Ngày 25/5, Công an TP Hà Nội đưa ra 21 yêu cầu đối với Ban quản lý, chủ (người đại diện) khu nhà ở kết hợp nhiều căn hộ (chung cư mini) và chủ nhà trọ để đảm bảo phòng cháy chữa cháy.
Cụ thể, chủ trọ cần định kỳ kiểm tra phương tiện phòng cháy, cứu nạn và bảo dưỡng thường xuyên. Xe máy, xe đạp điện để đúng vị trí, không vượt quá số lượng, không để chung với các thiết bị dễ cháy nổ như tủ điện, máy bơm. Các xe không được sắp xếp ở vị trí che khuất phương tiện, dụng cụ phòng cháy chữa cháy, tránh gây cản trở khi có sự cố. Lối thoát phải đảm bảo an toàn và dễ dàng tiếp cận cho tất cả cư dân, người thuê trọ.
Công an yêu cầu chủ trọ không lắp đặt "chuồng cọp", bịt lối thoát nạn; không sắp xếp hàng hóa, vật dụng che chắn, cản trở lối thoát nạn; đồ dùng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy phải đưọc bố trí cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt ít nhất 0,5 m.
Trong nhà trọ, chung cư mini, cần có lối thoát nạn dự phòng, có thể là thang sắt ngoài nhà, thang dây, dây thả chậm, lối lên mái, ra ban công, sân thượng sang nhà liền kề. Khu nhà trọ một tầng cần đảm bảo lối thoát chính ra bên ngoài thông thoáng, không bị cản trở.
Chủ trọ phải tổ chức diễn tập định kỳ, cung cấp hướng dẫn phòng cháy cho tất cả cư dân; trang bị đầu báo cháy tự động tại các tầng, gian, lối đi chung và trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ, các dụng cụ phá dỡ phù hợp với quy mô, đặt ở nơi thuận tiện khi cần sử dụng.
Không sạc điện thoại, máy tính qua đêm
Đối với người thuê trọ, Công an TP Hà Nội đưa ra 19 khuyến cáo. Người thuê cần nắm vững kiến thức cần thiết về phòng cháy và chữa cháy; thường xuyên kiểm tra và bảo dưỡng hệ thống điện, các thiết bị điện định kỳ để tránh nguy cơ chập điện gây cháy hoặc ngắn mạch.
Cơ quan công an khuyến cáo người dân không nên sử dụng nhiều thiết bị điện có công suất lớn vào cùng một ổ cắm; không sạc điện thoại, máy tính, xe đạp điện, xe máy điện qua đêm; trước khi đi ngủ hoặc ra khỏi nhà phải tắt các thiết bị điện không cần thiết.
Người dân cũng cần sử dụng bếp gas đảm bảo chất lượng, không dự trữ xăng dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ và các chất lỏng dễ cháy trong nhà ở; bố trí nơi thờ cúng phù hợp. Chìa khóa phòng phải để nơi dễ lấy và phổ biến cho cả gia đình. Mỗi hộ gia đình nên trang bị bổ sung hệ thống, thiết bị báo cháy tự động, mặt nạ phòng độc, thang dây, ống tụt cứu người.
"Khi có sự cố cháy, nổ xảy ra, người dân cần bình tĩnh xử lý, tìm lối thoát nạn an toàn, đồng thời báo cho mọi người xung quanh để kịp thời ra khỏi khu vực nguy hiểm", công an cảnh báo.
Đối với cháy hộ gia đình có kiểu nhà ống, nhà kín có một lối thoát nạn duy nhất là cửa chính nơi mặt tiền, người dân được khuyến cáo bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho tất cả thành viên trong gia đình biết để mau chóng di chuyển ra ngoài, đến nơi an toàn qua cửa chính và lối thoát nạn thứ hai, "tuyệt đối không được núp trong phòng, nhà vệ sinh".
0h30 ngày 24/5, đám cháy bùng lên tại ngôi nhà số 1 ngách 43/98/31 phố Trung Kính, quận Cầu Giấy. Trên khu đất rộng 205 m2 có nhà 2 tầng một tum dành cho 7 người gia đình chủ nhà; khu nhà trọ rộng 100 m2 cao 3 tầng, mỗi tầng 4 phòng, có 17 người đang thuê. Ở giữa hai nhà là khoảng sân rộng 55 m2 để xe máy, xe điện và cũng là cửa hàng mua bán, sửa chữa xe điện của con chủ nhà. Vụ hỏa hoạn làm 14 người tử vong, trong đó 11 người dưới 30 tuổi.