Khủng hoảng niềm tin với bảo hiểm xuất phát từ việc nhiều khách hàng khi mua sản phẩm này bị đại lý bảo hiểm tư vấn không đúng bản chất, dẫn đến hiểu sai lệch về giá trị sản phẩm. Không ít khách hàng đã đồng ý đặt bút ký vào hợp đồng bảo hiểm nhân thọ vì khoản lợi nhuận hấp dẫn trong phần đầu tư của sản phẩm.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Phan Quốc Tuấn, CEO Viện Phát triển nguồn nhân lực bảo hiểm, việc xác định tham gia bảo hiểm nhân thọ để sinh lời rất khó đạt mục đích, vì dòng tiền đi vào sẽ tập trung cho quyền lợi bảo vệ của khách hàng, số tiền sau khi trừ các khoản phí bảo vệ mới đi vào quyền lợi đầu tư hay quyền lợi khác.
"Bản chất của bảo hiểm là bảo vệ tài chính, sau khi thị trường phát triển mới có thêm hình thức bảo hiểm kết hợp với đầu tư. Sản phẩm này phù hợp xu thế nhưng cần được tư vấn cho những đối tượng khách hàng nhất định, đã am hiểu thị trường và xác định kiếm lời từ bảo hiểm, bên cạnh các kênh khác", ông Tuấn chia sẻ.
Đối với đa số khách hàng, lợi ích lớn nhất của bảo hiểm là bảo vệ khách hàng trước những rủi ro. Ông Tuấn phân tích, bảo hiểm giúp khách hàng không bị rơi vào tình trạng khó khăn tài chính, phá sản mất nhà cửa khi mắc bệnh hoặc khi gặp rủi ro phải chữa trị với chi phí lớn.
Theo thống kê của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), năm 2022, tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 40.600 tỷ đồng, tăng 25,1% so với năm 2021. Điều này phần nào phản ánh tầm quan trọng của "tấm lá chắn" của bảo hiểm nhân thọ đối với an sinh - xã hội.
Năm qua, các doanh nghiệp trong đó có Prudential cũng ghi nhận việc chi trả hơn 9.600 tỷ đồng tiền quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng. Trong đó, hơn 1.600 tỷ đồng được chi trả cho hơn 150.000 trường hợp với quyền lợi tử vong, thương tật toàn bộ - vĩnh viễn, bệnh hiểm nghèo và dịch vụ chăm sóc y tế, tăng 35% so với năm 2021. Đặc biệt, cuối tháng 3 vừa qua, một khách hàng ở Cần Thơ và gia đình nhận mức chi trả quyền lợi hơn 23 tỷ đồng của Prudential theo gói Pru - Đầu tư linh hoạt, đây là minh chứng cho yếu tố bảo vệ của bảo hiểm.
Theo chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm nhân thọ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2025, mục tiêu đặt ra là có 15% dân số và năm 2030 có 18% dân số tham gia loại hình bảo hiểm nhân thọ.
Song, để bảo hiểm nhân thọ phát huy được hết giá trị, Th.S Phan Quốc Tuấn cho rằng, người mua cần thực sự hiểu về bảo hiểu để mua trúng và đúng nhu cầu.
Bảo hiểm nhân thọ là một hợp đồng dài hạn và nghĩa vụ của người mua là phải đóng phí bảo hiểm. Do đó, người mua hãy tính toán số tiền bạn có thể đóng đều đặn hàng năm, từ đó, đề nghị đại lý tư vấn và phân bổ số tiền đó vào những sản phẩm trong hợp đồng sao cho tối ưu nhất. Nếu làm ngược lại, xác định số tiền mong muốn nhận được rồi mới chia ngược ra số tiền cần đóng hàng năm sẽ khiến người mua gặp gánh nặng về kinh tế.
Ông Tuấn cũng khuyên, việc xác định dành bao nhiêu phần trăm thu nhập hiện tại để xác định đóng tiền cho một hợp đồng kéo dài hàng chục năm như bảo hiểm nhân thọ là không dễ. Tuy nhiên, để an toàn khi có biến động trong thu nhập, số tiền khoảng 15-20% tổng thu nhập là hợp lý.
Về tâm lý, khi xác định tham gia bảo hiểm nhân thọ, khách hàng nên gắn bó với cam kết này đến cùng. "Một tinh thần tiết kiệm mang tính "kỷ luật" đều đặn phải được đặt ra, vì nếu không đóng đủ phí bảo hiểm để duy trì hợp đồng đến khi đáo hạn thì sẽ rất thiệt thòi", chuyên gia nhận đinh.
Trách nhiệm của các đại lý là tư vấn tất cả các nội dung quan trọng trong hợp đồng cho khách, tuy nhiên, do nhiều lý do có một số đơn vị chưa làm tròn trách nhiệm của mình.Trong nhiều trường hợp, khách hàng có thể chủ động trao đổi với đại lý về hình thức bảo hiểm mình tham gia, các đặc điểm của sản phẩm, hợp đồng chi trả và không chi trả trong trường hợp nào, nghĩa vụ của khách hàng và doanh nghiệp bảo hiểm, quy trình phục vụ khách hàng khi đại lý nghỉ việc...
Ở chiều ngược lại, để thay đổi những định kiến của người tiêu dùng về sản phẩm bảo hiểm và "định vị" đúng giá trị của sản phẩm này, doanh nghiệp bảo hiểm và các đại lý cũng cần chủ động nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ tư vấn viên.
Ông Tuấn cho rằng, thay vì các chương trình thi đua tăng trưởng nóng về doanh số, một trong các tiêu chí khác có thể đưa ra để đánh giá gồm sự hài lòng của khách hàng hay tỷ lệ duy trì hợp đồng. Trong báo cáo kết quả kinh doanh 2022, ông Phương Tiến Minh, Tổng Giám đốc Prudential Việt Nam cũng nhấn mạnh sự hài lòng của khách hàng chính là nền tảng để doanh nghiệp phát triển bền vững, cho thấy tầm quan trọng của việc cải thiện dịch vụ và trải nghiệm khách hàng.
Ngoài ra, tư vấn viên cũng cần "định vị" được giá trị của bản thân trong nghề nghiệp bằng việc đi lâu dài, gắn bó với nghề bằng kiến thức vững vàng và đạo đức làm việc. Ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cũng nhận định, việc đào tạo nguồn nhân lực bảo hiểm đang phát triển theo hướng ưu tiên chất lượng hơn số lượng. Điều này sẽ tạo tiền đề giúp đem đến lợi ích của sản phẩm này tốt hơn đến người dùng, để người dân có thể tiếp cận chính xác các thông tin về bảo hiểm.
Hồng Thảo