Lễ ký thỏa thuận hợp tác được thực hiện chiều 6/11. Phát biểu tại sự kiện, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM cho biết, hai đơn vị đã có những hợp tác từ khi mới thành lập về đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. "Việc ký kết hợp tác hôm nay là điều tất yếu. Sự hợp tác về chuyên môn đã có quá trình dài, nhưng kết nối vật lý giữa hai bên về đường sá cần được đầu tư để việc đi lại dễ dàng hơn", PGS Đạt nói.
Đại học Quốc gia TP HCM có hơn 3.500 giảng viên, trong đó có gần 2.000 tiến sỹ, hơn 80 phòng thí nghiệm với nhiều nhóm nghiên cứu mạnh, sẽ phối hợp thực hiện các dự án khoa học công nghệ, chuyển giao và thương mại hóa cho các doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao. Hai bên sẽ hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, phòng thí nghiệm trọng điểm tại các doanh nghiệp.
Đào tạo nhân lực là mục tiêu mà hai bên hướng đến nhằm tiêu chuẩn hóa nguồn nhân lực công nghệ cao theo chuẩn quốc tế (theo Luật công nghệ cao), thành lập các cơ sở đào tạo nhân lực. Hai bên cũng phối hợp xây dựng chính sách ưu đãi để thu hút, sử dụng nhân lực công nghệ cao, chia sẻ nguồn lực trong hoạt động đào tạo.
Với nguồn lực 160 doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao với Intel, Samsung, Nidec... và nhiều công ty công nghệ cao trong nước, hai bên sẽ hợp tác triển khai các chương trình thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp theo mô hình mở, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các cơ sở ươm tạo công nghệ cao sẽ được hình thành nhằm thúc đẩy thành lập các doanh nghiệp công nghệ cao.
Theo PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP HCM, trong giai đoạn sắp tới sẽ đặt trọng tâm phát triển về nhân lực, tiềm lực khoa học công nghệ của doanh nghiệp trong nước. Họ sẽ được hỗ trợ để tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, phát triển công nghiệp phụ trợ và trở thành nhà cung cấp cho các doanh nghiệp FDI.
Hà An