Trong văn bản báo cáo sơ bộ và nhận xét bước đầu về tác động môi trường của hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A gửi Thủ tướng, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) nêu ra những mặt tích cực khi vận hành thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Hai dự án sẽ sản xuất ra 929 triệu kWh điện và nộp thuế cho nhà nước khoảng 300 tỷ đồng mỗi năm. Theo phương án đưa ra, hai dự án thủy điện này sẽ được thiết kế xây dựng cống xả đáy và sử dụng tuabin Kaplan để điều hoà dòng chảy sau khi qua công trình thủy điện Đồng Nai 5. Việc triển khai thực hiện dự án sẽ tạo điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng và đời sống cộng đồng khu vực.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài nguyên, nếu xây dựng, hai dự án trên sẽ tác động đến hàng loạt những vấn đề môi trường và đa dạng sinh học của cả một vùng, đặc biệt là tác động đến Vườn quốc gia Cát Tiên, khu ngập nước Bàu Sấu.
Bộ TN&MT cho rằng thực hiện hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ làm mất vĩnh viễn 327,23 ha đất rừng, trong đó đặc biệt có 128,37 ha đất ở khu vực Cát Lộc thuộc vùng lõi Vườn Quốc gia Cát Tiên. Trong báo cáo tác động môi trường của dự án đề ra cam kết trồng rừng bồi hoàn diện tích rừng bị tổn thất do thực hiện các dự án, nhưng lại chưa nêu được vị trí cụ thể và phương án trồng rừng thay thế.
Hai dự án thủy điện trên cách khu ngập nước Ramsar Bàu Sấu 55km theo đường sông. Báo cáo tác động môi trường khẳng định khu này hầu như không chịu rác động bởi các dự án, nhưng chưa đưa ra số liệu cụ thể về chế độ dòng chảy theo mùa từ sông Đồng Nai vào khu vực ngập nước này và ngược lại để chứng minh. Báo cáo cũng chưa đánh giá được đầy đủ sự tổn thất về đa dạng sinh học trong vùng ngập và khu vực xây dựng công trình đầu mối trong mối quan hệ với tính nguyên vẹn, giá trị đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Cát Tiên và hệ sinh thái bản địa của khu vực.
Ngoài ra, theo Bộ TN&MT, việc xây dựng hai dự án trên còn tác động đến dòng chảy hạ lưu. Do không chuyển dòng chảy, nên tổng lượng nước chảy về hồ Trị An hầu như không thay đổi, nhưng hồ chứa của thủy điện Đồng Nai 6 và 6A là điều tiết ngày nên các hồ chứa này sẽ tác động đến nhu cầu sử dụng nước phía hạ du đập Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.
Báo cáo tác động môi trường lại chưa phân tích rõ vai trò của dòng chảy có đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước gia tăng theo quá trình phát triển kinh tế - xã hội phía hạ du, môi trường sống cho hệ sinh thái thủy sinh, đặc biệt đoạn sông ngay sau đập Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A và khu ngập nước Bàu Sấu. Báo cáo chưa cập nhật bổ sung các thông tin về thủy văn và chưa làm rõ phương án vận hành hồ chứa phù hợp với chế độ vận hành hồ thủy điện Đồng Nai 5 nói riêng và chế độ vận hành liên hồ chứa trên sông Đồng Nai.
Trong văn bản gửi Chính phủ, Bộ TN&MT dẫn giải khoản 1, điều 36 Luật Di sản văn hóa quy định: “Khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích quy định tại Điều 32 của Luật này mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường, sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về văn hóa - thông tin”.
Theo phân tích của Bộ Tài nguyên, ở thời điểm hiện nay, trong hồ sơ báo cáo tác động môi trường của hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A chưa có văn bản thẩm định của cơ quan có thẩm quyền về văn hóa – thông tin.
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên đưa ra một số tiềm ẩn bất lợi khác nếu xây dựng dự án Đồng Nai 6 và 6A như, việc thực hiện các hạng mục công trình phụ trợ, đường dây truyền tải, đường giao thông... gây ra những tác động bất lợi đến môi trường tự nhiên và các điều kiện kinh tế - xã hội khu vực diễn ra các hoạt động thi công tạo cơ hội thuận lợi cho các hành vi xâm hại Vườn Quốc gia Cát Tiên.
Từ những lo ngại trên, Bộ TN&MT kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương xem xét, rà soát lại quy hoạch đối với hai dự án thủy điện 6 và 6A nói riêng và quy hoạch thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai nói chung.
Trong quy hoạch khai thác bậc thang thủy điện sông Đồng Nai được Thủ tướng phê duyệt năm 2002, dự kiến thủy điện Đồng Nai 6 có công suất 180MW, sản lượng điện bình quân 773,6 triệu kWh/năm, diện tích bị ngập gần 2.000 ha (trong đó 732 ha thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên, phần còn lại thuộc rừng phòng hộ 2 tỉnh Đăk Nông, Bình Phước), phải di dời 3 công trình công cộng và 33 hộ dân.
Giữa năm 2007, Tập đoàn Đức Long Gia Lai xin đầu tư dự án này. Quá trình nghiên cứu, lựa chọn phương án tối ưu đã thay đổi dự án thành công trình thủy điện 2 bậc thang mang tên Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A với tổng công suất 241 MW, tổng mức đầu tư gần 5.700 tỷ đồng, tổng sản lượng điện gần 1 tỷ kWh/năm.
Về ảnh hưởng của dự án thủy điện 6 và 6A tới rừng Nam Cát Tiên, trao đổi với VnExpress.net chiều nay, ông Trần Bá Hiệp, Phó giám đốc công ty Điện, Công ty cổ phẩn phát triển điện năng Đức Long Gia Lai, chủ đầu tư dự án cho biết hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nằm ở vùng rìa phía bắc khu Cát Lộc của Vườn quốc gia Cát Tiên thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng.
Khu này nằm cách biệt với khu rừng Nam Cát Tiên ở tỉnh Đồng Nai và cách xa nhau đến 35 km qua trung tâm huyện lỵ Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. Khu Cát Lộc trước đây để bảo tồn tê giác chỉ sống ở rừng nghèo kiệt mà nay tê giác không còn nữa. Trong lõi khu vực Cát Lộc, hiện có trên 2.000 người dân đang sinh sống với các cơ sở hạ tầng vẫn đang được chính quyền địa phương đầu tư xây dựng như đường giao thông, điện, hồ thủy lợi và cấp nước sinh hoạt, trường học, nhà ở … Lân cận khu vực các dự án này đất đai đã được chuyển sang trồng cây điều, cà phê, cao su. Rừng khu vực này đã manh mún và bị chia cắt, không phải là dải rừng nguyên vẹn.
Theo ông Hiệp, với vị trí cách biệt khu Nam Cát Tiên, các dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A không ảnh hưởng đến tính đa dạng sinh học hay tính nguyên vẹn của khu vực Nam Cát Tiên này. Các thủy điện này cũng không tác động đến khu ngập nước Bàu Sấu thông qua chế độ dòng chảy sau thủy điện Đồng Nai 6A.
Hương Thu