VNExpress

10 dấu ấn tại Euro 2021

Hành động nhấc bỏ hai chai nước ngọt của Ronaldo, đồng đội lập rào quanh Eriksen hay nỗi thất vọng Mbappe... là những điểm nhấn đáng kể ở giải vô địch châu Âu vừa khép lại hôm 11/7.

Trận hay nhất: Pháp 3-3 (pen 4-5) Thuỵ Sĩ

Croatia thua ngược Tây Ban Nha 3-5 cũng là trận cầu hấp dẫn với nhiều bàn thắng và diễn biến bất ngờ. Nhưng hơn hai tiếng đồng hồ so tài giàu kịch tính tới những giây cuối, với sự toả sáng của các cầu thủ vô danh, những khoảnh khắc thiên tài xen lẫn tệ hại của các siêu sao giữa Pháp và Thuỵ Sĩ trên sân National, Bucharest, Romania hôm 28/6 xứng đáng được xem là trận cầu hay nhất tại Euro 2021.

Sommer cản cú đá luân lưu của Mbappe, quyết định phần thắng 5-4 cho Thuỵ Sĩ trước Pháp. Ảnh: PA

Ở đó, Thuỵ Sĩ - đội lách qua khe cửa hẹp với vị trí thứ ba bảng A và bị xem là không có cửa khi đấu nhà ĐKVĐ thế giới Pháp. Nhưng thực tế cho thấy điều ngược lại. Thuỵ Sỹ mở tỷ số nhờ công Haris Seferovic trong hiệp một, nhưng nhận tới ba biến cố chỉ trong năm phút ở hiệp hai. Từ phút 55 đến 59, Ricardo Rodriguez bị thủ môn Hugo Lloris từ chối phạt đền, rồi Karim Benzema ghi liền hai bàn, trong đó có bàn gỡ 1-1 đến sau động tác đỡ bóng đẳng cấp, để giúp Pháp dẫn ngược 2-1. Đến phút 75, siêu phẩm cứa lòng của Paul Pogba tưởng như sẽ dập tắt được ý chí chiến đấu của Thuỵ Sĩ.

Nhưng, Seferovic và Mario Gavranovic lần lượt ghi bàn ở phút 81 và 90 để đưa trận đấu vào hiệp phụ rồi sút luân lưu. Thụy Sĩ đã thua cả ba loạt đá luân lưu trước đây, nhưng lần này các cầu thủ áo trắng sút vào cả năm quả. Để rồi thủ môn Yann Sommer thành người hùng khi đẩy cú đá quyết định của Kylian Mbappe.

Trận nhạt nhất: Anh 0-0 Scotland

Trên hành trình 51 trận đấu của Euro 2021, chỉ hai trận hoà không bàn thắng, đều ở vòng bảng: Tây Ban Nha 0-0 Thuỵ Điển ở lượt đầu bảng E, và Anh 0-0 Scotland ở lượt thứ hai bảng D. Nhưng xét tới diễn biến trận đấu cũng như chênh lệch vị trí trên bảng FIFA - Tây Ban Nha hơn Thuỵ Điển 12 bậc, còn Anh hơn Scotland tận 40 bậc, 90 phút của Anh ở Wembley... nhạt hơn.

Stones đánh đầu dội cột dọc Scotland ở phút 12 trận đấu trên sân Wembley hôm 18/6. Ảnh: PA

Cả trận, đội chủ nhà chỉ có đúng hai cơ hội, đều thuộc về các hậu vệ. Đầu hiệp một, John Stones bật cao đánh đầu đưa bóng dội cột dọc. Đầu hiệp hai, Reece James sút quyết đoán từ sát mép vòng cấm, nhưng bóng đi vọt xà ngang khung thành thủ môn David Marshall. Ngôi sao lớn nhất Harry Kane bị thay ra từ phút 74. Scotland thậm chí còn dứt điểm nhiều hơn (11 - 9), nhưng bất lực trong việc tìm đường vào cầu môn đội láng giềng.

Pha hỏng ăn vô duyên nhất: Romelu Lukaku trước Italy

Trong trận tứ kết trên sân Allianz, Munich, Đức hôm 2/7, Romelu Lukaku đá phạt đền thành công ở phút bù giờ hiệp một, rút ngắn tỷ số còn 1-2, tái sinh hy vọng cho Bỉ. Nhưng cũng chính tiền đạo cao 1m93 này đã vùi dập hy vọng ấy bằng pha hỏng ăn vô duyên ở phút 61. Anh biến tình huống tưởng ăn chắc bàn trở thành một cơ hội khi xử lý lóng ngóng đường chuyền dọn cỗ của Kevin de Bruyne, để Leonardo Spinazzola phá ra trong cái thở phào nhẹ nhõm của các tuyển thủ Italy đứng gần đó.

Pha hỏng ăn của Lukaku. Ảnh: Reuters

Pha hỏng ăn của Lukaku có thể được xem là bước ngoặt và mang tính biểu tượng cho trận đấu này. Trong khi Italy vẫn là một tập thể đồng đều, tỏ ra không quá phụ thuộc vào bất kỳ cầu thủ nào, Bỉ vắng Eden Hazard, nên gần như trông chờ cả vào hai siêu sao còn lại là De Bruyne và Lukaku. De Bruyne, trong tình trạng thể lực không thật sự sung mãn vì chấn thương tự trận thắng Bồ Đào Nha ở vòng 1/8, ít nhiều vẫn đáp ứng kỳ vọng trong vai trò nhạc trưởng, tạo ra không dưới ba tình huống sóng gió về phía cầu môn Italy. Nhưng Lukaku thì gây thất vọng đúng lúc anh được kỳ vọng nhất.

Cầu thủ ấn tượng nhất: Jorginho

Gianluigi Donnarumma là ngoại hệ hiếm hoi khi một thủ môn được UEFA bầu làm Cầu thủ hay nhất giải, với những pha cứu thua xuất thần. Nhưng đồng đội của anh - Jorginho cũng xứng đáng được tôn vinh. Tiền vệ trung tâm sinh năm 1991 là hạt nhân trong lối chơi thiên về cầm bóng và pressing tầm cao mà Italy theo đuổi suốt ba năm qua, kể từ khi HLV Roberto Mancini tiếp quản đội.

Jorginho sau pha đá luân lưu thành công, giúp Italy vượt qua Tây Ban Nha ở bán kết Euro 2021 trên sân Wembley hôm 6/7. Ảnh: PA

Tại Euro 2021, ngay cả trong trận anh mờ nhạt nhất - bán kết với Tây Ban Nha, Jorginho vẫn là thủ lĩnh của tuyến giữa Italy. Phong thái ấy được thể hiện rõ nhất khi tiền vệ này nhận đá lượt cuối trong loạt luân lưu, và thực hiện thành công bằng động tác nhảy chân sáo và sút nhẹ như đùa, hạ thủ môn Unai Simmon.

Tính cả giải, Jorginho có 25 lần chặn đứng các đợt tấn công của đối phương - một kỷ lục của các VCK Euro, tính từ khi Opta bắt đầu thống kê hạng mục này năm 1980. Vì vai trò quan trọng như thế, nên dù rất chịu khó thay người, HLV Mancini hầu như luôn sử dụng Jorginho. Cả giải, anh chỉ được nghỉ đúng 15 phút cuối trận thắng Xứ Wales 1-0 ở lượt cuối vòng bảng.

Cầu thủ gây thất vọng nhất: Kylian Mbappe

Mbappe được xem là ứng viên sáng giá nhất kế tục Ronaldo, Messi ở vị thế siêu sao số một thế giới bóng đá. Tại Euro 2021, anh là biểu tượng cho một tuyển Pháp - nhà ĐKVĐ thế giới, trẻ trung, lắm nhân tài và không thiếu kinh nghiệm bản lĩnh thi đấu. Nhưng hào quang và những lời tung hô dường như khiến Mbappe mắc bệnh ngôi sao, để rồi đánh mất bản thân, và trở thành hiện thân cho nỗi thất vọng về "Les Bleus" tại giải đấu.

Mbappe buồn sau khi đá hỏng quả luân lưu khiến Pháp bị loại ở vòng 1/8 Euro 2021 trên sân National, Bucharest, Romania hôm 28/6. Ảnh: Reuters

Trước giải, Mbappe gây ồn ào vì cách ứng xử với đàn anh Oliver Giroud. Theo L'Équipe, sự đố kị, cả công khai lẫn ngấm ngầm, của Mbappe với vai trò, tầm ảnh hưởng của một đàn anh khác - Antoine Griezmann - tạo nên mâu thuẫn âm ỉ, thiêu rụi khối đoàn kết nội bộ của tuyển Pháp suốt vài tháng trước Euro. Vào giải, Mbappe gây thất vọng khi không ghi được bàn nào, và đá hỏng quả luân lưu quyết định, khiến Pháp thua Thuỵ Sĩ, dừng bước ở vòng 1/8.

Tập thể gây thất vọng nhất: Ba 'ông lớn' ở Bảng Tử Thần

Anh gây tiếc nuối để vuột chức vô địch dù được đá sáu trong bảy trận trên sân nhà, nhưng họ ít nhất vẫn đi tới trận chung kết và chỉ gục ngã trong loạt luân lưu. Nỗi thất vọng lớn nhất đáng thuộc về Đức - Pháp - Bồ Đào Nha. Cùng nhau vượt qua "Bảng Tử Thần", nhưng cả ba lần lượt đều gục ngã ở vòng 1/8.

Cả Pháp, Đức và Bồ Đào Nha đều sớm bị bật bãi, sau khi chật vật vượt qua bảng đấu tử thần.

Pháp - đội ĐKVĐ thế giới và đương kim Á quân Euro - để Thuỵ Sĩ ngược dòng ở cuối hiệp hai rồi thua trong loạt luân lưu. ĐKVĐ Euro Bồ Đào Nha và Đức - nhà vô địch World Cup 2014 - thì còn thua Bỉ và Anh chỉ trong 90 phút. Thất bại hè này cũng đặt dấu chấm hết cho Cristiano Ronaldo, Pepe (Bồ Đào Nha), Thomas Muller, Mats Hummel (Đức), Olivier Giroud (Pháp)..., những người khó vượt qua gánh nặng tuổi tác để có thể chinh chiến ở Euro 2024.

Bàn thắng đẹp nhất: Patrik Schick vào lưới Scotland

UEFA đưa ra tới 10 phương án cho bình chọn Bàn thắng đẹp nhất giải, với những siêu phẩm của Laurenzo Insigne ( vào lưới Bỉ ở tứ kết), của Paul Pogba ( vào lưới Thuỵ Sĩ ở vòng 1/8), của Mikkel Damsgaard (vào lưới Anh ở bán kết). Nhưng pha ghi bàn kiểu "rót dầu" từ giữa sân của Patrik Schick trong trận CH Czech hạ Scotland 2-0 ở lượt trận mở màn bảng D hôm 14/6 xứng đáng là một trác tuyệt.

Thủ môn Marshall lao về trong tuyệt vọng sau cú sút từ giữa sân của Schick. Ảnh: Telegraph

Phút 52, quan sát thấy Marshall lên cao trong một pha phản công, Schick sút một chạm chân trái từ cự ly 45m. Bóng xoáy vào góc cao khung thành, khiến nỗ lực chạy về của Marshall trở nên vô nghĩa. Trước bàn thua này, Scotland chơi rất tốt và tạo cảm giác có thể sớm gỡ hoà, sau khi để chính Schick mở tỷ số ở cuối hiệp một. Nhưng bàn thắng tuyệt đẹp đã nhận chìm ý chí chiến đấu của Scotland sau đó, khiến họ thúc thủ 0-2.

Theo kết quả bình chọn được UEFA công bố hôm 14/7, với cú "rót dầu" này, Schick đã thắng giải thưởng bàn thắng đẹp nhất Euro 2021.

Khoảnh khắc xúc động: Cầu thủ Đan Mạch che chắn cho Eriksen

Ngay lượt đầu tiên, Euro 2021 đã chứng kiến cú sốc, khi tiền vệ Đan Mạch Christian Eriksen bị đột quỵ, đổ gục trên sân Parken, Copenhagen ở cuối hiệp một trận đấu Phần Lan hôm 12/6. Ngay khi sự cố xảy ra, các cầu thủ Đan Mạch phản ứng nhanh, giữ không cho đồng đội nuốt lưỡi và hô hấp nhân tạo khi chờ đội ngũ y tế vào cấp cứu.

Nhiều cầu thủ Đan Mạch bật khóc và không dám nhìn khi các bác sĩ cấp cứu cho Eriksen trên sân Parken. Ảnh: Reuters

Sau đó, từ lúc các bác sĩ làm việc cho tới khi Eriksen được đưa khỏi sân tới bệnh viện, các tuyển thủ Đan Mạch đã đứng thành một vòng xung quanh, đảm bảo sự riêng tư cho đồng đội trong thời khắc sinh tử. Eriksen được cứu sống ngay trên sân và bình phục không lâu sau đó, còn Đan Mạch, với khát vọng chiến đấu thay cho phần của đồng đội kém may mắn, gây bất ngờ khi lách qua khe cửa hẹp ở vòng bảng rồi vào tới bán kết.

Quyết định tranh cãi nhất: Quả phạt đền của Sterling trước Đan Mạch

Phút 102 trận bán kết tại Wembley, trọng tài Hà Lan Danny Makkelie cắt còi cho chủ nhà Anh hưởng phạt đền sau khi Raheem Sterling va chạm với Joakim Maehle trong 16m50 Đan Mạch. Bất chấp sự phản đối của phía Đan Mạch, Makkelie vẫn bảo lưu quyết định và thậm chí, không tham khảo VAR. Harry Kane bị thủ môn Kasper Schmeichel cản được cú đá đầu, nhưng ập vào đá bồi thành công, ấn định thắng lợi 2-1 cùng suất vào chung kết cho tuyển Anh.

Quả phạt đền sau pha ngã của Sterling tạo bước ngoặt, giúp Anh hạ Đan Mạch 2-1 ở hiệp phụ bán kết hôm 7/7. Ảnh: Reuters

Quyết định này gây tranh cãi dữ dội. Nhiều CĐV cho rằng tác động của Maehle không đủ mạnh, và Sterling cố tình ngã trong vòng cấm. Hơn nữa, trên sân có hai quả bóng khi tiền đạo Anh đột phá vào khu vực cấm địa của Đan Mạch, nhưng trọng tài Makkelie không dừng trận đấu. Ngay cả các HLV lừng danh như Arsene Wenger, Jose Mourinho cũng cho rằng pha bóng không đáng phạt đền. Báo chí Đan Mạch thì xem quyết định của Makkelie là một vết nhơ của giải đấu.

Hàng động gây ảnh hưởng lớn nhất: Ronaldo nhấc bỏ hai chai nước ngọt

Hôm 14/6, trong cuộc họp báo trước trận Bồ Đào Nha - Hungary, khi thấy trên bàn có hai chai Coca-Cola, Cristiano Ronaldo tự tay dẹp bỏ khỏi tầm ngắm của ống kính truyền hình. Sau đó, cầu thủ có hàng trăm triệu người theo dõi trên các mạng xã hội giơ chai nước lọc và nói: "Hãy uống nước lọc". Hành động này của Ronaldo tác động lớn đến ...sàn chứng khoán New York và cả giải đấu. Trong phiên giao dịch hôm 15/6, giá cổ phiếu Coca-Cola giảm từ 56,1 USD xuống 55,22 USD. Trước khi lên 55,44 USD cuối phiên, mức giảm 1,6% khiến giá trị vốn hoá của hãng nước ngọt có gas mất bốn tỷ USD.

Ngay tại Euro, có hai luồng quan điểm về sự việc. Pogba, tuyển thủ Italy Manuel Locatelli thì ủng hộ, nhấc chai bia và nước ngọt trên bàn họp báo ra chỗ khác, trong khi HLV tuyển Nga Stanislav Cherchesov, tuyển thủ Ukraine Andriy Yarmolenko thì thậm chí châm chọc Ronaldo, khui các chai nước uống và mời gọi các nhãn hàng thuê họ quảng cáo. UEFA thì phải nhắc nhở các đội không để cầu thủ nhà có hành động tương tự Ronaldo, Pogba... Sau trận chung kết, trung vệ Italy Leonardo Bonucci gợi lại vụ việc khi lần lượt khui cả chai nước ngọt lẫn chai bia trên bàn họp báo để uống trước ống kính truyền thông.

Nhật Tảo tổng hợp