"Ông Trump đã hứa chấm dứt xung đột ở Ukraine và Trung Đông. Mỹ không phải Belarus, họ có thể quên, nhưng chúng tôi hy vọng ông Trump sẽ giữ lời. Nếu ông Trump làm được, Belarus sẽ đề xuất trao giải Nobel Hòa bình cho ông ấy", Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tuyên bố ngày 7/11.
Ông Lukashenko lưu ý thêm không phải mọi thứ "đều phụ thuộc vào ông Trump do hòa bình đòi hỏi hai bên tham gia".
Bình luận về kết quả bầu cử tổng thống Mỹ, ông Lukashenko nói không quan tâm ai thắng, dù tin rằng nước Mỹ "sẵn sàng có tổng thống da màu mới, nhưng chưa sẵn sàng có nữ tổng thống".
Ứng viên Cộng hòa Donald Trump ngày 6/11 đắc cử tổng thống Mỹ. Ông sẽ trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025, trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên trong một thế kỷ đảm nhận hai nhiệm kỳ không liên tiếp.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump nhiều lần nói chiến sự Nga - Ukraine sẽ không xảy ra nếu ông còn tại vị, tuyên bố có thể chấm dứt xung đột trong 24 tiếng, nhưng không nêu kế hoạch cụ thể. Sau khi ông được xác nhận đắc cử, Điện Kremlin tỏ hoài nghi về khả năng này, cho biết "chỉ có thời gian mới làm rõ".
Ngày 7/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin chúc mừng ông Trump, hoan nghênh về các bình luận chấm dứt chiến sự Ukraine, khôi phục quan hệ với Nga mà ông đưa ra trong quá trình tranh cử.
Mỹ là quốc gia hậu thuẫn Ukraine mạnh mẽ nhất kể từ khi xung đột tại nước này bùng phát cuối tháng 2/2022. Chính quyền Tổng thống Biden đã cung cấp cho Ukraine khoảng 175 tỷ USD viện trợ quân sự và kinh tế.
Nobel Hòa bình được trao cho cá nhân, tổ chức có đóng góp to lớn để thúc đẩy sự đoàn kết giữa các quốc gia, cắt giảm hoặc giải trừ lực lượng vũ trang thường trực, tổ chức và xúc tiến các hội nghị hòa bình. Những người có thể nộp đề cử là học giả, giáo sư đại học, nhà khoa học, những người từng đoạt giải Nobel, nghị sĩ...
Giải Nobel Hòa bình từng được trao cho một số tổng thống Mỹ, trong đó có Theodore Roosevelt năm 1906, Woodrow Wilson năm 1920, Jimmy Carter năm 2002 và Barack Obama năm 2009.
Đức Trung (Theo Kyiv Post, Interfax, Reuters)