Phát biểu trong buổi họp chiều 10/9 tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho hay, một số quan hệ về hôn nhân và gia đình đã và đang tồn tại trong thực tiễn nhưng chưa được luật quy định hoặc quy định chưa cụ thể, như nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn, chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính, mang thai hộ, ly thân...
Theo bộ trưởng, tình trạng này cho thấy, Luật Hôn nhân gia đình vừa không bám sát thực tiễn vừa không bảo đảm yêu cầu thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đảm bảo quyền con người, quyền công dân, gây ra không ít khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước.
Trên quan điểm đó, cơ quan soạn thảo đưa ra sửa đổi quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính thành “Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính”. Đồng thời quy định cụ thể nguyên tắc giải quyết quan hệ chung sống như vợ chồng giữa họ.
Theo lý giải của cơ quan soạn thảo, vấn đề đồng tính và chung sống với nhau, coi nhau là vợ chồng giữa những người cùng giới tính đang là thực tế ở Việt Nam. Mặc dù pháp luật hiện hành đã lựa chọn giải pháp cấm việc kết hôn giữa những người cùng giới tính nhưng việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính vẫn diễn ra. Tuy nhiên, trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và trào lưu thế giới hiện nay thì việc cấm đoán và xử lý hành chính như hiện hành là không còn phù hợp, do đó cần thay đổi quan niệm và phương thức quản lý nhà nước về vấn đề này.
“Hôn nhân giữa những người cùng giới tính là vấn đề có tính nhạy cảm xã hội cao. Do đó, việc thừa nhận hôn nhân của họ cũng cần phải được xem xét, cân nhắc, nhìn nhận trên nhiều khía cạnh khác nhau với lộ trình, bước đi phù hợp”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho hay.
Lộ trình được cơ quan soạn thảo đưa ra trong hoàn cảnh hiện tại là Nhà nước và pháp luật không thừa nhận nhưng cũng không can thiệp hành chính vào quyền được sống theo bản dạng giới, khuynh hướng tính dục; cần tôn trọng việc sống chung như vợ chồng giữa những người cùng giới tính, cũng như các thỏa thuận của họ trong việc xác lập, giải quyết các vấn đề phát sinh từ cuộc sống chung. Ngoài ra, pháp luật cũng cần có quy định thích hợp để giúp họ giải quyết một cách ổn thỏa các hậu quả pháp lý của việc sống chung này nhằm góp phần bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng của các đương sự và sự ổn định của xã hội.
Quan điểm này được hầu hết các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán đồng. Tuy nhiên, ở góc độ pháp lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, không thể có kiểu quy định “không cấm cũng không thừa nhận”. Kết hôn đồng giới là một vấn đề xã hội được nhiều nước công nhận.
“Luật pháp phải rõ ràng, công nhận hay không bởi không cấm tức là được làm. Mà được làm thì Nhà nước phải công nhận. Nếu ta mạnh dạn vì quyền con người, vì các công ước quốc tế mà ta đã tham gia thì ta mạnh dạn công nhận luôn đi”, ông Lý đề nghị.
Ngoài ra, ông đề nghị quy định rõ khi đã công nhận thì hậu quả pháp lý ra sao.
Cũng trong buổi họp, các đại biểu cũng tán thành với đề xuất cho phép mang thai hộ. Tuy nhiên, vấn đề mang tính nhân đạo phải được quy định chặt chẽ, nghiêm cấm vì mục đích thương mại.
Dự luật Hôn nhân gia đình sửa đổi sẽ được Quốc hội thông qua vào năm 2014.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường dẫn kinh nghiệm thế giới cho thấy nhiều nước đã giải quyết vấn đề này theo lộ trình. Trước hết, Nhà nước thừa nhận việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính sau đó mới thừa nhận hôn nhân giữa những người này. Ví dụ, Hà Lan quy định về việc đăng ký kết hợp dân sự giữa những người cùng giới tính vào năm 1998, nhưng đến năm 2001 mới thừa nhận chính thức hôn nhân hợp pháp giữa họ. Tương tự, các mốc thời gian này ở Canada là 1999 và 2005, Pháp là 1999 và 2013…. Tại châu Á, Trung Quốc và Ấn Độ không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính, nhưng đã hợp pháp hóa quan hệ đồng tính vào các năm 1997 và 2009. |
Nguyễn Hưng