Trao đổi với báo chí chiều 19/7 về kế hoạch bảo tồn các di tích trên địa bàn thành phố, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trương Minh Tiến cho biết, đã phối hợp với Sở quy hoạch Kiến trúc lập quy hoạch bảo tồn phát huy giá trị làng cổ Đường Lâm. Hiện quy hoạch đã được trình UBND thành phố. Sau khi được phê duyệt, công tác bảo tồn sẽ theo quy hoạch.
Cơ quan này cũng giới thiệu địa điểm giãn dân hơn 10 ha song người dân chưa đồng thuận vì vị trí chưa phù hợp, chưa thuận lợi cho sinh hoạt, khó liên hệ với nơi ở cũ. Do vậy, ngành văn hóa đã có ý kiến với Sở quy hoạch thay đổi địa điểm này.
Ngành văn hóa Hà Nội cũng đã đề nghị Sở Kế hoạch Đầu tư lập một số dự án chống xuống cấp di tích như đình Cam Thịnh...
Với di tích chùa Một Cột, lãnh đạo Sở này cho hay, đã phối hợp với quận Ba Đình triển khai dự án chống dột ngay sau khi nhà chùa có kiến nghị bảo tồn. Tuy nhiên, kiểm tra mới đây cho thấy chùa vẫn chưa được chống dột triệt để. Còn dự án tu bổ di tích chùa Một Cột đã được trình với Bộ văn hóa để thẩm định.
Theo ông Trương Minh Tiến, Hà Nội có hơn 5.000 di tích lịch sử, trong đó có 600 di tích đã xuống cấp nghiêm trọng, cơ quan văn hóa đã phải thường xuyên nhắc nhở quận huyện trích ngân sách để chống tạm, không để sập đổ.
"Trung bình mỗi di tích tu bổ cần 10 tỷ đồng thì chúng ta cần 6.000 tỷ đồng để bảo tồn, đây là con số rất là lớn. Trong khi đó, mỗi năm Hà Nội chỉ huy động 1.000 tỷ chống xuống cấp", ông Tiến chia sẻ.
Để tìm nguồn vốn tu bổ di tích, Hà Nội đã có Nghị quyết về thu hút xã hội hóa các công trình văn hóa với nhiều ưu đãi doanh nghiệp, cá nhân đầu tư. Ngoài ra, 60 di tích bị hư hỏng nặng sẽ được hỗ trợ theo chương trình mục tiêu quốc gia với kinh phí 304 tỷ đồng (Trung ương hỗ trợ 40 tỷ đồng). Sở sẽ kiến nghị thành phố lập quỹ dự phòng để sửa chữa khẩn cấp các di tích bị hư hỏng nặng chưa có điều kiện trùng tu.
Đoàn Loan