* Argentina - Pháp: 22h Chủ nhật 18/12, trên VnExpress.
Ví dụ điển hình là trận thắng của họ ở bán kết trước Croatia, trên sân Lusail ngày 13/12.
Không nhiều sự kiện diễn ra suốt 30 phút đầu. Nhưng rồi đại diện Nam Mỹ bất thần ghi hai bàn trong năm phút. Khác biệt nằm ở chỗ: ít đội có khả năng khai thác hậu tuyến phòng ngự của đối phương tốt như Argentina.
Trận đấu diễn ra với chiến thuật phổ biến ở World Cup này. Hai đội tối giản khoảng cách giữa các tuyến, nhưng chấp nhận khoảng trống dưới hàng thủ và phía trên hàng tiền vệ.
Croatia dùng hệ thống 4-3-3, nhưng đôi lúc biến thành 4-4-2 với Luka Modric dâng cao như tiền đạo.
Argentina cũng vậy. Thay vì xuất phát với hệ thống 5-3-2 y hệt Hà Lan ở tứ kết, HLV Lionel Scaloni chuyển thành 4-4-2 để làm điều tương tự trước người Croatia. Messi nhiều lúc giống tiền đạo hơn một số 10. Khi Julian Alvarez lùi thấp để kèm Marcelo Brozovic, còn mình Messi phía trên, di chuyển tự do.
Lúc này, Messi không phải phòng ngự. Như hình bên dưới, Messi có vẻ gặp chút vấn đề nên đứng sững lại, không hề di chuyển trong khi Alvarez lùi sâu phòng ngự như một tiền vệ trung tâm. Hai cánh Argentina cũng bó vào trung lộ chơi như những tiền vệ trung tâm.
Cách di chuyển này khắc chế Croatia hiệu quả. Đại diện châu Âu cầm bóng tốt nhưng thiếu đột biến. Argentina toan tính gì đó với cách đá này.
Một lá bài lộ diện ở đầu trận: hậu vệ phải Nahuel Molina di chuyển cùng tiền vệ trung tâm chơi lệch phải Rodrigo De Paul tạo ra một pha phối hợp đánh vào khoảng trống sau hàng thủ Croatia.
Một phút sau, De Paul lại rót bóng cho hậu vệ biên trái Nicolas Tagliafico khi hệ thống của đối phương đã bó hẹp để khép kín khu vực trung lộ. Tình huống thất bại vì thủ môn Dominik Livakovic can thiệp, nhưng báo hiệu cách đá chủ đạo của đội bóng Nam Mỹ ở trận này.
Các phút tiếp theo là liên tiếp những pha bóng có ý đồ tương tự. Leandro Paredes rót bóng cho Monina bên phải. Enzo Fernandez chọc khe cho Tagliafico bên trái. Sau đó là một tình huống thú vị khi Fernandez có bóng còn Molina xin bóng bên cạnh phải. Nhưng Fernandez không chuyền cho Molina ở vị trí thoáng hơn mà lựa chọn đưa bóng cho Messi đang bị Dejan Lovren kèm, người sau đó không thể nhận đường chuyền.
Nó cho thấy Argentina ưu tiên tấn công vào khe hở giữa các vị trí và đánh trực diện Croatia, với những đường chuyền vào hậu tuyến.
Kế hoạch sử dụng cặp Alvarez - Messi quấy rối trung lộ của Croatia thật sự rõ ràng sau khoảng 20 phút bóng lăn. Phút 21, Messi di chuyển từ vị trí việt vị lên phía trên để nhận bóng khiến hàng thủ Croatia lần đầu trong trận tỏ ra thiếu đồng bộ. Nhờ sức hút của Messi, Alvarez rảnh rang chạy cắt mặt Lovren mà không ai bám theo tạo điều kiện Messi đối đầu Gvardiol.
Ít phút sau, kịch bản tương tự xảy ra. Messi đứng sau Alvarez khoảng 20 mét, tiếp tục song hành để quấy phá đối phương. Lovren lùi sâu, trong khi Gvardiol bị kéo lên theo Messi và khoảng trống giữa bộ đôi này rất rõ ràng.
Sau cùng, một trong những pha di chuyển của Alvarez phát huy tác dụng. Nicolas Otamendi có bóng và dự định chuyền cho Fernandez ở trung tâm nhưng sau đó chọc khe cho Alexis Mac Allister bên cánh trái. Một lần nữa Lovren bị Alvarez ghim sâu dưới hàng thủ, trong khi Gvardiol dâng cao để bẫy việt vị, tiền đề khiến Livakovic phạm lỗi với Alvarez trong vòng cấm, dẫn đến quả phạt đền mà Messi đá thành công.
Bàn thứ hai là pha phản công sau quả phạt góc của Croatia. Tình huống có hai điểm đáng chú ý. Đầu tiên, ba cầu thủ Argentina có thê dâng lên. Nhưng hai trong số đó dừng lại. Chỉ còn một người đá cánh, là Molina, bứt tốc khiến cặp hậu vệ Croatia xao nhãng và khoảng trống để Alvarez xâm nhập. Đây chính là điểm thú vị thứ hai. Alvarez là tiền đạo hiếm hoi ở giải này làm công việc của một tiền đạo cổ điển là di chuyển trực diện vào khu vực hậu vệ đối phương.
Trận đấu sau đó được chốt hạ bằng pha đi bóng làm khổ Gvardiol của Messi. Cú dứt điểm là của Alvarez. Bàn thắng này có thể đáng nhớ bậc nhất sự nghiệp Messi – Alvarez nếu Argentina đăng quang ở giải này. Nó là hệ quả của một buổi tối mà đội bóng do Scaloni dẫn dắt đã hành hạ hàng thủ đối phương bằng những pha bóng nhắm về phía sau hàng thủ.
Messi tất nhiên là chi tiết đáng lưu tâm nhất của Argentina toàn giải. Nhưng chiến thuật cơ động, mềm dẻo của Scaloni trước từng đối thủ mới là điều kiện cần cho Messi tỏa sáng.
Trước Pháp hôm nay, theo truyền thông Argentina, Scaloni đã cho Argentina chuẩn bị phương án 5-3-2 nhằm kiềm toả Mbappe. Nhưng điều đáng sợ nhất mà đại diện Nam Mỹ thể hiện tại Qatar lần này là sự ứng biến linh hoạt về chiến thuật để thích nghi với từng đối thủ, hoàn cảnh. Những đường chuyền ra sau hậu tuyến đối phương, khả năng kéo dãn hàng thủ của cặp Messi - Alvarez vẫn là thứ vũ khí lợi hại để Argentina có thể biến Pháp thành nạn nhân tiếp theo và là cuối cùng trên hành trình của họ ở World Cup 2022.
Đỗ Hiếu (theo The Althetic)