Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn cho hay, chuyến thăm quần đảo Trường Sa lần thứ ba của bà con kiều bào dự kiến khởi hành ngày 16 - 28/4. Đoàn gồm 70 người, trong đó có một số người lần đầu trở về Việt Nam và một số người được cho là có ý kiến đối lập. “Chúng tôi đã vận động, mời một số nhà báo, những người có tư tưởng cực đoan đến Trường Sa, để họ thấy những việc chúng ta đang làm”, Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài nói với VnExpress.
Theo Thứ trưởng Sơn, trong tháng 3, đoàn công tác liên ngành đã đến các bang lớn của Mỹ như New York, Texas, California…và tiếp xúc với những người có ý kiến đối lập. "Chúng tôi cũng gặp gỡ những người cực đoan, không hài lòng với chế độ để cùng tìm tiếng nói chung xoá bỏ hận thù", Thứ trưởng nói.
Trong chuyến thăm, lần đầu tiên Việt kiều sẽ tham dự đại lễ cầu siêu cho vong linh những liệt sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, binh sĩ Quân đội Việt Nam Cộng hòa đã tử trận để bảo vệ Hoàng Sa... theo nghi thức Phật giáo và các tôn giáo khác đang tồn tại ở Việt Nam.
"Đại lễ thể hiện đạo lý đền ơn đáp nghĩa của dân tộc Việt Nam, truyền thống tri ân và báo đáp của đạo Phật. Lực lượng Hải quân Việt Nam Cộng hòa hy sinh năm 1974 ở Hoàng Sa đã cầm súng bảo vệ chủ quyền biển đảo nên chúng ta cần nhìn nhận một cách khách quan, phải ghi nhận cả những đóng góp của họ", Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh.
Từ ngày 7 - 14/4, đoàn kiều bào (đa số là các doanh nhân đang thực hiện dự án đầu tư ở Việt Nam, đã lớn tuổi, có tư tưởng yêu nước) sẽ tham gia chương trình Giỗ tổ Hùng Vương, ghé thăm nhà sàn Bác Hồ, viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thăm động Phong Nha - Kẻ Bàng...
Tháng 4/2010, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam tổ chức chuyến thăm đầu tiên đến Trường Sa, quy tụ đại diện của người Việt ở nhiều quốc gia trên thế giới cùng chức sắc 6 tôn giáo. Đoàn đã tham gia đại lễ cầu siêu trên đảo Song Tử Tây để cầu nguyện cho vong hồn cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống vì chủ quyền biển đảo. |
Đức Hiệp