VNExpress

Bài toán phòng ngự chủ động của tuyển Việt Nam

Các trận gần đây cho thấy Việt Nam có thể tạo ra những cơ hội tấn công rõ rệt trước Australia ở vòng loại World Cup hôm nay, nếu phòng ngự một cách chủ động từ khu vực giữa sân.

"Phòng ngự tốt hơn để tấn công tốt hơn", mệnh đề ấy luôn đúng trong bóng đá khi các trạng thái với bóng vốn không tách biệt nhau.

Bài học từ AFF Cup 2020

Không thể bảo vệ ngôi vô địch tại giải đấu khu vực, AFF Cup 2020 cũng mang đến cho HLV Park Hang-seo và các cộng sự những góc nhìn khác nhau về định hướng tiếp cận trận đấu. Qua sáu trận tại Singapore, Việt Nam có hai màn trình diễn ấn tượng nhất - chủ động đẩy cao hệ thống phòng ngự, và sẵn sàng chơi với cường độ cao từ giữa sân khi không có bóng. Đó là các cuộc đối đầu với Malaysia ở vòng bảng và trận lượt về bán kết với Thái Lan.

Đặc biệt, HLV Park đã sử dụng hai sơ đồ chiến thuật khác nhau trong hai trận đấu kể trên. Đội tuyển chơi 3-4-3 hoặc 5-4-1 trước Malaysia và 3-5-2 hoặc 5-3-2 trước Thái Lan. Tuỳ từng đối thủ, và dựa trên nền tảng ba trung vệ, HLV Park có thể tuỳ biến cách sắp xếp đội hình. Điều quan trọng hơn cả, là định hướng, khu vực và cường độ gây áp lực cần được duy trì một cách chủ động.

Ba tiền đạo và hai tiền vệ trung tâm của tuyển Việt Nam gây áp lực tầm cao trước Malaysia.

Một trong những yếu tố cốt lõi của việc chủ động đẩy cao đội hình và gây áp lực với cường độ cao trong thời điểm đối thủ triển khai bóng là khả năng duy trì cự ly đội hình giữa các tuyến. Điều này, Việt Nam đã làm tốt trước Malaysia và Thái Lan. Từ tín hiệu của các tiền đạo, các tiền vệ cần có được sự đồng bộ trong việc dâng cao áp sát, trong khi ba trung vệ chơi sau lưng cũng buộc phải giữ được sự tập trung để bọc lót khoảng trống giữa hai tuyến ở đúng thời điểm.

Trước Malaysia, các trung vệ luôn sẵn sàng dâng cao để bọc lót khoảng trống sau lưng các tiền vệ.

Định hướng quen thuộc trong cách gây áp lực từ khu vực một phần ba giữa sân của HLV Park là chủ đích gây áp lực ở khu vực hai hành lang biên. Kiểm soát các lựa chọn đường chuyền vào trung lộ, dần dần đẩy cao áp lực, buộc đối thủ đưa bóng ra hành lang cánh để đoạt bóng. Vì thế, yêu cầu cho các nhóm cầu thủ chơi cùng biên duy trì tính thông tin và sự tổ chức tốt là vô cùng cần thiết.

Sự đồng bộ tốt trong cách Việt Nam gây áp lực trước Thái Lan.

Quang Hải dâng cao gây áp lực từ biên, Tấn Tài ngay lập tức hỗ trợ sau lưng.

Không xét đến các cuộc đối đầu trước Lào hay Campuchia, hai trận đấu trước Malaysia và Thái Lan tại AFF Cup vừa qua là hai trận đấu đội tuyển tạo ra những thời cơ tấn công rõ rệt nhất trong toàn giải đấu. Khi đẩy đội hình lên cao hơn, đoạt bóng ở xa khung thành đội nhà, khoảng cách so với cầu môn đối phương cũng giảm đi - chi tiết ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của các tình huống tấn công.

HLV Park cũng định hướng sử dụng nhiều các pha bóng tầm trung bình ra sau lưng hàng thủ đối phương. Khi đó, việc có thể thu hẹp cự ly đội hình từ giữa sân, đoạt bóng gần với khung thành đối phương, không chỉ giúp tuyển Việt Nam hạn chế áp lực tấn công phải nhận, mà còn gia tăng thêm tính nguy hiểm cho các tình huống chuyển trạng thái từ không bóng sang có bóng.

Đó phần nào cũng là những yếu tố chiến thuật mang tính tích cực, đã được thể hiện qua từng trận đấu tại vòng loại thứ ba World Cup 2022.

Tiếp tục phát huy tại vòng loại World Cup

Trước những đối thủ hàng đầu khu vực, khoảng cách về kỹ thuật cá nhân và khả năng kiểm soát bóng rõ ràng chưa thể được khoả lấp trong thời gian ngắn. Vì thế, cách hiệu quả nhất để Việt Nam cạnh tranh sòng phẳng là bố trí một hệ thống phòng ngự có tổ chức và chủ động.

Trận đấu gần nhất tại Mỹ Đình trước Saudi Arabia chứng kiến một màn trình diễn như thế của HLV Park và các học trò. Tuyển Việt Nam đã thực hiện 25 hành động phòng ngự (bao gồm: tắc bóng, cắt đường chuyền, phạm lỗi) ở hai phạm vi một phần ba giữa và cuối sân. Đó là con số cao nhất trong sáu trận đấu đã qua tại vòng loại thứ ba World Cup 2022 của Việt Nam. Một khi bị đối phương đẩy sâu về gần khung thành và thiết lập được cấu trúc đội hình đủ quân số khi tấn công, Việt Nam không chỉ đối mặt với các cơ hội nguy hiểm. Đội còn gặp khó khăn ngay khi vừa kiểm soát lại được bóng, bởi khả năng gây áp lực tốt của các đối thủ hàng đầu châu lục. Vì thế, đẩy đội hình lên cao hơn, duy trì sự bọc lót và gây áp lực từ giữa sân là một phương án hữu hiệu với vị thế hiện tại của Việt Nam.

Hành động phòng ngự ở 1/3 giữa và cuối sân của tuyển Việt Nam qua từng trận đấu.

Đó là những gì mà các cầu thủ của HLV Park đã thực hiện tốt trước Saudi Arabia tại Mỹ Đình. Ra sân với hệ thống 3-5-2 trong ý đồ kiểm soát khu vực trung tuyến, Việt Nam không để đối thủ kiểm soát bóng dễ dàng từ phạm vi một phần ba giữa sân. Ba tiền vệ và hai tiền đạo đẩy đối phương ra biên, trong khi các hậu vệ cánh cũng sẵn sàng dâng cao với sự bọc lót của các trung vệ chơi sau lưng.

Việt Nam gây áp lực từ khu vực 1/3 giữa sân trước Saudi Arabia.
Di chuyển đội hình đồng bộ và giữ cự ly đội hình.

Một lần nữa, cần phải nhắc lại tầm quan trọng của các trung vệ khi đội chủ động dâng cao đội hình. Khoảng trống sau lưng mỗi cá nhân đặc biệt quan trọng, và luôn cần sự bọc lót. Đó là lúc mà giá trị của sơ đồ ba trung vệ được thể hiện, bởi khi một trung vệ dâng cao, đội vẫn đủ khả năng duy trì quân số ở hàng ngang phòng ngự cuối cùng nhằm hạn chế các đường chuyền ra sau lưng từ đối phương.

Sự đồng bộ trong việc di chuyển bọc lót, đặc biệt từ các trung vệ, là yếu tố quan trọng khi đẩy cao đội hình.

Chính trận đấu với Saudi Arabia tại Mỹ Đình là một trong những cuộc đối đầu ghi nhận Việt Nam có thống kê dứt điểm nhiều nhất trong sáu trận đã qua tại vòng loại thứ ba World Cup 2022. Một khi phòng ngự tốt hơn, chủ động hơn, những thời cơ tấn công cũng sẽ đến nhiều hơn với Quang Hải và các đồng đội.

Đường chuyền ở trạng thái phản công của Quang Hải cho Tiến Linh.

Khi đoạt bóng ở xa cầu môn đội nhà, Việt Nam hạn chế được khả năng gây áp lực mạnh của đối phương. Các cầu thủ vì thế có nhiều khoảng trống hơn để xử lý bóng hướng lên phía trước. Ngay cả nếu đối thủ không thể đoạt bóng ngay sau khi để mất quyền kiểm soát, trạng thái cấu trúc đội hình của họ cũng sẽ có những sơ hở lớn để khai thác, đặc biệt là khoảng trống sau lưng – nơi Việt Nam thường xuyên thực hiện các đường chuyền ở tình huống phản công.

Khai thác khoảng trống sau lưng khi đoạt bóng ở khu vực giữa sân là phương án tấn công thường xuyên được Việt Nam sử dụng.

Phòng ngự chủ động, với sự tổ chức tốt, đoạt bóng xa khung thành đội nhà và tấn công nhanh bằng các đường chuyền trực diện được thực hiện bởi những Quang Hải hay Hoàng Đức. Đó vẫn sẽ là phương án tiếp cận trận đấu phù hợp nhất với Việt Nam hiện tại, trước các đối thủ hàng đầu châu lục. Điều quan trọng là đội cần giữ tập trung xuyên suốt cả trận đấu với định hướng chơi dâng cao như thế, bởi chỉ một khoảnh khắc thiếu thông tin và bọc lót, đối thủ có thể khai thác khoảng trống sau lưng và tấn công ở tốc độ cao.

Các trung vệ cần duy trì sự tập trung để bọc lót đúng thời điểm các khoảng trống sau lưng hàng tiền vệ.

Định hướng chiến thuật này có những rủi ro, nhưng đồng thời, mang đến những thời cơ tốt hơn cho Việt Nam. Thực tế, HLV Park và các học trò cũng đã dần bắt nhịp và cải thiện qua từng trận đấu. Khả năng gây áp lực, và phòng ngự ngay từ khu vực giữa sân của đội đang dần được cải thiện, đi cùng với đó là những thế trận ghi nhận các cơ hội tấn công tốt hơn.

Tỷ lệ hành động phòng ngự ở 1/3 giữa và cuối sân của tuyển Việt Nam qua từng trận đấu.

Với các gương mặt mới và ở trạng thái tâm lý thoải mái như Hữu Tuấn, Đức Chiến ở hàng thủ, Hùng Dũng ở tuyến tiền vệ hay Tuấn Hải trên hàng công, Việt Nam có thể sẽ phát huy được những tín hiệu tích cực ở khả năng phòng ngự chủ động, và duy trì sự ổn định ở những thế trận như thế. Đó sẽ là cách giúp đội tránh khỏi áp lực tấn công từ đối phương, và cũng mở ra các thời cơ tiếp cận bàn thắng một cách rõ ràng hơn.

Thành Vũ