Website Research.com, cổng thông tin điện tử uy tín dành cho các nhà khoa học thế giới, vừa công bố kết quả xếp hạng các nhà khoa học có thành tích xuất sắc trong công bố khoa học năm 2023. Đây là năm thứ hai bảng xếp hạng "Best Rising Stars of Science in the World" được công bố. Bảng xếp hạng gồm danh sách 1.000 nhà khoa học hàng đầu từ tất cả lĩnh vực nghiên cứu chính, trong đó thống kê chỉ xét người có công bố đầu tiên trong 12 năm trở lại đây.
Trong số 7 nhà khoa học đang làm việc tại Việt Nam có tên, 5 người trong nước và 2 người nước ngoài, gồm: GS.TS Trần Xuân Bách (Đại học Y Hà Nội, xếp hạng 2 thế giới); TS Trần Nguyễn Hải (trường Đại học Duy Tân, xếp hạng 603), TS Thái Hoàng Chiến (trường Đại học Tôn Đức Thắng, xếp hạng 621), TS Phùng Văn Phúc (Đại học Công nghệ TP HCM, xếp hạng 762) và TS Hoàng Nhật Đức (trường Đại học Duy Tân, xếp hạng 968).
Theo danh sách, GS.TS Trần Xuân Bách, Đại học Y Hà Nội, là nhà khoa học của Việt Nam duy nhất có mặt trong top 10 nhà khoa học đầu bảng (xếp hạng 2, tăng một bậc so với năm 2022), lĩnh vực Y học cộng đồng. Năm 2016, Trần Xuân Bách trở thành Phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam ở tuổi 32. Năm 2015, anh được Trung tâm nghiên cứu AIDS, Đại học Johns Hopkins (Mỹ) trao giải thưởng Nghiên cứu quốc tế về lâm sàng và dự phòng. Anh được nhận giải thưởng Noam Chomsky - Giải thưởng về Thành tựu trong nghiên cứu 2020. PGS-TS Trần Xuân Bách đạt tiêu chuẩn công nhận chức danh giáo sư ngành y học và là 1 trong 3 người trẻ nhất được công nhận chức danh giáo sư năm nay. Anh cũng là nhà khoa học trong top 1% được trích dẫn nhiều nhất của Clarivate năm 2023.
TS Phùng Văn Phúc, Đại học Công nghệ TP HCM là nhà khoa học Việt quen thuộc trong các bảng xếp hạng thế giới. Anh có 5 năm liền vào danh sách 100.000 nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới, đồng thời hai năm liên tiếp được gắn huy hiệu "Rising Star" - ngôi sao đang lên của khoa học năm 2022, 2023. TS Phúc công bố hơn 60 công trình khoa học trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI với những nghiên cứu thuộc lĩnh vực Kỹ thuật cơ khí và Hàng không vũ trụ.
TS Hoàng Nhật Đức, trường Đại học Duy Tân, công bố hơn 140 công trình, bài báo trên các tạp chí trong và ngoài nước, trong đó nhiều công trình thuộc danh mục ISI. TS Đức nhiều năm liền có mặt trong danh sách top 10.000 nhà khoa học xuất sắc của thế giới năm 2021, 2022.
TS Thái Hoàng Chiến, trường Đại học Tôn Đức Thắng, là một trong những gương mặt bền bỉ góp mặt trong danh sách 100.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới. Anh là thành viên của nhóm nghiên cứu Cơ học tính toán (DCM), một trong những nhóm nghiên cứu đầu tiên tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng. TS Chiến công bố gần 100 công trình nghiên cứu, trong đó có nhiều công trình trên các tạp chí ISI.
TS Trần Nguyễn Hải, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Cơ bản & Ứng dụng (IFAS), trường Đại học Duy Tân. 4 năm liên tiếp, TS Hải được ghi nhận trong danh sách 100.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới, sở hữu nhiều bài báo khoa học công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín với chỉ số trích dẫn cao. Số lượng các bài báo thuộc hạng Q1 của TS Hải trong lĩnh vực Khoa học Môi trường theo WoS chiếm trên 70% và chỉ số trích dẫn hơn 8.500 lần (theo cơ sở dữ liệu của Google Scholar). Anh là một trong 10 gương mặt tài năng trẻ được trao giải thưởng Quả cầu vàng khoa học công nghệ năm 2019. Hiện anh là thành viên Ban biên tập cho 12 tạp chí quốc tế chuẩn ISI và tham gia phản biện cho hơn 100 tạp chí quốc tế uy tín.
So với năm 2022, danh sách này có số lượng nhà khoa học người Việt tăng thêm 2 và có 3 gương mặt mới (gồm TS Trần Nguyễn Hải, TS Thái Hoàng Chiến và TS Hoàng Nhật Đức). Có hai nhà khoa học là người nước ngoài gồm Hossein Moayedi (trường Đại học Duy Tân, xếp hạng 306); Mohammad Ghalambaz (Trường Đại học Tôn Đức Thắng, xếp hạng 337).
Trung Quốc là quốc gia có nhiều nhà khoa học nhất (353), sau đó là Mỹ (171), một số quốc gia khác như Iran (51), Anh (40), Australia (48), Đức (27), Singapore (26), Hàn Quốc (15). Người dẫn đầu bảng xếp hạng là Mohsen Sheikholeslami (Iran). Top 10 nhà khoa học dẫn đầu đến từ các quốc gia: Trung Quốc (5), Mỹ, Việt Nam, Italy, Iran, Pakistan (1).
Tiêu chí để một nhà khoa học được đánh giá trong bảng xếp hạng toàn cầu dựa trên chỉ số General H-index (chỉ số đánh giá trên cơ sở các bài báo khoa học và giá trị trích dẫn trên tất cả các chuyên ngành), tỷ lệ đóng góp trong lĩnh vực nhất định, bên cạnh các giải thưởng và thành tựu của họ.
Ở đợt xếp hạng lần này, Research.com xem xét dữ liệu của 166.880 nhà khoa, có năng suất công bố và trích dẫn hàng đầu thế giới, sử dụng dữ liệu từ Google Scholar và Microsoft Academic Graph. Chỉ 1.000 nhà khoa học hàng đầu có chỉ số H cao nhất mới được đưa vào bảng xếp hạng. Research.com cho biết vị trí xếp hạng không phải là thước đo tuyệt đối để định lượng sự đóng góp của các nhà khoa học. Họ đối chiếu chéo và kiểm định từng nhà khoa học thông qua một số tiêu chí phụ khác như số lượng công bố tại các tạp chí lớn, kỷ yếu hội nghị để xem xét các tác động của họ trong một số chuyên ngành nhất định.
Microsoft Academic Graph (MAG) là dịch vụ miễn phí hoạt động tương tự như các nền tảng trả phí như Scopus, Dimensions và Web of Science, song đã ngừng hoạt động vào cuối năm 2021. Research.com nhìn nhận, MAG vẫn là một trong những cơ sở dữ liệu nổi bật và vững chắc hiện có trong cộng đồng khoa học để tiến hành nghiên cứu và xây dựng các công cụ khoa học.
Như Quỳnh