Cô Lee, 48 tuổi luôn tin chắc rằng ngay cả khi nói chuyện với kẻ lừa đảo thì cũng sẽ không mắc bẫy. Nhưng người tự nhận là cảnh giác cao này, cuối cùng vẫn mất tới 78.000 SGD (1,5 tỷ đồng) chỉ trong 4 ngày, khoảng 90% tiền tiết kiệm cả đời.
Theo thống kê của cảnh sát, năm 2024 ở Singapore, lừa đảo việc làm là một trong những hình thức lừa đảo đáng lo ngại nhất với hơn 9.000 vụ việc được nạn nhân báo cáo và 156,2 triệu SGD (hơn 3.000 tỷ đồng) thiệt hại.
Những kẻ lừa đảo thường liên lạc với nạn nhân qua ứng dụng nhắn tin, dụ gửi tiền vào một công việc với mức hoa hồng hấp dẫn, sau đó đánh cắp tiền.

Lee tự tin đủ kiến thức, bản lĩnh bẫy ngược lại kẻ lừa đảo, cuối cùng vẫn dính bẫy tình, mất gần hết tiền tiết kiệm cả đời. Ảnh: Straittimes
Lee, làm việc trong bộ phận bán hàng, cũng gặp trường hợp này hồi cuối năm 2024. Có người sử dụng số điện thoại ở nước ngoài đã liên lạc với cô qua ứng dụng trò chuyện WhatsApp, đề nghị một công việc bán thời gian trực tuyến. Lee đồng ý vì cảm thấy công việc của mình có nhiều thời gian rảnh.
Ngay sau đó, cô được một gã xưng tên "Charles" liên lạc, tự nhận là người Malaysia ở Singapore, đã kết hôn và có một con mới sinh.
Nghi ngờ đây là lừa đảo, Lee vẫn quyết định tham gia do thấy "cuộc sống của mình không có gì thú vị lắm". Cô đã kết hôn, có một cô con gái 18 tuổi, nên tự tin "có thể đánh lừa chúng".
Trong nhiều tháng, ngày nào "Charles" cũng gửi cho Lee những tin nhắn động viên và vui vẻ. Dần dần, cô coi là người bạn thực sự, ngay cả khi anh ta liên tục giới thiệu "việc làm".
"Mỗi ngày anh ấy đều hỏi: 'Em khỏe không? Sao em không thử làm công việc trực tuyến này'. Theo thời gian, tôi tin rằng đây chỉ là công việc bán thời gian để kiếm thêm thu nhập", Lee nói.
Công việc "Charles" giới thiệu yêu cầu cô đặt cọc bằng tiền điện tử và hoàn thành các cuộc khảo sát liên quan khoảng 30 thương hiệu trước khi nhận lại tiền cùng với "hoa hồng".
Ngày 15/2, Lee đã bỏ khoảng 600 SGD và nhận lại được khoảng 700 SGD. Quá phấn khích vì lợi nhuận nhanh chóng, cô đầu tư số tiền lớn hơn trong vài ngày tiếp theo.
Khi nhận được yêu cầu chuyển hơn 11.000 SGD vào ngày 18/2, nền tảng tiền điện tử đã tạm dừng giao dịch và gửi email cho để cảnh báo rằng cô có thể đã bị lừa đảo.
Nhưng Lee vẫn tin tưởng "Charles" - người đã thuyết phục chuyển số tiền đó cho sếp của anh ta thông qua cổng thanh toán tự động không truy xuất. Lee chỉ tỉnh ngộ khi được yêu cầu phải đầu tư 120.000 SGD, và không có đủ số tiền đó.
Lee đã chuyển tổng cộng 78.000 SGD, nhưng được thông báo không thể rút cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ. Lee cho biết: "Tôi rất đau khổ và đã cầu xin trả lại tiền, khoản tiết kiệm mà tôi đã vất vả kiếm được".
Nhưng kẻ lừa đảo đã từ chối và gợi ý Lee nên vay tiền từ ngân hàng hoặc các tổ chức cho vay tiền được cấp phép. Cuối cùng, Lee đã kể lại hoàn cảnh khó khăn của mình với gia đình.
Không nên lún sâu vào các cuộc trò chuyện lừa đảo
Tiến sĩ John Shepherd Lim, giám đốc phúc lợi của Trung tâm tư vấn Singapore, đánh giá một số người có thể cảm thấy mình "lừa ngược" được những kẻ lừa đảo vì am hiểu công nghệ và hiểu biết về kỹ thuật số. Nhưng ông cảnh báo không nên làm vậy.
"Những kẻ lừa đảo dạng này không hành động một mình. Chúng được các tổ chức tội phạm hậu thuẫn. Chúng hiểu được những điểm yếu về mặt tâm lý và cách mọi người suy nghĩ", ông cho hay.
Trong trường hợp của Lee, Tiến sĩ Lim cho biết kẻ lừa đảo đã lợi dụng sự yếu đuối về mặt cảm xúc của cô bằng cách tỏ ra hết sức ân cần, quan tâm.
Tiến sĩ Geraldine Tan, chuyên gia tâm lý, gọi những kẻ lừa đảo là "những nhà tâm lý học giỏi nhất" vì sử dụng các kỹ thuật thao túng tâm lý để có lợi cho mình.
Bà lưu ý những kẻ lừa đảo lợi dụng những nhu cầu cơ bản của con người như tình yêu và sự gắn kết nên "không ai có thể miễn nhiễm với chiến thuật của chúng".
Phương pháp của chúng bao gồm sử dụng "nơ-ron gương", trong đó làm hoặc nói điều gì đó cho thấy chúng giống với nạn nhân, để nạn nhân cảm thấy an toàn về mặt cảm xúc khi ở bên chúng. Ví dụ, "Charles" nói với Lee rằng anh ta cũng đã kết hôn và có một đứa con, tiến sĩ Tan cho biết.
Lee nói thêm: "Nạn nhân càng tương tác nhiều với thủ phạm thì càng dễ bị tổn thương. Bất cứ điều gì nói đều có thể bị lợi dụng".
Vụ việc khiến Lee cảm thấy tội lỗi và xấu hổ. Người chồng bị sốc, nhưng không đổ lỗi cho Lee và đã đi cùng đến đồn cảnh sát để trình báo.
Lee quyết định chia sẻ câu chuyện của mình để cảnh báo người dân Singapore đừng chủ quan.
"Mặc dù có thể là người rất cảnh giác, bạn cũng có thể trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo trực tuyến. Điều này khiến tôi học được bài học rất đau đớn rằng chúng ta không bao giờ có thể qua mặt được những kẻ lừa đảo", Lee nói.
Hải Thư (Theo Straittimes)