Ngày 6/7, tại Hà Nội, Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan giai đoạn 2 (IPP2) - Chương trình hợp tác phát triển giữa do Bộ Ngoại giao Phần Lan và Bộ Khoa học và Công nghệ tổng kết sau bốn năm hoạt động. Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đã chia sẻ cách đi đến thành công.
Anh Đặng Thành Trung, đồng sáng lập ezCloud cho biết, từ năm 2013 ezCloud được thành lập bởi sáu người với khát vọng đưa sản phẩm công nghệ là phần mềm quản lý cho các nhà hàng, khách sạn dựa trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây.
Có ý tưởng, khảo sát thấy rõ nhu cầu thị trường triển vọng, kỹ thuật có thể đáp ứng nhưng ezCloud gặp nhiều khó khăn. Không chỉ thiếu tiền, ezCloud không biết những bước đi cần thiết của một sản phẩm công nghệ ra thị trường.
Tình cờ biết đến dự án IPP2, ezCloud đề xuất và nhận được hỗ trợ 30.000 Euro. Theo anh Trung, đây là số tiền quá lớn cho một startup sáu người, nhưng thực tế thứ mà ezCloud nhận được lớn hơn tiền. Đó là đội ngũ chuyên gia, cố vấn viên giúp startup này hiểu rõ được một sản phẩm ra thị trường thì cần những bước đi thế nào. Các sản phẩm cần hoàn thiện ra sao để đáp ứng yêu cầu người dùng.
Từ chỗ sản phẩm chỉ có vài tính năng đơn giản, không có văn phòng, sau ezCloud đã phát triển được sản phẩm hoàn chỉnh, xây dựng được kế hoạch kinh doanh bài bản. "Hiện sản phẩm của chúng tôi đã vươn ra thị trường quốc tế. EzCloud phát triển được văn phòng ở Hà Nội, Sài Gòn, Nha Trang, Đà Nẵng và Singapore. Nhân sự giờ là 80 người. Doanh số tăng 200%/năm", anh Trung chia sẻ.
Cũng nhận được hỗ trợ từ IPP2, TS Đỗ Hoàng Tùng và nhóm nghiên cứu có cơ hội phát triển sản phẩm công nghệ Plasma lạnh.
TS Tùng cho biết, công nghệ Plasma lạnh được anh bắt tay vào làm từ năm 2013 nhưng sản phẩm ban đầu rất "củ chuối". Dù tạo được dòng Plasma lạnh chạy ổn định nhưng hình thức của thiết bị xấu, chỉ đạt tiêu chuẩn trong phòng thí nghiệm. Từ năm 2015, nhóm nghiên cứu nhận được tài trợ kinh phí từ IPP2. Ngoài tiền, nhóm còn được đưa sang Thái Lan học cách phát triển sản phẩm công nghệ trong lĩnh vực y tế.
"Những bước đi này xưa chúng tôi không biết đến. Giờ thì sản phẩm đã được Bộ Y tế cấp phép và thương mại hóa rộng trên thị trường, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới ứng dụng thành công công nghệ Plasma lạnh trong điều trị giúp cho vết mổ của bệnh nhân bớt đau, không bị nhiễm trùng", TS Tùng nói.
Theo anh, với các startup còn non trẻ, tiền chỉ là yếu tố cần. Để sản phẩm công nghệ ra được thị trường còn là kỹ năng vận hành doanh nghiệp, cách thức để sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực tế...
IPP2 là chương trình sử dụng vốn vay không hoàn lại (ODA) tiên phong thử nghiệm ở Việt Nam trong hỗ trợ xây dựng chính sách, đào tạo và xây dựng năng lực, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Với 11 triệu Euro, thực hiện từ năm 2014 đến 2018, IPP2 đã cung cấp các hỗ trợ tài chính và tư vấn, đào tạo cho 35 dự án khởi nghiệp, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, dự án hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
Theo Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, thành công của các dự án doanh nghiệp khởi nghiệp và hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp được IPP2 hỗ trợ đã khẳng định được uy tín và vị thế của sản phẩm, dịch vụ sáng tạo của Việt Nam trên thị trường trong nước và thế giới. Điều này minh chứng sự phù hợp của các mô hình mới, tiên phong về hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của IPP2 đối với Việt Nam.
Ông cũng cho rằng bài học kinh nghiệm và mô hình đã được xây dựng có thể giúp các tổ chức, địa phương nghiên cứu, vận dụng trong hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo của đơn vị mình.
Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các bộ chức năng hoàn thiện hành lang pháp lý và các cơ chế, chính sách cần thiết hỗ trợ cho hoạt động và đầu tư cho khởi nghiệp. Nhiều chương trình, dự án hỗ trợ đổi mới sáng tạo cấp trung ương và địa phương đã được khởi động để thúc đẩy hoạt động ươm tạo, đào tạo và tư vấn khởi nghiệp, thương mại hóa công nghệ, tài trợ và hỗ trợ vốn vay cho các doanh nghiệp.
Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 xác định sẽ hỗ trợ phát triển 2.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và 600 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan giai đoạn 2 (IPP2) được Chính phủ Phần Lan và Việt Nam đồng tài trợ (thông qua Bộ Ngoại giao Phần Lan và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam) với ngân sách 11 triệu Euro và thực hiện trong bốn năm (2014-2018). IPP2 đã cung cấp các hỗ trợ tài chính và tư vấn, đào tạo cho 35 dự án khởi nghiệp, dự án phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, dự án hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học. IPP2 đã đưa các chuyên gia quốc tế giàu kinh nghiệm tham gia tư vấn, soạn thảo chính sách có tác động lớn trong dài hạn như Chương trình 844 Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia đến năm 2015; Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi; Tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn nâng cao năng lực cho gần 100 cán bộ hoạch định chính sách về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam. IPP2 đã thực hiện nhiều hoạt động xây dựng năng lực khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo theo tiêu chuẩn quốc tế cho các cá nhân, tổ chức và trường đại học tại Việt Nam. IPP2 đã thiết kế Chương trình đào tạo khung theo chuẩn quốc tế, thử nghiệm đào tạo và cấp chứng chỉ cho 12 chuyên gia tư vấn về khởi nghiệp và hơn 150 giảng viên nguồn về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo từ 50 trường đại học và tổ chức giáo dục trên toàn quốc. |