Có thể tin tưởng Văn Thanh – Hồng Duy?
Có một sự thật không thể chối cãi là Trọng Hoàng và Văn Hậu đã trở thành cặp đôi hậu vệ biên số một của Việt Nam dưới thời HLV Park trong cách sử dụng sơ đồ ba trung vệ. Ở một vai trò yêu cầu rất cao, cả hai đều cho thấy sự toàn diện - từ sức bền, sức mạnh tới khả năng đóng góp trong cả tấn công lẫn phòng ngự. Trong hành trình lên ngôi tại AFF Cup 2018, dấu ấn của cặp đôi này được thể hiện rõ nét. Trọng Hoàng và Văn Hậu đá chính 7 trong 8 trận, không chỉ mang đến sự chắc chắn trong phòng ngự, mà còn tạo ra những khoảnh khắc bùng nổ khi tấn công.
Chấn thương dài hạn của họ trong năm 2021 là tổn thất lớn, ảnh hưởng tới những tính toán của HLV Park, điều đã ít nhiều được nhận thấy trong chuỗi trận đấu tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 - khu vực châu Á.
Trong chín trận chính thức ở năm 2021, HLV Park đã phải sử dụng tới năm sự lựa chọn khác nhau ở hai hành lang cánh. Trọng Hoàng và Văn Hậu chỉ cùng nhau sát cánh hai trong chín trận đấu ấy, trước khi lần lượt chia tay đội tuyển. Với bốn lần đá chính, Văn Thanh và Hồng Duy đang trở thành sự lựa chọn thay thế của HLV Park. Nhưng trên thực tế, những màn trình diễn gần nhất của cặp đôi thuộc biên chế HAGL không thực sự thuyết phục. Đó là một phần lí do trong danh sách sơ bộ 30 cầu thủ Việt Nam có mặt tại Singapore, HLV Park điền tên tới sáu cầu thủ chơi ở vị trí hậu vệ biên. Ngoài cặp đôi kể trên, còn có bốn phương án khác là Lê Văn Xuân, Đỗ Thanh Thịnh, Phạm Xuân Mạnh và Hồ Tấn Tài.
Hai năm trước tại AFF Cup, Việt Nam tham dự giải đấu chỉ với Văn Hậu, Trọng Hoàng và Hồng Duy là những người có sở trường đá hậu vệ biên.
So với Văn Hậu, Hồng Duy kém cạnh hoàn toàn về sức mạnh thể chất và khả năng tranh chấp. Bản thân cầu thủ sinh năm 1996 cũng không phải người có kĩ năng phòng ngự cá nhân thực sự xuất sắc, và thường hụt hơi trong các tình huống đối đầu trực tiếp, đặc biệt là những đối thủ tốc độ và sức mạnh.
Xét các trận đấu trong năm 2021, tỷ lệ tranh chấp thành công của Hồng Duy là 53%, trong khi con số của Văn Hậu là 61%. Văn Hậu, với sức mạnh thể chất, cũng thắng trong 58% số lần tranh chấp bóng bổng, còn Hồng Duy là 40%.
Khả năng tham gia tấn công của Hồng Duy cũng có những nét khác biệt với Văn Hậu, điều ít nhiều tạo ra ảnh hưởng trong lối chơi của Việt Nam. Văn Hậu luôn sẵn sàng chọn các vị trí cao, nhận bóng sát đường biên và có các pha bóng xử lý nhanh, đột biến khi tấn công. Trong khi đó, Hồng Duy không có xu hướng chơi như một cầu thủ bám biên thuần tuý, với thói quen xuất phát và di chuyển vào trung lộ nhiều hơn.
Việc các cầu thủ chơi biên di chuyển vào trung lộ là điều không mới, nhưng trong sơ đồ ba trung vệ của Việt Nam, cùng những cầu thủ tấn công trung lộ xuất sắc, sẽ chơi hiệu quả và cân bằng hơn với hai cầu thủ chạy biên chơi cao, rộng và sẵn sàng tăng tốc dọc hành lang cánh - kiểu như Văn Hậu.
Thay cho việc tạo ra một lối chơi tốc độ ở hành lang cánh trái với Văn Hậu, Việt Nam thường có những lựa chọn mang tính kiểm soát nhiều hơn khi Hồng Duy thi đấu, với thói quen bó vào khu vực trung lộ và xu hướng chơi bóng ở cự ly ngắn – trung bình của cầu thủ HAGL.
Nếu so sánh vị trí các đường chuyền của hai cầu thủ này ở lần lượt hai trận đấu gặp Indonesia và Malaysia tại vòng loại thứ 2 World Cup hồi tháng 6, có thể hình dung ra sự khác biệt trong phong cách tấn công mà Việt Nam tạo ra. Hồng Duy hiếm khi tăng tốc xuống sâu đáy biên, thực hiện các tình huống tạt bóng như Văn Hậu.
Cho đến hiện tại, những Văn Xuân hay Thanh Thịnh vẫn chưa được trao cơ hội tại ĐTQG. Họ đều là những mẫu cầu thủ chơi bám biên và sẵn sàng dâng cao tấn công khi cần. Nhiều khả năng hai cầu thủ này sẽ tạo ra những sự cạnh tranh lớn với Hồng Duy cho vị trí ở hành lang cánh trái của ĐT Việt Nam tại AFF Cup lần này. Dù vậy, khoảng trống mà Văn Hậu để lại khó lòng có thể khoả lấp.
Điều tương tự cũng diễn ra ở hành lang đối diện. Văn Thanh trong vai trò thay thế Trọng Hoàng đã có những màn thể hiện không tồi, nhưng đó là một Văn Thanh tròn vai và đảm bảo được sự chắc chắn. Yếu tố bùng nổ và những pha tăng tốc dường như chưa thể trở lại với cầu thủ sinh năm 1996. Bên cạnh đó, cái tên tiềm năng Hồ Tấn Tài đã có những trận đấu đầu tiên tại ĐTQG, những trận đấu mà cầu thủ thuộc biên chế Bình Định cho thấy sự đột biến ở khả năng di chuyển không bóng và tấn công vòng cấm địa đối phương.
Nhưng vấn đề của Tấn Tài lại đến từ khả năng duy trì sự điềm tĩnh, khả năng kiểm soát bóng trước áp lực và yếu tố già dơ ở các tình huống phòng ngự cá nhân. Lựa chọn còn lại trong tay HLV Park là Xuân Mạnh cũng không thể mang đến hình ảnh toàn diện như Trọng Hoàng. Cầu thủ của SLNA chơi bền bỉ, có sức bền tốt, nhưng không quá hiệu quả khi tham gia tấn công.
Nhiều khả năng, phương án mà HLV Park lựa chọn sẽ là liệu cơm gắp mắm. Khi không có một cặp đôi hậu vệ biên toàn diện và ổn định, chiến lược gia người Hàn Quốc cần tính toán trên phương diện phân tích đối thủ để khai thác tốt nhất điểm mạnh của mỗi cá nhân trong tay mình.
Cơ hội cho Thành Chung
Không chỉ từ vị trí của các hậu vệ biên, hàng thủ của Việt Nam có lẽ cũng sẽ không còn được duy trì một cách tối đa như tại AFF Cup 2018 – giải đấu bộ ba Duy Mạnh, Đình Trọng, Ngọc Hải đã đá chính ở toàn bộ các trận đấu.
Hiện tại, Đình Trọng chưa thể trở lại thể trạng tốt nhất khi liên tiếp bị ảnh hưởng bởi các chấn thương, trong khi trung vệ Bùi Tiến Dũng cũng đang cho thấy dấu hiệu thiếu sẵn sàng ở giai đoạn gần đây, với chỉ một lần duy nhất đá trọn vẹn trận đấu tại vòng loại thứ 3 World Cup. Trong bối cảnh ấy, cơ hội cho trung vệ sinh năm 1997 Nguyễn Thành Chung xuất hiện. Thực tế, màn trình diễn của cầu thủ Hà Nội là không hề tồi.
Ở vai trò trung vệ lệch trái trong hàng thủ ba người, Thành Chung phát huy đúng sở trường của mình ở những tình huống phòng ngự khoảng trống trước mặt, với khả năng chơi quyết liệt, mạnh mẽ và không ngại gây khó dễ cho cầu thủ nhận bóng của đối phương. Phong cách chơi của trung vệ sinh năm 1997 là tương đối khác so với Tiến Dũng, một người chơi điềm tĩnh hơn, thường đưa ra quyết định phòng ngự khi đối thủ đã kiểm soát bóng trong chân.
Duy trì sự ổn định ở vị trí ba trung vệ luôn là ưu tiên số một của HLV Park. Trong quãng thời gian chiến lược gia Hàn Quốc làm việc tại Việt Nam, có thể nói hiếm có nhân tố mới nào có thể chen chân chiếm vị trí của nhóm bốn cầu thủ Duy Mạnh, Đình Trọng, Ngọc Hải, Tiến Dũng. Đó là điều Thành Chung hoàn toàn có thể thực hiện vào lúc này, trong bối cảnh Tiến Dũng đang không đạt phong độ cao, còn bản thân cầu thủ này đều chơi ấn tượng mỗi lần được tin tưởng ở đội hình xuất phát.
Lựa chọn cho vị trí tiền vệ trung tâm
Nếu như hàng phòng ngự mang đến cho HLV Park những vấn đề lớn cần giải quyết, thì chắc hẳn chiến lược gia người Hàn Quốc đã phần nào yên tâm về những sự lựa chọn ở tuyến giữa. Hùng Dũng không thể dự giải vì trục trặc giấy tờ, nhưng thực tế, tại AFF Cup 2018, anh cũng đã không đá chính trong ba trận đấu đầu tiên tại vòng bảng.
Ở một giải đấu cấp độ khu vực, và đặc biệt với thể thức tổ chức lượt đi lượt về kể từ vòng bán kết, có thể nhận thấy rõ thói quen và ý đồ tạo ra những sự kết hợp khác nhau ở tuyến giữa của HLV Park. AFF Cup 2018 chứng kiến Việt Nam sử dụng tới năm cặp tiền vệ trung tâm trong sơ đồ 3-4-3. Đó có thể là Xuân Trường và Quang Hải trong các trận đấu chúng ta cần kiểm soát và áp đặt, đó có thể là Đức Huy – Hùng Dũng hoặc Đức Huy – Huy Hùng trong các trận cầu căng thẳng.
Hiện tại, Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng hai sơ đồ chiến thuật khác nhau, cùng với những nhân tố đang có phong độ cao. Không chỉ là hệ thống 3-4-3, HLV Park có thể nói là đã thành công trong việc hoàn thiện sơ đồ 3-5-2 – hệ thống chiến thuật không chỉ cho thấy sự phù hợp với các tiền vệ trung tâm có phong độ tốt nhất hiện tại, mà còn khiến các cầu thủ tấn công thoải mái hơn trong thói quen thi đấu.
Với một Hoàng Đức đang đạt phong độ rất cao, cùng sự ổn định của Quang Hải, người hâm mộ Việt Nam có thể yên tâm không chỉ ở khả năng áp đặt, mà còn là tính tranh chấp, khả năng thu hồi bóng, khi trong tay HLV Park có ba tiền vệ trụ tương ứng với những yêu cầu thế trận khác nhau là Tuấn Anh, Đức Huy và Xuân Trường. Trong hệ thống 3-5-2 ấy, Tiến Linh có thể chơi thoải mái hơn khi có một đối tác thường xuyên hoạt động xung quanh, thu hút sự chú ý, để trung phong này khai thác các tình huống băng cắt hoặc xâm nhập khu vực cấm địa. Bên cạnh đó, những nhân tố như Minh Vương, Văn Đức hay Văn Toàn cũng hoàn toàn đủ khả năng để tạo ra sự khác biệt, nếu nhìn vào những gì họ đã làm được trong các trận đấu trong năm 2021.
Ở một góc nhìn tổng thể, HLV Park có thể yên tâm với những sự lựa chọn hiện tại ở hàng tiền vệ và tiền đạo của Việt Nam, khi những cầu thủ tấn công đều đang giữ được một phong độ ổn định trước thềm AFF Cup. Bài toán cho chiến lược gia Hàn Quốc sẽ là việc tính toán và sử dụng nhân sự một cách phù hợp ở hàng thủ năm người.
Duy trì một hàng thủ chắc chắn là công thức thành công cho một nhà vô địch, Việt Nam hẳn là những người hiểu điều này hơn ai hết.
Thành Vũ