Cần 'cách mạng thể chế' về khoa học, công nghệ
Tôi xin nêu 3 đề xuất để thực hiện cuộc "cách mạng thể chế" về khoa học, công nghệ.
Thứ nhất: Cả nước đang trong quá trình triển khai thực hiện "cuộc cách mạng thể chế", Bộ Khoa học và Công nghệ cũng phải làm như các bộ ngành khác. Tuy nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ có thêm cơ hội "ngàn năm có một" từ tinh thần của Nghị quyết 57. Cho nên, việc đầu tiên là phải chớp lấy thời cơ này, phải thay mặt Chính phủ giương ngọn cờ tiên phong trong việc cụ thể hóa, hiện thực hóa Nghị quyết 57 với việc nhận diện cho đúng vấn đề mà Nghị quyết 57 cần để tạo đột phá cho khoa học công nghệ nước nhà và pháp lý hóa các vấn đề đó.
Thứ hai: là phải thay đổi chất lượng nguồn nhân lực, cách tổ chức triển khai và quản lý các loại nhiệm vụ khoa học công nghệ để các nhà khoa học thực sự làm theo tinh thần cống hiến, chứ không phải chỉ để hỗ trợ cho nhà khoa học có "công ăn, việc làm".
Thứ ba: Chính phủ sẽ đầu tư nhiều hơn cho khoa học công nghệ, nhưng để suất đầu tư lớn có hiệu quả thì cần đầu tư có chọn lọc, có trọng tâm, trọng điểm theo các định hướng ưu tiên dựa vào đơn đặt hàng và địa chỉ ứng dụng cụ thể. Nếu tiền nhiều mà vẫn con người cũ, cách làm cũ, năng lực nghiên cứu cũ và đầu tư dàn trải thì khoa học công nghệ tiếp tục không có đột phá, không trở thành động lực của động lực như kỳ vọng của Đảng và Nhà nước.
- Chính sách khoa học công nghệ lần này phải tạo bước ngoặt từ đổi mới tư duy, nhận thức đến tầm nhìn để: chuyển từ có tiền mới làm khoa học công nghệ sang khoa học công nghệ tạo ra tiền/giá trị quy đổi. Cần đầu tư đúng tầm cho cả khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và đặc biệt là khoa học về văn hóa đậm đà bản sắc Việt để văn hóa trở thành động lực phát triển đất nước.
- Coi trọng nghiên cứu cơ bản đối với các vấn đề/lĩnh vực chiến lược đón đầu, đồng thời nhanh chóng rút ngắn khoảng cách tụt hậu khoa học công nghệ so với thế giới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc bằng cách áp dụng linh hoạt cách tiếp cận "3I" (Imited - bắt chước, Initiative - cải tiến; Inovation - sáng tạo).
- Đầu tư hạ tầng khoa học công nghệ và phòng thí nghiệm, phương tiện nghiên cứ khoa học và thử nghiệm công nghệ hiện đại và tiên tiến ở đẳng cấp quốc tế cho các tổ chức khoa học công nghệ sau tinh gọn;
- Khuyến khích, hỗ trợ phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong doanh nghiệp và khoa học công nghệ "cộng đồng" với các mô hình quản trị đa dạng (hợp tác công tư...).
- Cuối cùng là có chế độ ưu đãi thu nhập của nhà khoa học và cho các sản phẩm khoa học công nghệ có giá trị.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi
Phó Chủ tịch thường trực Hội Thủy sản Việt Nam