world cup 2022
Thứ ba, 6/12/2022, 11:33 (GMT+7)

11 chỉ số mới lạ ở World Cup 2022

QatarMàn hình các trận ở World Cup 2022 thường hiện lên những thông số trận đấu lần đầu được FIFA đưa vào, để cải thiện trải nghiệm khán giả.

Chỉ số đầu tiên được FIFA giới thiệu về cơ bản không mới, đó là tỷ lệ giữ bóng (possession control). Nhưng điểm mới ở World Cup 2022 là FIFA bổ sung "trạng thái tranh chấp" (in contest) vào chỉ số này. Mỗi khi bóng sống, luôn có ba trạng thái có thể của bóng, đó là do một trong hai đội giữ hoặc không có đội nào giữ.

Chẳng hạn trong hình minh họa trên, Brazil giữ bóng trong 57% thời lượng, Pháp giữ 39%, còn 4% còn lại do hai bên tranh chấp với nhau. Trạng thái tranh chấp được tính trong nhiều trường hợp, chẳng hạn như thủ môn Alisson phát bóng lên cho tiền đạo Richarlison tranh bóng bổng với trung vệ Raphael Varane. Thời điểm một trong hai cầu thủ này chạm bóng sẽ kết thúc trạng thái Brazil có bóng, và mở ra trạng thái tranh chấp. Trạng thái tranh chấp sẽ diễn ra cho đến khi một trong hai đội kiểm soát được bóng.

Bàn thắng kỳ vọng (expected goals hay xG) cũng không phải chỉ số quá mới, khi nó dùng để đo xác suất thành bàn của một pha dứt điểm, dựa trên mô hình thống kê của vô vàn pha dứt điểm và khả năng thành bàn của chúng. Xác suất này tính từ 0 đến 1. xG bằng 0 tức là cú sút ở hoàn cảnh như thế chưa bao giờ thành bàn. Còn xG bằng 1 tức là pha dứt điểm như thế luôn luôn thành bàn. Chẳng hạn lịch sử thống kê cho thấy cứ 10 quả phạt đền được thực hiện, sẽ có bảy bàn được ghi, vì thế xG của một cú sút phạt đền là 0,7.

Các yếu tố được tính đến ở mỗi pha dứt điểm là khoảng cách, góc độ, số cầu thủ đứng giữa bóng và cầu môn, áp lực lên người dứt điểm, bộ phận cơ thể dứt điểm và vị trí thủ môn.

Các giai đoạn chơi bóng (phases of play). Chỉ số này được chia làm hai trạng thái chính là khi đội có bóng (in possession) và khi không có bóng (out of possession). Mỗi trạng thái lại gồm nhiều giai đoạn nhỏ, chẳng hạn có bóng gồm triển khai bóng (build-up), kéo bóng (progression), bóng ở trong 1/3 sân cuối (final third) hay phản công (counter-attack). Không bóng gồm khối cao gây áp lực (high press), khối trung (mid block), khối thấp (low block) hay tranh bóng nhanh ngay khi mất (counter-press).

Việc phân tích tỷ lệ của các giai đoạn chơi bóng cho thấy được lối chơi của từng đội, cũng như cục diện trận đấu. Chẳng hạn Australia dành nhiều thời gian giữ bóng ở 1/3 sân cuối hơn, đồng nghĩa Đan Mạch giữ đội hình ở khối thấp lâu hơn. Nói cách khác, Australia chơi lấn sân hơn còn Đan Mạch phải lùi sâu phòng thủ hơn.

Triển khai bóng lại gồm hai giai đoạn nhỏ, là triển khai bị chống đối (opposed) và không chống đối (unopposed). Điểm khác biệt ở hai giai đoạn này là hành động của đối thủ, rằng liệu họ có dâng khối cao để tranh bóng không. Đội bóng triển khai bị chống đối nhiều chứng tỏ đối thủ cũng thường dâng cao gây áp lực.

Các khối đội hình thường được chia làm ba phần của sân theo chiều dài. Đội dùng khối cao sẽ tranh bóng ngay từ 1/3 sân cuối, khối trung sẽ bắt đầu tranh bóng từ 1/3 sân giữa, còn khối thấp sẽ chỉ bắt đầu tranh bóng từ 1/3 sân đầu. Nếu coi sân bóng chuẩn dài 105 m, 1/3 sân cuối là khoảng sân từ biên ngang bên đối thủ đến 35 m đầu tiên.

Nhận bóng ở 1/3 sân cuối (final third entries) là chỉ số đánh giá cách thức tấn công của một đội bóng, dựa trên số lần và vị trí cầu thủ nhận bóng ở 1/3 sân cuối. Ở khu vực này, FIFA chia làm năm khối nhỏ theo chiều ngang, gồm biên trái (left channel), biên trong trái (left inside channel), trung lộ (central channel), biên trong phải (right inside channel) và biên phải (right channel).

Chẳng hạn, ảnh minh họa trên cho thấy Pháp chủ yếu tấn công biên phải với chín lần nhận bóng ở khu vực này, và tám lần tấn công vào trung lộ. Còn Đức cũng chủ yếu tấn công bên phải, nhưng không đánh được vào trung lộ đối thủ.

Gây áp lực lên đối thủ (pressure on the ball) là khi cầu thủ ở đội phòng ngự thu hẹp khoảng cách giữa họ và cầu thủ đang có bóng, khiến đối phương bị giảm thời gian và các lựa chọn hành động với bóng. Bởi khoảng cách gần hơn có thể giúp cầu thủ ở đội phòng ngự có cơ hội cướp bóng lớn hơn hay khiến đối phương dễ xử lý hỏng hơn. Gây áp lực càng hiệu quả khi cầu thủ tiến đến trước mặt người có bóng, thay vì áp sát sau lưng.

Ảnh trên cho thấy những vị trí chủ yếu mà cầu thủ Argentina tích cực gây áp lực lên đối phương, trong hiệp một một trận nào đó.

Gây áp lực trực tiếp (direct pressure) là hình thức áp sát khó chịu nhất của chỉ số này, khi cầu thủ ở đội phòng ngự tranh bóng trực tiếp với người cầm bóng, với mục đích cướp bóng hoặc ngăn đường chuyền. Đội gây áp lực nhiều nhất ở bốn trận đầu vòng 1/8 là Australia, với 453 lần, trong đó có 64 lần tạo áp lực trực tiếp lên cầu thủ Argentina.

Chỉ số tiếp theo là thời gian thu hồi bóng (ball recovery time) - tức là thời gian cần để một đội giành lại bóng sau khi để mất. Cách tính chỉ số này là thời gian cuối của một giai đoạn đội có bóng, cho đến thời gian đầu của giai đoạn tiếp theo đội giữ bóng. Thời gian đó có thể gồm hai trạng thái là đối thủ có bóng hoặc tranh chấp. Chỉ số này cho thấy một đội thu hồi bóng hiệu quả ra sao.

Ở trận vòng 1/8 giữa Argentina và Australia, thời gian thu hồi bóng trung bình của Argentina là 10,16 giây, so với 13,19 giây của Australia. So với trận Pháp và Australia ở vòng bảng, thời gian thu hồi bóng trung bình của Pháp là 11,18 giây, còn của Australia là 17,66 giây. Nói cách, Australia thu hồi bóng từ Argentina hiệu quả hơn từ Pháp.

Line breaks (chuyền xuyên tuyến). Đường bóng được coi là xuyên tuyến khi bóng đi qua cầu thủ chơi thấp nhất của một tuyến đối thủ. Đường chuyền xuyên tuyến có giá trị nhất chính là khi nó xuyên qua tuyến phòng ngự của đối thủ (defensive line breaks), tăng thêm cơ hội ghi bàn cho đội bóng.

Tuyến (hoặc hàng) là tập hợp những cầu thủ của đối phương làm chung một nhiệm vụ khi đội nhà có bóng. Chẳng hạn các hậu vệ hình thành tuyến phòng thủ, các tiền vệ tạo ra tuyến giữa, hay các tiền đạo tạo thành tuyến công.

Đường xuyên tuyến có thể là bóng bổng (over), bóng sệt (through) hay ngoài tuyến (around) như hình trên.

Đội có chỉ số này ở vòng 1/8 là Argentina với 121 đường chuyền xuyên tuyến, chiếm 19% tổng số đường chuyền thành công của họ. Nhưng đội chuyền nhiều đường xuyên tuyến nguy hiểm nhất là Mỹ với 17 lần đưa bóng ra sau hàng thủ của Hà Lan.

Nhận bóng (receptions) không phải thống kê mới, nhưng FIFA đã áp dụng chi tiết hơn chỉ số này trong các trận ở World Cup 2022, nhấn vào vị trí mà cầu thủ nhận bóng, có thể là giữa tuyến tiền vệ với tuyến thủ của đối phương (between midfield and defensive lines), hoặc sau tuyến thủ của đối phương (behind defensive lines).

Các tiền vệ kiến thiết như Kevin de Bruyne hay Pedri sẽ có xu hướng nhận bóng ở sau tuyến tiền vệ đối phương hơn. Tuy nhiên, cũng có ngoại lệ như trường hợp của tiền đạo Harry Kane ở ảnh trên, khi anh nhiều lần lùi xuống nhận bóng sau tuyến tiền vệ đối thủ để thể hiện khả năng tổ chức tấn công.

Còn các tiền đạo nhanh như Kylian Mbappe hay Vinicius sẽ tìm cách nhận bóng ở sau hàng thủ đối phương nhiều hơn. Các thống kê này được tính cả khi cầu thủ đứng trong hay ngoài các tuyến của đối thủ.

Độ cao hàng thủ và độ dài đội hình (defensive line height and team length). Độ cao hàng thủ là khoảng cách trung bình của hàng thủ so với thủ môn khi có bóng hoặc không có bóng trong một giai đoạn nhất định. Khoảng cách này được tính cụ thể là vị trí cầu thủ thấp nhất ở tuyến phòng ngự cho đến đường biên ngang đội nhà. Thống kê này cho thấy đội bóng phòng thủ sâu thế nào khi không có bóng, và hàng thủ có thể dâng cao đến đâu khi có bóng.

Chẳng hạn ở ảnh minh họa trên, khi đối thủ có bóng ở 1/3 sân cuối, hàng thủ Argentina phòng ngự ở khoảng cách 16 m so với biên ngang, còn Pháp lùi sâu hơn chỉ còn 8 m.

Độ dài đội hình là khoảng cách giữa cầu thủ đứng thấp nhất (không tính thủ môn) và cầu thủ đứng cao nhất. Hai chỉ số này giúp người xem hình dung ra được khối của đội bóng có hình dạng ra sao, và xu hướng phòng ngự hay tấn công của đội như nào.

Khối đội hình (team shape) là chỉ số giúp khán giả hiểu rõ hơn cấu trúc vị trí toàn đội cũng như vai trò của từng cầu thủ. Chẳng hạn sơ đồ chiến thuật của các đội có thể là 4-2-3-1, 4-3-3 hay 3-4-3 trên lý thuyết, nhưng thực tế sơ đồ này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn hoặc thường xuyên thay đổi theo diễn biến trên sân. Khối đội hình là cách xác định vị trí thường xuyên của từng cầu thủ trong suốt 90 phút, cả khi có bóng lẫn không.

Ép đối thủ mất bóng (forced turnovers) là một chỉ số phòng thủ, cho thấy số lần đội phòng ngự cướp được bóng nhờ cách tạo áp lực lên đội tấn công, dù ở bất cứ vị trí nào trên sân. Đội có chỉ số này cao chứng tỏ họ cướp bóng hiệu quả hơn.

Một cầu thủ được tính chỉ số này ở World Cup 2022 là khi anh tạo áp lực lên đối thủ để đội nhà lấy được bóng, chẳng hạn gây sức ép khiến đối thủ chuyền hỏng, tắc bóng hay cắt bóng từ đối thủ. Nhiều cầu thủ có thể tăng chỉ số này trong một hành động đội nhà ép đối thủ mất bóng. Chẳng hạn Frenkie de Jong gây áp lực khiến Christian Pulisic chuyền không tốt và bị Cody Gakpo cắt đường chuyền. De Jong và Gakpo đều được tính chỉ số này, còn Hà Lan chỉ được tính thêm một lần.

Trong bốn trận đầu vòng 1/8 World Cup 2022, Hà Lan đứng đầu về khả năng ép đối thủ mất bóng với 101 lần cướp được từ Mỹ. Bảy đội còn lại đều không vượt quá 80 lần thực hiện.

Ảnh: FIFA