Bé gái Miray, 6 tuổi, được giải cứu hôm nay sau 178 tiếng mắc kẹt dưới đống đổ nát tại một chung cư ở thành phố Adiyaman, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ. Lực lượng cứu hộ đang tiếp cận chị gái của Miray, nhưng không cho biết tình trạng cô bé.
Hãng tin CNN Turk của Thổ Nhĩ Kỳ trước đó thông báo các nhân viên cứu hộ cũng phát hiện ba người, gồm mẹ và hai con gái nhỏ tuổi, còn sống sau 176 giờ dưới đống đổ nát ở tỉnh Kahramanmaras lân cận.
Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu nói rằng hàng trăm nhóm cứu hộ đang làm việc ở hiện trường động đất, nhưng hoạt động tìm kiếm người sống sót đang giảm dần và giới chức bắt đầu chuyển sang nỗ lực hỗ trợ hàng trăm nghìn người mất nhà cửa.
Tại tỉnh Kahramanmaras, nơi có tâm chấn động đất, khoảng 30.000 lều bạt đã được triển khai, trong khi gần 60.000 người được trú tạm trong các trường học và cơ sở thể thao.
Các quan chức và nhân viên y tế cho biết 31.643 người đã thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ và 5.714 người chết ở Syria sau trận động đất mạnh 7,8 độ đầu tuần trước, nâng tổng số người chết được xác nhận lên 37.357.
Lực lượng cứu hộ từ hàng chục quốc gia tiếp tục làm việc ngày đêm trong các đống đổ nát và giải cứu được những trường hợp sống sót, được mô tả là "phép màu" bởi khoảng "thời gian vàng" 72 giờ sau thảm họa đã trôi qua. Tuy nhiên, tại nhiều khu vực, đặc biệt là Syria, lực lượng cứu hộ thiếu thiết bị tìm kiếm và cảm ứng hiện đại, buộc họ dùng xẻng hoặc tay để đào bới một cách thận trọng.
Trận động đất phá hủy hoặc làm hư hại hơn 12.000 ngôi nhà ở Thổ Nhĩ Kỳ, làm dấy lên sự giận dữ từ người dân liên quan chất lượng xây dựng. Phó tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay ngày 12/2 cho biết giới chức đã xác định 131 nghi phạm chịu trách nhiệm về chất lượng công trình tại 10 tỉnh và phát lệnh bắt 113 người.
Thổ Nhĩ Kỳ đang đối mặt tình trạng hôi của và mất an ninh tại các vùng hứng chịu động đất. Tại thành phố miền nam Antakya, các chủ cửa hàng ngày 12/2 đã cất hết hàng hóa để tránh bị cướp. Lực lượng cứu hộ các nước như Áo, Đức, Israel thông báo dừng hoạt động với lý do lo ngại an ninh.
Các vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất tại Syria chủ yếu là miền tây bắc, trong khu vực phe đối lập kiểm soát. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 12/2 đã gặp Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại Damascus và cho biết lãnh đạo Syria sẵn sàng mở thêm cửa khẩu biên giới, giúp đưa hàng viện trợ đến khu vực phe đối lập kiểm soát.
Vũ Anh (Theo Reuters)