"Tôi muốn áo của Mitoma, Itakura và Tomiyasu. Tôi muốn ủng hộ họ bằng sự đam mê, giống niềm nhiệt huyết mà họ thể hiện trên sân cỏ", một khách hàng nói khi bước vào cửa hàng Alpine Tokyo ở khu Shinjuku ngay sau giờ mở cửa.
Tại kỳ World Cup 2022 diễn ra tại Qatar năm nay, Nhật Bản lần lượt đánh bại hai nhà cựu vô địch, hai thế lực của bóng đá thế giới là Đức và Tây Ban Nha để tiến vào vòng 16 đội mạnh nhất với ngôi vị đầu bảng.
Doanh số bán đồng phục thi đấu màu xanh của đội tuyển Nhật Bản tại cửa hàng tăng khoảng 7 lần sau chiến thắng 2-1 trước Đức ngày 23/11.
Chỉ trong ngày 2/12, cửa hàng đã bán 60 áo đấu của Kaoru Mitoma, người có màn trình diễn chói sáng, kiến tạo bàn quyết định trong trận thắng Tây Ban Nha. Sau trận đấu này, cửa hàng đồ thể thao Super Sports Xebio nổi tiếng ở Chiyoda, Tokyo, cũng ghi nhận hàng dài người xếp hàng mua đồng phục của đội tuyển.
Đài Asahi TV ngày 3/12 dẫn ước tính của Nagahama Toshihiro, chuyên gia kinh tế tại Viện Nghiên cứu Đời sống Daiichi Life, cho biết thành tích của đội tuyển bóng đá Nhật Bản tại World Cup đến nay đã góp phần mang lại doanh thu 16,3 tỷ yen (121 triệu USD) trong các lĩnh vực ở Nhật, trong đó 5,2 tỷ yen đến từ lĩnh vực ăn uống.
Lượng khách tới các quán bar để xem đội tuyển thi đấu tăng vọt. Hoạt động giao pizza cũng đem lại lợi nhuận lớn trong những ngày đội Nhật thi đấu.
Domino's Pizza đêm 1/12 đã kéo dài thời gian làm việc của 23 cửa hàng cho đến 5 giờ sáng hôm sau, để đáp ứng nhu cầu ăn khuya của khách hàng trong trận Nhật đấu Tây Ban Nha, đem về doanh thu cao hơn khoảng 1,6 lần so với ngày thường trong tuần.
Trong hai trận đầu của tuyển Nhật, hãng Pizza Hut ở nước này cũng đạt doanh số cao hơn 1,7 lần so với cùng thời điểm năm ngoái. "Chúng tôi dự kiến đạt doanh thu gấp đôi trong trận đấu ở vòng 1/8", đại diện hãng cho biết.
Ở vòng 1/8, Nhật Bản sẽ đối mặt Croatia tối nay. Nếu "Samurai xanh" vượt qua đương kim á quân World Cup 2018, họ sẽ lần đầu tiên trong lịch sử góp mặt tại tứ kết World Cup.
Đức Trung (Theo Asahi TV, Youmiuri)