Phát biểu tại lễ ký, ông Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường nhấn mạnh, hợp tác trong các lĩnh vực tài nguyên môi trường và biến đổi khí hậu sẽ thúc đẩy việc hình thành và phát triển trái phiếu xanh, tín dụng xanh; phát triển thị trường các-bon. Bên cạnh đó là việc hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng các-bon thấp; các hoạt động truyền thông, tăng cường năng lực trong quản lý đất đai, môi trường, tài nguyên khoáng sản...
Bản ghi nhớ hợp tác còn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng, thu hút các dòng vốn đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi mô hình kinh tế các-bon thấp và các dự án chuyển đổi năng lượng vì sự phát triển bền vững của đất nước. Song song đó là tăng cường vai trò hệ thống tài chính- ngân hàng trong việc thu hút, khuyến khích và hỗ trợ các thành phần kinh tế trong nước tham gia triển khai các hoạt động giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh doanh theo hướng bền vững.
Thông qua Bản ghi nhớ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ hỗ trợ BIDV tăng cường năng lực thẩm định rủi ro môi trường, xây dựng tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro môi trường đối với các dự án- điều kiện tiên quyết để phát triển các sản phẩm tài chính bền vững theo thông lệ quốc tế và phù hợp với thị trường Việt Nam.
Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV cho biết, BIDV theo đuổi chiến lược phát triển bền vững với trách nhiệm xã hội cao thông qua các kế hoạch chuyển đổi. Bản ghi nhớ hợp tác cho thấy những tín hiệu tích cực về cơ hội đồng hành, liên kết giữa các cơ quan quản lý, ngân hàng thương mại và cộng đồng doanh nghiệp trong thiết lập định hướng phát triển của thị trường, xây dựng các giải pháp và hành động để đảm bảo các vấn đề về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí, góp phần thực hiện có hiệu quả chiến lược xanh ở Việt Nam cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam ký kết.
Biến đổi khí hậu hiện là thách thức trên phạm vi toàn cầu, nhất là đối với những quốc gia đang phát triển, dễ bị tổn thương và chịu tác động nặng. Tại Hội nghị COP26 tháng 11/2021 tổ chức ở Anh, Thủ tướng Chính phủ cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050 cùng với việc tham gia nhiều sáng kiến, thể hiện quyết tâm và trách nhiệm của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Theo đại diện BIDV, việc triển khai thực hiện kịp thời các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 sẽ mang lại lợi ích lớn và lâu dài cho sự phát triển bền vững của đất nước, tuy nhiên cũng đòi hỏi huy động nguồn lực tài chính lớn từ xã hội cùng với sự phối hợp triển khai hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, vai trò của hệ thống tài chính, ngân hàng cần được chú trọng như một đòn bẩy, xúc tác để phát triển các hành động, dự án vì khí hậu và giải quyết các thách thức về tính bền vững.
Bộ Tài nguyên Môi trường hiện quản lý 9 lĩnh vực: đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng thuỷ văn; biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; viễn thám. Bộ cũng là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Thành lập năm 1957, BIDV là ngân hàng thương mại lớn hàng đầu về quy mô tổng tài sản. Tại thời điểm cuối năm 2021, BIDV có tổng tài sản đạt trên 1,76 triệu tỷ đồng, mạng lưới rộng khắp gồm hơn 1.100 chi nhánh và phòng giao dịch trong và ngoài nước, thiết lập quan hệ đối tác với hơn 2.300 định chế tài chính trên toàn cầu. Về tài trợ năng lượng tái tạo, BIDV đạt quy mô tín dụng hơn 1,7 tỷ USD vào cuối năm 2021, chiếm 36% dư nợ tín dụng cho năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Ngân hàng này cũng có kinh nghiệm và năng lực trong tiếp nhận và triển khai các dự án tín dụng quốc tế từ các định chế tài chính quốc tế trong các chương trình, dự án vì mục tiêu bền vững.
Tuấn Khang