Cuộc thi lựa chọn những bài viết viết về những tấm gương giàu nghị lực vươn lên trong cuộc sống, những nhân vật có ước mơ xây dựng, giúp đỡ cộng đồng bằng. Tác phẩm dự thi viết về người thật, việc thật, hoàn cảnh éo le hay những tấm gương sáng vượt qua số phận nghiệt ngã. 91 tác phẩm dự thi cùng 60 nhân vật được giới thiệu. Chương trình đã thu hút hơn 3 triệu lượt xem của bạn đọc.
Kết quả chung cuộc giải nhất thuộc về tác phẩm "Lớp học của thấy giáo khuyết tật" của tác giả Lê Thị Thu Thanh. Giải nhì là tác phẩm "Người mang yêu thương đi khắp miền tổ quốc" của tác giả Châu Tuyết Minh. Giải ba thuộc về bạn đọc Cẩm Vân với tác phẩm "Ước mơ xưởng nghề của người đàn ông liệt nửa người". Ngoài ra còn có một giải khuyến khích và 8 giải tuần.
Buổi lễ tổng kết chương trình và trao giải thưởng đã được tổ chức ở Văn phòng phía Nam báo VnExpress tại TP HCM. Chị Nguyễn Mỹ Phương, tác giả bài viết "Đứa con của người đàn bà điên", tác phẩm đoạt giải tuần 1 đã chia sẻ đây thật sự là một cuộc thi kỳ diệu. Nhờ cuộc thi này mà chị đã trả được "món nợ" với chị Hằng, người mẹ bị điên trong tác phẩm, về một ngôi nhà cho hai mẹ con.
"Trước đây do thấy hoàn cảnh khó khăn của chị Hằng, tôi đã hứa sẽ tìm giúp mạnh thường quân để có thể xây cho chị một ngôi nhà mà thời gian trôi qua vẫn chưa làm được. Khi đọc thông tin về cuộc thi, bỗng nhiên linh tính mách bảo tôi liền tham gia và đã tạo được cầu nối với nhà hảo tâm thật sự", chị Phương chia sẻ.
Câu chuyện về hai mẹ con "điên" nuôi nhau qua tác phẩm của chị Phương đã làm lay động lòng của một nhà hảo tâm ngụ tại quận 2, TP HCM. Người này đã xuống tận nơi là xã nghèo Phú Quý, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang để khảo sát.
"Khi mới xuống ổng nói sao mà chị này còn nghèo hơn trong bài viết vậy, tôi chỉ biết cười trừ và nói vì chương trình chỉ cho 1.000 từ nên tôi không thể nào lột tả được hết sự cực khổ của hai mẹ con họ và cũng may là có người đồng cảm với tấm lòng của mình", chị Phương tâm sự.
Sau đó vị ân nhân đã quyết định mua tặng chị Hằng một miếng đất rồi tiếp đó tự bỏ tiền túi và thêm vài tuần ở hẳn dưới xã để chỉ huy thợ xây hẳn cho hai mẹ con một căn nhà đẹp đẽ. "Buổi bàn giao nhà hai mẹ con cứ lặng lẽ khóc, mọi người ai cũng xúc động và tin vào điều kỳ diệu. Cũng từ đó mà tôi có biệt hiệu Phương 'xin' vì nhiều bà con khác còn nghèo khổ tìm đến để nhờ tôi có thể xin nhà cho họ", chị Phương xúc động nói.
Còn thầy giáo Nguyễn Hữu Bình, nhân vật chính trong tác phẩm đoạt giải nhì rất bất ngờ khi được cô sinh viên Châu Tuyết Minh đưa mình vào làm hình mẫu. "Thật sự qua những chuyến công tác xã hội của chúng tôi được nhận nhiều hơn cả những gì mà chúng tôi đã cho đi. Đây cũng là thông điệp mà tôi muốn gửi gắm đến lớp trẻ hãy sống hết mình và biết chia sẻ tình yêu thương đến mọi người quanh mình", thầy Bình nói.
Những chuyến đi xuyên Việt hay đến những vùng sâu, vùng xa nơi còn có nhiều mảnh đời khó khăn do thầy Bình tổ chức đã giúp cho các bạn sinh viên trẻ tuổi thêm nhiều trải nghiệm trong cuộc sống. Từ đó các bạn trẻ này đã biết cách tự "xoay xở" kinh doanh để tìm ra nguồn kinh phí tiếp tục cho những chương trình từ thiện kế tiếp.
Đại diện Công ty Bibica đánh giá cuộc thi không chỉ thành công về mặt số lượng bài dự thi mà nó còn cho thấy sự lan tỏa của những tấm lòng chung tay vì những mảnh đời bất hạnh. Chính sự lan tỏa này đã tạo nên những cầu nối vững chắc, giúp những tấm lòng vàng có thể tiếp cận và giúp đỡ phần nào cho những người đang còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và đây cũng chính là "điều kỳ diệu" thật sự của chương trình. "Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức nhiều cuộc thi ý nghĩa như thế này nữa và hy vọng sẽ được mọi người đón nhận tham gia nhiệt tình", ông nói,
Minh Trí