"Đã có xô xát giữa một số nhóm", người phát ngôn quân đội Áo Michael Bauer ngày 11/2 nói với AFP nhưng không nêu chi tiết.
Theo Bauer, Đơn vị Ứng phó Thiên tai được quân đội Áo cử đến vùng động đất Thổ Nhĩ Kỳ đã tạm dừng các hoạt động cứu hộ vì "tình hình an ninh" xấu đi. Nhóm cứu hộ của Áo gồm 82 quân nhân đang tập trung tại một trại dã chiến trong tỉnh Hatay cùng các đoàn quốc tế khác để chờ chỉ thị mới.
Nhóm đến tỉnh Hatay vào ngày 7/2, một ngày sau khi khu vực đông nam Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra động đất mạnh 7,8 độ. Họ mang theo khoảng 45 tấn trang thiết bị và phối hợp giải cứu được 9 người sống sót dưới đống đổ nát. Giới chức Áo đang xem xét thời điểm phù hợp để đưa họ về nước.
Cơ quan Cứu trợ Kỹ thuật Liên bang Đức (TSW) và ISAR Germany, tổ chức phi chính phủ chuyên hỗ trợ nạn nhân trong các thảm họa thiên nhiên, cũng có quyêt định tương tự.
"Vài giờ gần đây, tình hình an ninh ở tỉnh Hatay có thay đổi", theo Stefan Heine, người phát ngôn ISAR Germany. "Ngày càng có nhiều thông tin về các cuộc đụng độ giữa các phe phái, và đã có tiếng súng". Các nhóm của Đức "đang ở lại khu vực chung", sẽ tiếp tục hoạt động khi các cơ quan bảo vệ dân sự Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá "tình hình đủ an toàn".
Cũng trong ngày 11/2, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đến thành phố Aleppo của Syria, nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của trận động đất. Hãng thông tấn SANA cho biết ông Tedros đã thăm một số bệnh viện và trại lánh nạn cùng Bộ trưởng Y tế Syria và thống đốc Aleppo.
Phó tổng thư ký Liên Hợp Quốc Martin Griffins, phụ trách các vấn đề nhân đạo kiêm điều phối viên cứu trợ khẩn cấp, cùng ngày có chuyến thị sát thiệt hại ở tỉnh Kahramanmaras của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Griffins nhận định trận động đất hôm 6/2 là thảm họa "nghiêm trọng nhất trong 100 năm qua ở khu vực", đồng thời đánh giá Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực "phi thường" trong ứng phó hậu quả.
Các quan chức và nhân viên y tế hôm nay cho biết 20.665 người chết ở Thổ Nhĩ Kỳ và 3.553 người thiệt mạng ở Syria sau trận động đất, nâng tổng số nạn nhân lên 24.218.
Hàng chục quốc gia đã hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria ứng phó hậu quả. Hơn 160.000 nhân viên đang tham gia chiến dịch tìm kiếm cứu hộ. Họ làm việc cả ngày lẫn đêm tại hàng nghìn đống đổ nát để tìm kiếm người sống sót, thường xuyên kêu gọi mọi người im lặng để tìm kiếm âm thanh của sự sống dưới các đống bê tông.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 10/2 thừa nhận phản ứng của các đội tìm kiếm và cứu nạn đối với trận động đất không nhanh như chính phủ mong muốn. Ông cho biết nạn hôi của các cửa hàng đã xuất hiện tại một số khu vực và tuyên bố sẽ mạnh tay xử lý các trường hợp này.
Thanh Danh (Theo AFP, Reuters)