world cup 2022

Ảo giác vinh quang của tuyển Bỉ

Bị loại từ vòng bảng World Cup 2022 là cái kết buồn cho thế hệ cầu thủ tài năng từng được kỳ vọng sẽ giúp bóng đá Bỉ vươn lên đỉnh cao thế giới.

Roberto Martinez rời tuyển Bỉ, trong khi De Bruyne (giữa), Jan Vertonghen (số 5) và nhiều đồng đội ngôi sao đối mặt tương lai bất định. Ảnh: The Athletic

Roberto Martinez nhậm chức tháng 8/2016. Và rất nhanh chóng ông nhận ra một vấn đề lớn trong phòng thay đồ của Bỉ: ngôn ngữ.

Từ rất lâu, nội bộ Bỉ bị phân chia thành hai nhóm, gồm các cầu thủ nói tiếng Flemish (tiếng Hà Lan của Bỉ) từ miền Bắc như Toby Alderweireld, Jan Vertonghen và Kevin De Bruyne, với nhóm nói tiếng Pháp như Axel Witsel và Eden Hazard. Những cầu thủ nói được nhiều thứ tiếng như Thibaut Courtois, Vincent Kompany, Romelu Lukaku đành sử dụng cả hai thứ tiếng trên và đôi khi nói tiếng Anh trước tập thể.

Trước thực trạng này, Martinez quyết định chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ chung cho các cầu thủ khi lên tuyển.

Đây là phương án trước tiên mang lại lợi ích cho HLV, bởi nhà cầm quân người Tây Ban Nha chỉ thông thạo tiếng Anh. Nó cũng góp phần tạo ra một cảm giác bình đẳng cho một đội tuyển suốt nhiều thập niên thường được nghĩ tới như một tập thể bị chia rẽ. Và thực tế, trong một thời gian dài dưới trướng Martinez, các cầu thủ Bỉ đã trải qua cảm giác đoàn kết, tạo đà cho việc vào bán kết rồi giành HC đồng World Cup 2018 - thành tích họ mới một lần làm được trước kia.

Nhưng dần theo thời gian, các cầu thủ trở lại nói tiếng mẹ đẻ và ngay từ vòng loại World Cup 2022, tiếng Anh dần ít được cất lên hơn trong phòng thay đồ.

Đến World Cup 2022, "thế hệ vàng" của bóng đá Bỉ trải qua những ngày giông tố. Họ may mắn đánh bại Canada 1-0 trong trận ra quân, trước khi thua Morocco 0-2 rồi hoà Croatia 0-0. Mạch trận đó khiến Bỉ phải xách vali rời Qatar từ chiều 2/12. Một số cầu thủ thậm chí đã bay thẳng về Anh.

Martinez vốn đã quyết định từ trước giải sẽ chia tay đội tuyển, và việc bị loại trở thành cái kết tăm tối mà chắc chắn ông không hề mong muốn cho giai đoạn cuối nhiệm kỳ. Một vài cầu thủ đã tỏ ra buồn bã, khi Martinez tuyên bố trong phòng thay đồ sau trận Croatia rằng đây là trận cuối cùng ông dẫn dắt đội tuyển. Một số khác có lẽ ngầm ước Martinez nên bị thay thế từ lâu, và ông nên chịu trách nhiệm cho sự thất bại trong việc tái xây dựng đội hình khi nhiều nhân tố trong thế hệ vàng dần mất tầm ảnh hưởng.

Nhiều CĐV cũng sẽ đặt dấu hỏi cho tương lai Alderweireld, Vertonghen, Witsel và Eden Hazard, xem liệu họ còn tiếp tục xứng đáng khoác lên người màu áo tuyển quốc gia.

Lukaku hỏng ăn khi phía trước chỉ còn Dejan Lovren trong trận Bỉ hòa Croatia 0-0 ngày 1/12. Ảnh: Reuters

Nhưng những gì ở trên chỉ là một phần trong chuỗi những sự cố dẫn đến sự sụp đổ toàn diện của Bỉ. Ngay từ phần chọn đại bản doanh, Liên đoàn Bóng đá Bỉ (RBFA) đã có quyết định ngược đời. Trong khi phần lớn trong 32 cái tên tại giải chọn đóng quân trong bán kính quanh Doha 25 km, tuyển Bỉ lại ở tận bờ biển Salwa cách trung tâm 150 km.

Nơi đây có đủ mọi tiện nghi, bao gồm một khách sạn hạng sang ngay bờ biển, nhưng nhiều cầu thủ trụ cột không hài lòng vì bị chia rẽ với gia đình – những người đã lặn lội đường xa tới cổ vũ. Trước giải đấu, một "ngày gia đình" đã được ấn định vào 28/11 – tức sau khi Bỉ gặp Morocco. Các thành viên gia đình cầu thủ sẽ được phép từ Doha tới Salwa để dự tiệc nướng cùng đội tuyển. Đây là truyền thống từng được các cầu thủ rất hoan nghênh tại kỳ World Cup trước ở Nga.

Song khi tới khách sạn, các thành viên gia đình lập tức cảm thấy bầu không khí nặng nề.

Sự không thoải mái đó thật ra đã tồn tại từ khi cả đội mới đặt chân lên Qatar. Nhiều cầu thủ tin rằng với sức chứa của khách sạn tại Salwa, gia đình của họ nên được ở cùng trong một khu của khách sạn, dù vẫn sẽ có những luật lệ về việc hạn chế gặp mặt. Nhưng Martinez muốn sự tách biệt hoàn toàn, và ngay cả tương tác giữa các cầu thủ với nhân viên RBFA cũng không được khuyến khích. Martinez từng có cách tiếp cận rộng mở hơn so với người tiền nhiệm Marc Wilmots, nhưng theo thời gian, ông cũng trở nên khắt khe hơn.

Tâm lý khó chịu này gợi nhớ tới Anh và chiến dịch World Cup 2010, dù khi đó "Tam Sư" cũng sở hữu lứa cầu thủ được mệnh danh thế hệ vàng.

Martinez không còn được lòng số đông cầu thủ tuyển Bỉ như tại Nga cách đây 4 năm. Ảnh: Reuters

Vậy sáu năm dưới trướng Martinez có thực sự là thảm hoạ? Ban đầu thì không.

Sau thất bại trước Tây Ban Nha trong trận giao hữu ra mắt Martinez tháng 9/2016, Bỉ đã thắng 46, hoà chín và chỉ thua ba trong 58 trận kế tiếp. Từ tháng 9/2018 tới 3/2022, Bỉ là đội bóng số một thế giới trên bảng thứ bậc FIFA. Tại World Cup 2018, họ là đội bóng đáng xem bậc nhất khi toàn thắng ba trận vòng bảng, thắng ngược Nhật Bản 3-2 tại vòng 1/8, hạ gục ứng viên vô địch Brazil tại tứ kết và chỉ chịu thua các nhà vô địch Pháp tại bán kết. Tại Euro 2021, Bỉ cũng toàn thắng cho tới trước thất bại tại tứ kết trước Italy – đội sau đó cũng đăng quang.

Nhưng đó là khởi đầu cho một chuỗi trận sa sút. Từ một đội bóng chỉ thua ba trong 58 trận gần nhất, Bỉ thua đến bảy trong 19 trận cuối Martinez nắm quyền. Trong thời gian đó, họ thất bại toàn diện từ Euro, Nations League cho tới World Cup.

Bỉ đánh mất khả năng áp đảo đối thủ từng giúp họ vượt qua Anh ba lần trong vài năm trở lại đây. Từ một đội bóng mạnh về kiểm soát bóng và gây sức ép tầm cao, Bỉ chuyển sang hướng phòng ngự phản công như một cách Martinez bù đắp cho những điểm yếu của học trò, dù ông hiểu đó không phải sở trường của Bỉ.

Một lý do khác khiến Bỉ không còn có thể chơi pressing tầm cao là sự xuống sức của các trụ cột. Trong bộ ba De Bruyne – Hazard – Lukaku, chỉ người đầu tiên có đủ sức gây sức ép từ phần sân đối phương. Khi hai trong ba nhân sự chủ chốt của hàng công không thể gây sức ép, đối thủ sẽ dễ dàng đưa bóng lên trên.

Martinez chỉ đạo Hazard trong trận thua Morocco 0-2 ở World Cup 2022. HLV tuyển Bỉ tin dùng tiền vệ số 10, anh nhưng chỉ còn là cái bóng mờ của bản thân so với bốn năm trước. Ảnh: AP

Việc Martinez quá tin dùng Hazard cũng gây tác dụng ngược. Đội trưởng Bỉ mờ nhạt trong hai trận đầu, rồi ngồi dự bị trong trận quyết tử với Croatia "vì Martinez muốn bảo vệ học trò trước rủi ro chấn thương". Hazard chỉ còn là chiếc bóng của bản thân trong quá khứ. Anh không ghi bàn hay kiến tạo lần nào tại Qatar dù từng ghi ba bàn và có hai pha dọn cỗ cách đây bốn năm trên đất Nga. Trong 124 phút ra sân tại Qatar, Hazard chỉ năm lần rê bóng thành công, có năm đường chuyền tạo ra cơ hội (3,6 đường mỗi 90 phút). Các thông số này năm 2018 là 517 phút ra sân, 40 pha rê bóng và 35 lần tạo cơ hội (6,1 lần mỗi 90). Chỉ riêng trận gặp Pháp tại bán kết năm 2018, Hazard có tới 11 pha rê bóng thành công, hơn toàn bộ những gì Hazard làm được tại World Cup 2022.

Sự xuống dốc không phanh của Hazard tại Real từ năm 2019 thì ai cũng thấy, nhưng việc Martinez vẫn tin dùng anh là điều khó hiểu. Trong 21 trận gần nhất khi lên tuyển, Hazard chỉ có một bàn! Nhưng cho tới trước trận gặp Croatia, vị trí đá chính lẫn chiếc băng đội trưởng tuyển Bỉ của anh vẫn vững như bàn thạch.

Trước đây, Hazard có tần suất chạy đuổi bóng ít hơn các đồng đội nhưng vẫn được dung thứ nhờ tố chất thiên tài, khả năng định đoạt trận đấu. Nhưng giờ đây, anh không còn cả hai. Thứ duy nhất còn lại ở Hazard là danh tiếng, trong khi những người đồng đội trẻ trung hơn như Leandro Trossard hay Jeremy Doku xứng đáng được ra sân hơn trước Morocco xét về phong độ thuần tuý.

Về phần Lukaku, anh bị xem như vật tế thần khi vào sân trước Croatia và đá bay cơ hội đi tiếp của Bỉ. Tiền đạo này có thể được cảm thông hơn do đã mất hai tháng đầu mùa giải nghỉ dưỡng thương và suýt lỡ World Cup do tái phát chấn thương đầu tháng 11. Anh chỉ được đưa vào sân trước Morocco do thiếu phương án và không đủ thể lực lẫn phong độ để đá từ đầu trước Croatia. Nhưng bốn cơ hội bị bỏ lỡ mười mươi của Lukaku là minh chứng rõ rệt nhất cho phong độ và sự thiếu tự tin của cầu thủ này.

Ngoài Lukaku, phần còn lại hàng công của Bỉ cũng không khá khẩm hơn. Michy Batshuayi đá chính hai trận đầu và ghi bàn trước Canada, nhưng liên kết rời rạc với De Bruyne và Hazard. Tiền đạo dự bị Lois Openda đã ghi hai bàn trong năm lần khoác áo đội tuyển, nhưng không được Martinez trọng dụng với chỉ 13 phút ra sân tại Qatar.

Và không thể không nhắc tới De Bruyne - ngôi sao được kỳ vọng nhất của tuyển Bỉ nhưng có một giải đấu dưới sức. Mọi chuyện còn tệ hơn khi trước trận gặp Morocco, tờ The Guardian đăng tải cuộc phỏng vấn với De Bruyne được thực hiện trước khi anh rời Anh về hội quân cùng tuyển Bỉ. Trong cuộc phỏng vấn này, De Bruyne thẳng thừng cho rằng Bỉ "không có cơ hội vô địch" và cho rằng thời cơ đã bị bỏ lỡ bốn năm trước.

De Bruyne đi bóng trong trận thắng Canada 1-0 ở lượt trận ra quân World Cup 2022. Ảnh: AP

Tiền vệ này chia sẻ: "Chúng tôi có một đội ngũ tài năng nhưng đang lão hoá. Chúng tôi đã mất những cầu thủ quan trọng và dù có những cầu thủ mới tài năng lên tuyển, họ vẫn không cùng đẳng cấp với thế hệ 2018".

Chỉ trong hai câu nói đầu, De Bruyne vừa làm mất lòng các cựu binh (Vertonghen, Alderweireld, Witsel), vừa ám chỉ những cầu thủ trẻ như Amadou Onana, Youri Tielemans, Charles De Ketelaere, Openda, Doku và Trossard chưa đủ khả năng khoá lấp chỗ trống của thế hệ đàn anh. Sẽ nhiều người đồng tình với quan điểm này, nhưng một cầu thủ được xem như thủ lĩnh không nên phát biểu như trên trước một giải đấu lớn. De Bruyne đã tỏ ra bức xúc về việc những bình luận của mình "bị đặt ra ngoài ngữ cảnh", song bài phỏng vấn vẫn như đổ dầu vào lửa.

Sau trận thua Morocco, Vertonghen như muốn mỉa mai người đồng đội khi cho rằng Bỉ tịt ngòi cũng vì "hàng công quá già". Báo Pháp L'Équipe đưa tin De Bruyne và Vertonghen đã cãi nhau kịch liệt. Một số nguồn tin khác cho rằng sự bất đồng không gay gắt như truyền thông đưa tin, nhưng việc hai bên có lời qua tiếng lại khiến Lukaku phải xen vào là có thật. Ngoài De Bruyne, Vertonghen còn có màn đối đáp căng thẳng với Hazard.

Thủ thành Thibaut Courtois sau đó khẳng định nội bộ đội tuyển vẫn bình thường, nhưng anh bức xúc khi có cá nhân trong đội tuyển tuồn tin cho truyền thông và nhấn mạnh sẽ khiến "kẻ đó hết đường lên tuyển".

Nhưng bản thân Courtois cũng là một thành phần thường xuyên dính điều tiếng trên Bỉ. Anh từng bị HLV Wilmots cáo buộc tiết lộ đội hình trước trận tại Euro 2016, dẫn tới việc thủ thành này một mực phủ nhận và thậm chí còn doạ kiện HLV. Đó là chưa kể những hiềm khích quá khứ của anh với De Bruyne, dù những hình ảnh tại lễ trao giải Quả Bóng Vàng cho thấy hai ngôi sao này vẫn nói chuyện với nhau chứ không hoàn toàn cạch mặt.

Trước những căng thẳng nội bộ, Martinez phải lên tiếng đả kích "tin giả", cho rằng L'Équipe đang cố làm rối ren đội nhà và vô tình khiến Bỉ đoàn kết hơn. Nhưng sự thực là Bỉ thiếu đi một thủ lĩnh đích thực đủ khả năng "dẹp loạn" và giúp tất cả cùng nhìn về một hướng. Trong quá khứ, vai trò đó là của Vincent Kompany, nhưng giờ đây, họ không còn thủ lĩnh nào xứng tầm sau khi Kompany giải nghệ.

Kompany (giữa) là thủ lĩnh của tuyển Bỉ đoạt HC đồng World Cup 2018. Ảnh: Reuters

Tiền vệ từng bị Martinez loại khỏi World Cup 2018 Radja Nainggolan khẳng định vấn đề của tuyển Bỉ là có quá nhiều cái tôi. Anh nói trên The Times năm 2018: "Vấn đề là nếu bạn có quá nhiều cái tôi và ai cũng chỉ biết phần mình, mọi thứ rất khó khăn. Ai cũng muốn là hạt nhân, từ Hazard, De Bruyne cho tới Lukaku, nên thật khó để kết hợp tất cả cùng nhau. Người này muốn đá kiểu này, người kia lại muốn đá kiểu khác. Đó là điều khó nhất".

Trong khi World Cup đáng quên của Hazard có thể đoán trước được, việc De Bruyne cũng chơi tệ lại khiến nhiều người bất ngờ do anh vẫn chơi hay tại Man City. Một số đồng đội thậm chí còn cho rằng sau cuộc phỏng vấn tai tiếng, De Bruyne cũng chịu trách nhiệm lớn chẳng thua ai. Những nguồn tin gần với đội tuyển cho biết De Bruyne gặp vấn đề với đủ thứ tại World Cup: áp lực phải chơi tốt, bức xúc với các lựa chọn của HLV và cả sự bất ổn ở hậu trường. Khi De Bruyne cầm bóng, những vệ tinh xung quanh anh thiếu hẳn sự di chuyển linh hoạt như thường thấy tại Man City, dẫn tới việc De Bruyne buộc phải tự chọn phương án xử lý và gây thất vọng.

De Bruyne không phải ngôi sao đầu tiên và cũng chẳng phải cuối cùng rời một kỳ World Cup với tâm trạng thất vọng. Nhưng chính cuộc phỏng vấn công khai – dù nội dung chính xác với thực tế - đã mang lại cho tiền vệ này thêm nhiều áp lực, thay vì giảm bớt kỳ vọng như anh mong muốn. Những áp lực như De Bruyne gặp phải là nguyên do Martinez cho rằng đội nhà đã chơi bóng trong sợ hãi thay vì niềm vui trước Morocco. Theo ông, các học trò cần tự giải thoát gánh nặng và tìm lại niềm vui chơi bóng, chào đón thách thức mang tên Croatia thay vì để nỗi sợ nhấn chìm.

Đó là một suy nghĩ rất khác so với khi các lá thăm vòng bảng World Cup được công bố. Ở thời điểm đó, rất ít người ở phía Bỉ quan tâm tới sự cạnh tranh từ Morocco mà chỉ bức xúc việc bảng F sẽ phải đương đầu với bảng E, đồng nghĩa với việc Bỉ có thể phải đụng độ Đức hoặc Tây Ban Nha ở vòng 1/8. Và điều trớ trêu là cả họ lẫn Đức đều phải xách vali về nước sớm hơn rất nhiều so với những tính toán ban đầu.

Trước Croatia, Bỉ đã chơi tốt hơn nhiều. Một minh chứng rõ rệt là việc đội bóng đã di chuyển 120 km cả trận so với chỉ 107 km trước Morocco. Họ càng chơi càng tạo được nhiều cơ hội, đặc biệt với những sự thay đổi người của Martinez. Nhưng Lukaku gây thất vọng khi đội bóng cần anh nhất sau khi buộc phải trở lại sớm hơn dự kiến dù chưa bình phục hoàn toàn.

Nhìn tổng thể, Martinez có thể đã có những nước đi đúng đắn trước Croatia, nhưng quá muộn để cứu vãn tình hình. Trong ba năm đầu nắm quyền, ông được xem như một phiên bản nâng cấp của Wilmots, song đã đánh mất niềm tin của nhiều học trò sau Euro 2021. Sau khi bị Hà Lan loại khỏi Nations League, không ít cầu thủ Bỉ đã tâm sự nội bộ về khát khao có được một huấn luyện viên như Louis Van Gaal.

Khó có thể trách họ khi chính Martinez cũng không toàn tâm toàn ý với công việc. Ông từng muốn làm song song hai việc HLV tuyển Bỉ và Everton khi đội bóng vùng Merseyside cần người vào tháng Một, và đương nhiên bị RBFA từ chối. Ngoài Everton, Martinez còn từng nhận được những lời đề nghị từ Aston Villa, Newcastle và thậm chí cả Barca.

Đoạn cuối triều đại của Martinez cũng là sự đi xuống về phong độ của những Alderweireld, Vertonghen và Hazard, sau khi đội bóng này đã tạm biệt Kompany và Marouane Fellaini. Ở độ tuổi 27,8, Bỉ có đội hình già thứ năm tại World Cup và thường xuyên phụ thuộc vào phong độ của các trụ cột trên 30 tuổi. Những ngôi sao trẻ dường như chỉ có mặt trên tuyển cho đủ quân số, bất chấp họ thể hiện phong độ tốt ra sao trên sân tập và các trận giao hữu.

Ở Euro 2024, dàn cựu binh Alderweireld, Vertonghen, Witsel và Mertens sẽ khó có thể tiếp tục đại diện cho tuyển Bỉ. Hazard đang cân nhắc tương lai, trong khi Courtois và Lukaku gần như chắc chắn sẽ tiếp tục ra sân. Ngay cả khi "thế hệ vàng" dần lùi vào sau tấm màn nhung, hàng tấn công "Quỷ Đỏ" vẫn có những cái tên sáng giá như De Ketelaere, Openda hay Doku. Nhưng ở hàng thủ, những cái tên như Arthur Theate hay Wout Faes vẫn chưa thể hiện bản thân ở đẳng cấp cao nhất, buộc Martinez phải tiếp tục tin dùng những lão tướng Alderweireld và Vertonghen.

De Ketelaere và De Bruyne sẽ là những rường cột để tuyển Bỉ chuyển giao thế hệ sau thất bại tại World Cup 2022. Ảnh: AP

Ngôi sao lớn nhất De Bruyne nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục hành trình cùng tuyển Bỉ, nhưng anh sẽ bước sang tuổi 35 ở World Cup kế tiếp. Nếu De Bruyne xem 2018 là cơ hội tốt nhất để anh nâng cup cùng tuyển Bỉ, thì cơ hội của anh sau giải đấu trên đất Nga tám năm dường như xa vạn dặm. Sau thất bại tại Qatar, De Bruyne dường như cũng cam chịu số phận. Anh trở về Anh, thoải mái xem con trai chơi giải U7 một cách vô lo vô nghĩ.

Cơn ác mộng tại Qatar ngỡ như đã ở rất xa, nhưng chắc chắn với những người đã sống qua chuỗi ngày căng thẳng và thất bại đó, dư vị đắng ngắt của nó vẫn lẩn quất trên đầu môi.

Thịnh Joey (theo The Athletic)