Gần một tuần đã qua kể từ khi chuyến hành trình định mệnh kết thúc trên biển Cần Giờ (TP HCM), chị Phạm Thị Thu - một trong 21 nạn nhân sóng sót cho biết chưa thoát khỏi ám ảnh về giây phút sinh tử. Những vết trầy trụa trên thân thể sau cuộc vật lộn với sóng dữ đã dần lành, song gương mặt cô gái trẻ vẫn hốc hác, tiều tụy.
"Không đêm nào tôi ngủ được, chỉ mong trời mau sáng. Cứ nhắm mắt vào tôi lại thấy cảnh mình chống chọi với những cơn sóng, thấy những người anh trong đoàn vì cứu mình mà hy sinh", nước mắt lăn dài trên má cô gái 22 tuổi.
Thu bảo, từ nhỏ cô đã sợ nước nên trước chuyến đi cô định ngồi ôtô xuống Vũng Tàu nhưng về sau được mọi người trong đoàn động viên nên đã đổi ý. "Có linh cảm gì đó mà trưa hôm ấy tôi không thể ngủ được. Nhưng lúc đó cứ nghĩ là do mình nôn nao về chuyến đi chơi cùng mọi người", Thu kể.
Chiều 2/8, lúc xuất bến, phải khởi động nhiều lần tàu H29 mới nổ máy. Chạy một đoạn, lái tàu Phạm Duy Phúc bảo hết xăng và ông ấy gọi cho tàu bên kia đang đi cùng viện trợ nhưng cũng không được. Trời bắt đầu đổ mưa lớn. Chạy khoảng 30 phút, cơn sóng mạnh ập tới khiến tàu chao đảo. Mọi người đứng bật dậy, cố gắng kéo thanh cầm phía trên để giữ thăng bằng tàu.
Sau cú đánh thót tim đầu tiên của cơn sóng lớn, cô phải đổi ghế cho anh Sơn to con hơn ngồi đối diện để 2 hàng ghế cân bằng. Nhưng đi một đoạn, tàu như có dấu hiệu sa lầy, không thể di chuyển tiếp dù máy đang nổ. Tàu lại chao đảo nhảy lên xuống, nghiêng qua nghiêng lại khiến mọi người bị say sóng, mệt lả. "Quá hoảng sợ tôi đã khóc thành tiếng. Các anh đi chung liền trêu đùa cho tôi bớt sợ, nhưng tôi biết mọi người cũng bắt đầu lo lắng", Thu cảm nhận.
Anh Đoàn Hồng Thắng liền lấy áo phao để dưới băng ghế và cùng vài anh em khác phát cho mọi người. Nhưng do chỉ có khoảng chục cái nên những thanh niên khỏe mạnh chủ động nhường cho phụ nữ và những người ngồi phía ngoài mặc nhằm tránh nước mưa tạt ướt.
Chạy vài phút, tàu tiếp tục bị sóng đánh lần nữa. Tàu nghiêng nặng sang trái, nước tràn vào và chìm dần nên mọi người hô hoán nhảy ra khỏi tàu. "Tôi bị hất văng xuống biển cách tàu khoảng 5 m. Trong lúc đang hoảng loạn thì có một bàn tay chộp lấy tôi kéo vào. Sau khi định thần lại mới biết anh Hiệp đã cứu mình", Thu nhớ lại.
Khi bám vào được tàu, nhìn xung quanh không thấy chị Phin đâu, cô gào khóc. Hiệp và những thanh niên trong đoàn liền trấn an mọi người rồi bơi ra kéo những người ở xa đưa vào bám mạn tàu. Sau đó, anh Hiệp cùng Biên, Khanh, Trung... dùng dây thừng dài 2 m buộc ở mũi tàu, tạo thành vòng tròn. Mọi người cùng bám một tay vào thành tàu, tay kia nắm chặt lấy nhau để không bị sóng đánh trôi. Những phụ nữ đứng ở giữa trong khi Thu được anh Hiệp chắn sóng trước mặt. Nếu ai bị văng ra, các anh lại thay phiên bơi ra kéo vào.
Đói, khát và lạnh khiến mọi người mệt lả. Nhưng bản năng sinh tồn khiến Thu và mọi người vẫn cố chịu đựng, cầu mong tàu cứu hộ đến sớm sau những cuộc gọi cầu cứu từ chiếc điện thoại duy nhất còn sử dụng được. Hy vọng le lói rồi nhanh chóng vụt tắt khi một chiếc tàu đi ngang, dừng lại lúc rồi đi tiếp. "Chúng tôi đồng thanh hô to, vẫy tay, vẫy áo, thổi còi trên áo phao... nhưng đều vô vọng", Thu nghẹn ngào.
Càng về đêm sóng càng to, mũi tàu càng chìm dần. Mỗi lần sóng ập đến, cô chỉ thấy một khối đen cuồn cuộn lao tới như muốn nuốt chửng mọi người, đánh văng tất cả những người yếu sức. Các nam công nhân lại thay phiên nhau bơi ra, kéo đồng nghiệp vào. Gồng mình chắn sóng và liên tục phải cứu giúp mọi người đã khiến các anh cạn dần sức lực... "Thêm một đợt sóng ập đến, tôi không nhìn thấy anh Sơn, anh Khanh đâu nữa", Thu bật khóc khi nhớ lại.
Nhưng hình ảnh khiến cô đau đáu, day dứt nhất là về anh Hiệp, người luôn kề cận bên cô từ lúc tàu chìm. Sau khi 3 người đầu tiên bị nước cuốn trôi, anh Hiệp cũng kiệt sức, ngất lịm đi. "Thấy anh ấy trôi dạt ra xa, tôi và mọi người với tay níu anh lại nhưng không được. Một con sóng nữa ập tới nhấn chìm anh trong biển đen...", cô gái lại khóc nức nở.
Thu và Hiệp làm chung nhà máy của công ty PV PIPE nhưng khác bộ phận. Hai người quen nhau trong lần đi khám sức khỏe năm trước. Đồng cảm vì cùng quê nên hai người trao đổi số điện thoại. Gần đây Hiệp nhiều lần bày tỏ tình cảm, mọi người trong công ty thấy vậy cũng nói hai người đẹp đôi, nhưng Thu cho biết mình còn trẻ nên chưa sẵn sàng. "Anh ấy là người rất ít nói và hiền lành, sống hòa đồng với mọi người. Tôi rất quý tính anh ấy", cô gái nhỏ nhẹ.
Giống như các đồng nghiệp nữ, cảnh tượng hãi hùng khi giành lại sự sống nhỏ nhoi và cảm giác day dứt khi bất lực nhìn bạn bè ra đi trước mắt khiến anh Đoàn Hồng Thắng không thể nào ngủ được trong những ngày qua.
Theo anh Thắng, lúc rơi xuống biển, đồng nghiệp Hà Tiến Sơn không biết bơi đã bám vào vai anh. Sau đó đến nhiều người khác cũng bấu víu vì anh to cao, khoẻ mạnh. Một tay anh vừa bám vào mũi tàu, tay còn lại nắm lấy Nguyễn Thị Kim Hoàng để cô không bị sóng đánh trôi. Cầm cự được khoảng 2 giờ, tất cả mọi người không còn sức. "Một con sóng ập vào đánh văng tất cả. Ngẩng đầu bơi trở lại, tôi không thấy Sơn và Hoàng đâu nữa", giọng anh Thắng đứt quãng.
Họ làm chung với nhau đã 3 năm, anh Thắng bảo mọi người như anh em, sống rất hòa đồng. Anh Hiệp, Sơn, Biên... đều là những người hay giúp đỡ mọi người. Chứng kiến cảnh các anh chết trước mắt mà bản thân không thể làm gì khiến anh không thôi ám ảnh.
Còn anh Nguyễn Văn Hà, người may mắn sống sót khi bị sóng cuốn lênh đênh 9 giờ trên biển cũng không thể quên những người đồng nghiệp đã ra đi vì dành sức mình nhường cho người khác, trong đó có Hoàng Trung Biên.
"Anh Biên là người sống chung phòng với tôi suốt quá trình làm việc. Anh ấy có bạn gái ở Gò Công (Tiền Giang). Hai người cũng dự định sẽ sớm ra mắt hai gia đình. Hay tin bạn trai gặp nạn, cô ấy bị sốc nặng...", anh Hà nói.
An Nhơn - Nguyễn Loan