"Tôi đã nhiều đêm không ngủ được. Tôi từng chứng kiến trận động đất năm 1983 nên tôi hiểu được họ đang trong cảnh khó khăn như thế nào", Nazime Kilic, 67 tuổi, nhắc đến trận động đất năm 1983 khiến khoảng 1.500 người chết ở Erzurum.
Kilic đã bán đi con bò bà tự tay chăm sóc, thu về 1.220 USD để gửi cho cơ quan ứng phó thảm họa Thổ Nhĩ Kỳ. "Vết thương của các nạn nhân cũng là vết thương của chúng tôi. Trái tim chúng tôi đau nhói. Tôi có 8 người con. Tôi bảo chúng: hãy giúp đỡ hết sức có thể", Kilic nói.
Khoản đóng góp của Kilic thể hiện tình đoàn kết của người Thổ Nhĩ Kỳ với nạn nhân trận động đất 7,8 độ ở đông nam đất nước tuần trước, đã khiến hơn 41.000 người thiệt mạng. Khi hàng triệu người mất nhà cửa, việc làm và tài sản, người dân cả nước đang làm mọi thứ để giúp đỡ họ. Các kênh tin tức của Thổ Nhĩ Kỳ liên tục đưa tin về cảnh người dân đóng gói thực phẩm, quần áo, nhu yếu phẩm, để cung cấp cho nạn nhân động đất.
Sarigul Kacan, 70 tuổi, đến từ Akyaka, thị trấn ở biên giới phía đông Thổ Nhĩ Kỳ giáp Armenia, cũng bán con bò mình nuôi và gửi số tiền này cho lãnh đạo địa phương. "Tôi muốn giúp đỡ người thiệt mạng và những người đang mắc kẹt dưới đống đổ nát", bà Kacan nói.
Sakine Tanrikulu, người nuôi bê ở Anatolia, miền trung Thổ Nhĩ Kỳ, không hề do dự bán đi con vật. Gulper Tosun, thôn dân ở miền tây Thổ Nhĩ Kỳ, cũng hành động tương tự. Mỗi người thu được 960 USD. Cafer Gunes, người sống sót sau động đất ở Erzurum, cho đi 2.120 USD mà ông vốn để dành cho chuyến hành hương tới Arab Saudi.
Trên khắp đất nước 85 triệu dân, phụ nữ đốt lò, sản xuất hàng trăm ổ bánh mỳ mỗi ngày để gửi đến những người sống sót. Sadullah Seze cũng bán ôtô lấy 5.000 USD gửi cho cơ quan chống thiên tai.
"Tôi muốn giúp đỡ nhà nước", ông nói. "Tôi rất vui khi bán xe để giúp đỡ người khó khăn".
Ở tỉnh Bursa, tây bắc đất nước, Serkenaz đan không ngừng tay để làm áo cho người sống sót. "Ở đó rất lạnh, áo len sẽ giữ ấm cho họ", bà nói. Tại Elbistan, gần tâm chấn động đất ở tỉnh Kahramanmaras, nhiệt độ giảm xuống -15 độ C vào ban đêm.
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ còn bày tỏ lòng cảm ơn với các đội cứu hộ nước ngoài. "Họ mời chúng tôi ăn uống và không cho chúng tôi trả tiền", một đội an ninh dân sự Tây Ban Nha viết, đăng ảnh bữa ăn nóng sốt lên Twitter.
Hồng Hạnh (Theo AFP)