Bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP HCM), cho biết bệnh tiêu hóa chiếm khoảng 30% trong tổng số các mặt bệnh ở trẻ dưới 5 tuổi, đứng hàng thứ 2 sau bệnh hô hấp. Tỷ lệ biến chứng nhiễm trùng tiêu hóa khá cao, ước tính khoảng 30% trong số trẻ tiêu chảy.
Tiêu chảy gây nôn ói, số lần đi vệ sinh nhiều, dẫn tới mất nước và có thể gây sốc, ảnh hưởng tính mạng của trẻ. Nếu bệnh kéo dài, trẻ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng, ảnh hưởng sức khỏe tổng thể. Nếu trẻ càng nhỏ hoặc có bệnh mạn tính hoặc thiếu máu, bệnh càng nặng và ảnh hưởng tới sự phát triển sau này.
Nhóm nguy cơ cao trở nặng khi mắc bệnh tiêu chảy gồm trẻ dưới 3 tuổi, có bệnh nền hoặc vấn đề về dinh dưỡng... Ví dụ bệnh phổi, tim mạch khiến cho bệnh tiêu chảy diễn biến nhanh hoặc gây ra tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc, diễn biến nặng hơn. Đối với trẻ béo phì, tiêu chảy nguy hiểm hơn do biểu hiện mất nước không rõ ràng, khó phát hiện.
Có 3 nhóm nguyên nhân chính gây bệnh tiêu chảy ở trẻ. Một là nhóm siêu vi đường tiêu hóa, ví dụ norovirus, enterovirus... Virus hoạt động theo từng đợt khiến nhiều trẻ mắc bệnh hàng loạt. Tiếp theo là vi trùng nằm ở trong thức ăn bị hư, trong thức ăn, lây từ người sang người thông qua nhà vệ sinh không đảm bảo. Thứ ba là các hóa chất độc hại hoặc thức ăn không phù hợp gây rối loạn tiêu hóa.
Hiện chưa có nghiên cứu cụ thể về tỷ lệ mắc bệnh từ nhà vệ sinh bẩn. Tuy nhiên, "cơ sở vật chất thấp" nằm trong nhóm các yếu tố nguy cơ cao gây lây nhiễm bệnh tiêu hóa. Thực tế, trẻ sống ở khu vực điều kiện đông dân cư, nhà vệ sinh xuống cấp, có tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy cao hơn so với những người khác. Ngoài ra, việc không có thói quen vệ sinh, rửa tay, nhà vệ sinh thiếu xà phòng, nước sạch, các bề mặt tiếp xúc không được làm sạch thường xuyên... cũng khiến cho trẻ dễ mắc bệnh.
Bác sĩ Nam cho biết tiêu chảy dễ lây lan hơn trong môi trường học sinh đông đúc, ảnh hưởng tới học tập, sinh hoạt. Đối với nhóm trẻ mẫu giáo có miễn dịch yếu, nguy cơ lây nhiễm qua đường tiêu hóa từ khu vực nhà vệ sinh cao hơn nhiều lần.
Để phòng bệnh, bác sĩ Nam khuyến cáo mọi người tạo môi trường vệ sinh đạt chuẩn cho trẻ, gồm nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ, đủ nước sạch và xà phòng rửa tay. Nhà vệ sinh không có nước ứ đọng, nước bẩn, được làm sạch định kỳ ngày 2 đến 3 lần ở các bề mặt như vòi nước, tay nắm cửa để hạn chế lây nhiễm.
Trẻ cần được hướng dẫn thói quen rửa tay thường xuyên ngay từ khi còn học mẫu giáo, đi vệ sinh đúng chỗ và đậy nắp (nếu có) khi xả bồn cầu. Phụ huynh cũng cần hạn chế các thói quen cho trẻ ăn bốc hoặc ngậm đồ chơi trong miệng. Đối với những trẻ có vấn đề tiêu hóa, ví dụ nhiễm trùng đường ruột, có thể nghỉ học cho đến khi khỏi bệnh để hạn chế lây nhiễm trong môi trường nhà vệ sinh, trường học đông người.
Với mong muốn trẻ em vùng cao có điều kiện đảm bảo sức khỏe để học tập, quỹ Hy vọng với sự đồng hành của nhãn hàng men ống vi sinh Enterogermina tái khởi động dự án Vệ sinh học đường tại Đồng Văn, Hà Giang. Dự án đặt mục tiêu xây dựng 20 nhà vệ sinh đạt chuẩn, hỗ trợ hệ thống lọc nước sạch tại một số điểm trường, đồng thời phổ biến thói quen vệ sinh tốt cho các em học sinh. Để chung tay cùng dự án, độc giả có thể tìm hiểu tại đây.
Chi Lê