Khả năng FIFA trừng phạt Iran được đặt ra sau khi nước này cấm 2.000 phụ nữ vào sân Emam Reza (thành phố Mashhad) khi chủ nhà gặp Lebanon ở lượt cuối vòng loại World Cup 2022 - khu vực châu Á hôm 29/3, dù họ đã mua vé. Iran thắng 2-0 trận này và kết thúc vòng loại với ngôi đầu bảng A, cùng vé trực tiếp dự vòng chung kết World Cup 2022.
Ngày 30/3, Chính phủ và Quốc hội Iran đã công bố hai cuộc điều tra về sự cố xảy ra ở trận gặp Lebanon. LĐBĐ Iran quả quyết rằng chỉ chín CĐV nữ mua vé chính thống, nhưng ở khu vực dành cho nam giới, còn các CĐV nữ khác đã mua vé giả.
Dù vậy, Mehrdad Seradschi - thành viên LĐBĐ Iran - viết trên Twitter rằng ông "nghe thấy tin tức đáng lo ngại từ FIFA và AFC". Theo Football Italy, án phạt cực đoan nhất là FIFA sẽ loại Iran khỏi World Cup 2022.
Nếu điều đó xảy ra, về lý thuyết, FIFA sẽ trao suất cho quốc gia có thứ bậc cao nhất trên bảng xếp hạng không vượt qua vòng loại hay play-off. Đó sẽ là Italy - đội tuyển đang đứng thứ sáu FIFA và đã thua Bắc Macedonia ở bán kết play-off. Trong ngày 30/3, các kênh truyền thông lớn của Italy như Sport Mediaset, Sky Sport Italy và Sportitalia đều đưa tin về khả năng này.
Tuy nhiên, khả năng Iran bị tước suất dự World Cup 2022 khá xa vời. Lệnh cấm phụ nữ tới sân là luật bất thành văn ở Iran, nhưng từng được thực hiện vô cùng nghiêm ngặt với quan điểm rằng họ nên tránh xa khu vực vốn chỉ dành cho nam giới. Kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, phụ nữ nước này rất hiếm khi được đến các sân vận động.
Từ 2019, chính quyền Iran quyết định cho phép các CĐV nữ trở lại sân xem bóng đá, sau khi FIFA cảnh báo sẽ đình chỉ đội tuyển nam nước này vì chính sách phân biệt giới tính.
Ngày 10/10/2019 đánh dấu việc các CĐV nữ Iran lần đầu tiên sau 40 năm được phép vào sân xem bóng đá, khi đội chủ nhà thắng Campuchia 14-0 tại vòng loại World Cup 2022. Khi khán giả được vào sân sau Covid-19, nhiều CĐV nữ cũng đã tới sân Azadi ở thành phố Tehran để theo dõi trận Iran - Iraq hồi tháng 1/2022, dù số lượng đã giảm nhiều.
Hồng Duy