Chia sẻ với VnExpress, trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng, hiện nay tình hình an ninh quốc phòng cần phải được quan tâm đặc biệt vì chủ quyền đất nước, đặc biệt là biển Đông đang bị nhòm ngó. Quân đội phải được xây dựng vững mạnh với tư tưởng chính trị kiên định, thể lực được rèn luyện tốt, đặc biệt là chiến thuật phải giỏi.
"Yêu cầu của quân đội thời gian tới không giống như thời chống Pháp, chống Mỹ nữa. Bộ đội phải tinh thông công nghệ, chiến thuật tinh nhuệ. Khi ra trận phải bảo vệ được tổ quốc, nhưng trước hết là tự bảo vệ được mình để hạn chế thương vong", tướng Thước nói.
Nguyên Tư lệnh Quân khu 4 đồng tình với dự luật Nghĩa vụ quân sự sửa đổi khi đề xuất tăng thời gian tại ngũ từ 18 lên 24 tháng. Ông cho rằng, trong thời gian 2 năm này, quân đội phải tập trung rèn luyện chiến sĩ với cường độ cao. Ngoài việc chống thiên tai, hạn hán, lũ lụt, phải dành phần lớn thời gian huấn luyện để đạt được trình độ chiến đấu cao nhất, bởi vấn đề xương máu chiến sĩ là tối quan trọng.
Với 50 năm phục vụ quân đội, tướng Thước rút ra kinh nghiệm rằng, thời kỳ nào huấn luyện quân đội tốt, ra chiến đấu sẽ giành thắng lợi lớn và thương vong giảm đi nhiều. Còn thời kỳ nào coi nhẹ huấn luyện thì khi ra chiến đấu thương vong sẽ rất cao.
Về dự kiến thu hẹp diện tạm hoãn nhập ngũ, tướng Thước rất đồng tình vì nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc là mục tiêu lớn nhất nên công chức nhà nước, sinh viên tốt nghiệp đại học, lao động trình độ cao... cũng cần được gọi nhập ngũ. "Xu hướng chiến tranh đã thay đổi từ súng đạn sang chiến tranh điện tử. Hiện nay, hệ thống thông tin điện tử của quân đội rất cần sổ sung nhân lực", nguyên Tư lệnh quân khu 4 đánh giá.
Vì vậy, những lao động ngành nghề đặc biệt quan trọng liên quan đến tri thức cao như công nghệ thông tin, cơ khí... cần đưa vào quân đội để cống hiến được nhiều hơn. Còn những người khác, nếu công tác ở cơ quan nhà nước cống hiến được tốt hơn thì hãy để họ làm nguyên vị trí, tuyệt đối không cào bằng trong việc gọi nhập ngũ.
"Cần những người như thế nào Nhà nước cần quy định rõ ràng, đưa vào quân đội hay không, phải vì một mục đích duy nhất là bảo vệ và xây dựng tổ quốc. Quân đội phải huấn luyện được đội ngũ đạt chất lượng, ra chiến đấu phải chiến thắng và hạn chế hy sinh xương máu", vị tướng nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cũng ủng hộ chỉ nên tạm hoãn với sinh viên hệ chính quy (tập trung và dài hạn ở cả công lập và ngoài công lập). Lý do là số lượng học tại chức, từ xa... quá lớn, nếu tạm hoãn nhập ngũ sẽ gây nhiều khó khăn cho các đơn vị tuyển quân.
"Chúng ta không nên suy nghĩ thực hiện nghĩa vụ quân sự chỉ là bảo vệ tổ quốc mà phải đặt vấn đề đây cũng là một trường học đối với thanh niên. Những thanh niên trải qua trường học này thường có chuyển biến tốt về đạo đức, tư cách", GS Thi nói.
Người đứng đầu Ủy ban Văn hóa, Giáo dục kiến nghị, có thể quy định thời gian nhập ngũ với từng loại đối tượng để tất cả thanh niên đều phải được rèn luyện trong môi trường quân đội. Với sinh viên, khi học Giáo dục quốc phòng cần kết hợp với mục tiêu thực hiện nghĩa vụ quân sự, sau khi kết thúc thời gian học phải thực hiện chế độ sĩ quan dự bị.
"Những em này sẽ được miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự, như vậy vừa tiết kiệm được chi phí, vừa đào tạo được nhân lực cho quân đội", GS Thi nhận xét.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho biết, hằng năm có gần 7 triệu công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ, nhưng số gọi được rất ít. Số liệu giám sát từ Ủy ban Quốc phòng và an ninh cho thấy, số công dân nhập ngũ mỗi năm chỉ chiếm 0,12% tổng dân số và 5,87% tổng số công dân nam trong độ tuổi từ 18 đến 25.
Số lượng công dân có việc làm, trình độ học vấn cao, chuyên môn kỹ thuật, con các gia đình có điều kiện kinh tế thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ rất ít, chỉ chiếm 4,94%. Trong khi đó, con em nông dân, người chưa có việc làm chiếm tới trên 80% và có xu hướng tăng.
Dự thảo luật Nghĩa vụ quân sự sửa đổi đang được thảo luận lấy ý kiến có hai điểm mới nhất là thu hẹp diện tạm hoãn nhập ngũ và tăng thời gian thực hiện nghĩa vụ từ 18 lên 24 tháng.
Hoàng Thùy