẫn thuộc các dự án và họ cần chịu trách nhiệm. Họ cần đầu tư hơn vào quy trình bảo mật, an toàn hệ thống, cần xây dựng sản phẩm một cách bài bản, hơn là chỉ áp dụng công nghệ mới rồi build một sản phẩm cho người dùng sử dụng nhưng không đảm bảo tính an toàn của nó. Điều đó sẽ rất nguy hiểm cho cả dự án và người dùng.
Thứ ba, có lẽ cũng là nhiều nhất, là các dự án không thể bàn giao được sản phẩm họ đã hứa với người dùng. Điều đó dẫn đến câu chuyện người dùng mất niềm tin, token mất giá rồi bị gán là lừa đảo.
Mình nghĩ đây là mặt trái của cơ hội trong thị trường khi đang ở bull market. Các dự án gọi vốn khá dễ nên ai cũng làm. Điển hình như các NFT game, GameFi thời gian gần đây. Game nào cũng hứa sẽ làm những cái liên quan đến 3D, metaverse, VR... Nhưng là dân công nghệ, tôi hiểu nó không dễ để xây nên, nó sẽ tốn nhiều công sức, tài nguyên. Trong khi lại có quá nhiều dự án, và câu hỏi hiển nhiên là: Người đâu mà làm?
Như Lynn chia sẻ, đây là giai đoạn thanh lọc. Nhiều dự án không thể bàn giao dự án, dẫn đến mất giá, mất niềm tin từ người dùng. Theo mình, các dự án nên đầu tư bài bản hơn, đầu tư nhiều hơn về nền tảng để xây dựng một đội ngũ tốt, đủ khả năng bàn giao những điều đã hứa với người dùng.
Người dùng cũng cần tìm hiểu kỹ hơn về các dự án và đội ngũ, cần có trách nhiệm hơn với khoản đầu tư của mình. Đầu tư luôn có rủi ro, nhưng người dùng cần thực sự hiểu về rủi ro đó
-
10h06
- Thị trường đã qua nhiều đợt điều chỉnh, nhưng vì sao vẫn có những dự án xấu, dự án lừa đảo, thậm chí quy mô và hình thức ngày càng tinh vi?
Bà Lynn Hoàng: Lừa đảo ngày càng tinh vi. Người chơi phải nâng cao cảnh giác. Bản thân tôi cũng đã trải qua việc bị người khác lấy ảnh đại diện, tạo tài khoản giả để nhắn tin mượn tiền bạn bè. May mắn là bạn bè tỉnh táo nên không bị lừa, nên cách tốt nhất là chúng ta phải tự trang bị kiến thức cho mình để không bị mất tiền một cách vô lý.
Còn về đánh giá một dự án lừa đảo khá dễ. Những dự án luôn cam kết mua là lời, siêu lợi nhuận thì khả năng cao là lừa đảo. Còn dự án không tốt là dự án không sản sinh lợi nhuận như mong muốn. Đa phần dự án ở Việt Nam không phải lừa đảo mà không thành công như mong muốn chứ không phải lừa đảo.
-
10h9
- Theo diễn giả vì sao vẫn có nhiều người bị lừa đảo, dính vào các dự án scam?
Ông Nguyễn Việt Dũng: Với những dự án không thể bàn giao dự án, tôi nghĩ không phải lừa đảo. Thị trường crypto vốn lên xuống rất nhiều. Người dùng tham gia họ cũng mong muốn mức lợi nhuận cao. Song song với đó là rủi ro cao. Cơ hội càng lớn, rủi ro càng cao và vẫn nhiều người nhảy vào. Nhiều người có thể đang "đánh liều".
Ngoài ra, đã là công nghệ thì chuyện lừa đảo sẽ ngày càng tinh vi. Đặc biệt với blockchain là công nghệ mới, rất khó hiểu ngay cả với những người trong ngành. Vì vậy không thể kỳ vọng là người dùng sẽ hiểu toàn bộ về blockchain, Các đối tượng xấu sẽ lợi dụng đều này, biến tướng theo cách này hay cách khác.
Mình không nghĩ chúng có thể hết được, mà cần thời gian dài để người dùng từ từ hiểu được blockchain là gì, và có những cộng đồng giúp người dùng có thể tránh được các rủi ro như vậy.