Trong tất cả các trận đã diễn ra, chỉ kết quả trận Singapore – Philippines (2-1) phản ảnh đúng năng lực đôi bên, qua đó cũng cung cấp được nhiều dữ kiện chuyên môn về con người, lối chơi và năng lực. Trình độ nói chung của làng cầu Đông Nam Á hầu như không thay đổi, nên khá nhiều trận đấu mà chỉ số lượng bàn thắng - bàn thua mới có chút ý nghĩa.
Hai trận đấu của bảng B hôm qua 9/12 là điển hình của những biến số hỗn loạn trong những trận đấu mà dự kiến sẽ được ban huấn luyện Việt Nam lấy làm căn cứ xây dựng chiến thuật cho hai cuộc đối đầu sắp đến. Đơn cử như chiến thắng 4-0 trước Lào liệu có cho thấy rằng Malaysia mạnh hơn Việt Nam - đội "chỉ" thắng Lào 2-0? Hoàn toàn không. Lào được chờ đợi sẽ chơi phòng ngự số đông như từng làm trước Việt Nam, nhưng đội bóng này lại chọn thế trận mở. Họ lao lên tấn công như thể đang ở cùng trình độ với Malaysia, giữ đến 45% thời lượng kiểm soát bóng, tung đến 10 cú dứt điểm. Malaysia cũng chỉ chờ có thế.
Malaysia đương nhiên mạnh, vấn đề là mạnh thế nào thì lại không thể lấy tỷ số trước Lào để đánh giá. Trong khoảng 20 phút cuối hiệp hai, gần như hàng phòng ngự Lào mở toang mọi hướng cho các tiền đạo Malaysia. Thậm chí, trong hai bàn thua cuối, các trung vệ của Lào còn bắt việt vị sai, để đối phương thoải mái nhận bóng ghi bàn. Không biết vì thể lực kém hay vì lý do nào khác mà hàng phòng ngự của Lào hầu như không chịu lui về. Điều này khác hẳn với trận đấu với Việt Nam, nơi họ luôn đá với 10 người ở khu vực cấm địa.
HLV Park và các cộng sự hẳn đã chờ đợi Lào chơi tử thủ, khi đó Malaysia buộc phải phô bày phần nào đó khả năng tấn công. Trong lịch sử đối đầu, việc ghi bàn vào lưới của Malaysia không phải là vấn đề quá khó, cái cần quan tâm đối với các HLV Việt Nam là sự nguy hiểm nơi hàng tấn công của họ. Tuy nhiên, sẽ chẳng có gì để rút ra ở trận Malaysia - Lào. Malaysia ghi được đến bốn bàn, nhưng họ cũng bỏ lỡ gần tám tình huống khác. Sau hai trận với những đối thủ yếu nhất bảng, hàng công của Malaysia ghi được bảy bàn và năm trong số đó đến từ các pha phản công sau khi đối phương quá tự tin chơi đôi công. Đây cũng không phải là con số quá đáng ngại cho hàng phòng ngự vốn được trui rèn ở các trận đấu đẳng cấp cao hơn mà Việt Nam đang sở hữu. Điều dễ nhận thấy nhất bên phía Malaysia đang thiếu một chân sút giàu kinh nghiệm ở phía trên, phần lớn hy vọng của họ đặt vào Rasid Safawi, một tiền vệ có sự nhạy cảm ghi bàn rất tốt vốn đã được ghi nhận từ AFF Cup 2018.
Dù chưa phải là đối thủ kế tiếp của Việt Nam, màn trình diễn của Indonesia trước Campuchia đem lại nhiều dữ liệu quan trọng hơn. Được kỳ vọng sẽ tạo nên một kỳ giải lịch sử cho bóng đá nước nhà, nhưng các cầu thủ trẻ trung trong tay HLV Shin Tae-Yong dường như chưa tích lũy đủ bản lĩnh để có thể vươn đến đỉnh cao. Dễ dàng tạo ra cách biệt rất lớn ngay từ hiệp một, thay vì chủ động giảm nhịp đá thong dong thì Indonesia hầu như chỉ chơi đúng một kiểu suốt cả trận, kể cả khi họ bộc lộ sa sút về thể lực trong phần lớn hiệp hai. Tỷ lệ để mất bóng, chuyền sai của Indonesia tại khu trung tuyến chẳng khá hơn gì Campuchia. Khi đối thủ quyết định chơi tất tay ở 20 phút cuối, Indonesia rơi vào tình trạng bị thủng lưới và mất điểm bất kỳ lúc nào. Không thấy các điều chỉnh của nhà cầm quân người Hàn Quốc Shin Tae-Yong được cụ thể hóa, và cũng chưa thấy tác động của các bài tập thể lực được xem là yếu tố quan trọng để Indonesia mơ về chức vô địch tại kỳ giải lần này. So với các thế hệ đội tuyển Indonesia trước đây, đội bóng trẻ trung đến từ xứ Vạn Đảo có vẻ "lành" hơn trong các pha vào bóng.
Một Indonesia bộc lộ sự thiếu hụt về kinh nghiệm thi đấu như vậy rõ ràng sẽ khiến cho hai HLV lão luyện là Park Hang-seo (Việt Nam) lẫn Tan Cheng-hoe (Malaysia) có lý do để tính toán ở trận đối đầu ngày 12/12. Giữa việc tìm cách đánh bại nhau, họ có thể sẽ nhắm vào trận Indonesia để quyết định tấm vé vào bán kết. Cả Việt Nam lẫn Malaysia đều có thể đang nằm trong tình trạng "giấu bài", nhưng rõ ràng Indonesia đã chơi với phần lớn những gì họ có, nhất là ở khả năng phòng thủ chưa thật sự vững vàng.
Song Việt