Ngày 13/5, Trung Quốc đã sử dụng 9 loại tàu để bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981, bao gồm: tàu quân sự, tàu hải cảnh, tàu hải giám, hải tuần, tàu ngư chính, tàu kéo cứu hộ, tàu vận tải, tàu dầu và tàu cá vỏ sắt.
Cục Cảnh sát biển cho hay, hôm nay, Trung Quốc đã điều 86 tàu hộ tống, bảo vệ cho hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 trên thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, trong đó 2 tàu quân sự gồm một tàu hộ vệ tên lửa số hiệu 534, một tàu tuần tiễu săn ngầm mang số hiệu 786.
Lúc 8h30, Trung Quốc đã sử dụng 3 tàu gồm tàu hải giám 7028, hải cảnh 46001 và một tàu không rõ số hiệu bao vây tàu cảnh sát biển 4032 của Việt Nam. Tàu Trung Quốc phun nước, tàu hải cảnh 46001 lao vào ngăn cản, đâm vào mạn trái tàu cảnh sát biển 4032 làm gãy 10 mét lan can, hỏng 3 thông gió trên tàu.
Tàu Hải cảnh của Trung Quốc đã ngăn cản, dùng súng bắn nước vào tàu Kiểm ngư 628 của Việt Nam khi tàu của ta tiếp cận cách giàn khoan Trung Quốc 5,3 hải lý.
Tàu Cảnh sát biển 4032 đã cơ động tiếp cận vào phía Tây giàn khoan, phản đối hành động sai trái của Trung Quốc, yêu cầu giàn khoan Hải Dương 981 và các tàu bảo vệ của Trung Quốc phải rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Cục phó Kiểm ngư Nguyễn Văn Trung cho hay, tàu Trung Quốc thường đâm vào tàu Việt Nam với góc tiếp cận lớn để có thể làm đắm tàu, song tàu của chúng ta tìm cách né để giảm góc tiếp cận. Các lực lượng trên các tàu vẫn chủ động, bình tĩnh, kiên trì không khiêu khích, giữ vững đội hình.
Trao đổi với báo chí chiều 13/5, ông Nguyễn Ngọc Oai, Cục trưởng Kiểm ngư, cho biết, Việt Nam có 30 tàu của lực lượng kiểm ngư và cảnh sát đang hoạt động trên biển. Khoảng 20 tàu cá Việt Nam đã tiếp cận cách giàn khoan 981 khoảng 20 km. Các tàu cá của ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng đã tạo thành một vòng tuyến ngăn chặn các tàu cá Trung Quốc lấn sâu vào vùng biển Việt Nam.
“Đây đều là các ngư trường chính và truyền thống của Việt Nam”, ông Oai, nhấn mạnh. Vị cục trưởng cũng cho rằng các lực lượng chấp pháp của Việt Nam không bất ngờ trước việc Trung Quốc tiếp tục đưa tàu đi sâu vào vùng biển thuộc Việt Nam. “Đây là chiến lược vết dầu loang của Trung Quốc. Từ chỗ họ tuyên bố phạm vi cấm 5-7 hải lý quanh giàn khoan, rồi mở rộng lên trên 10 hải lý và giờ tiếp tục xua tàu ra xa hơn”, ông Oai nhận định.
Vị Cục trưởng cũng thông tin, lực lượng kiểm ngư đã dùng loa công suất lớn để cảnh báo các tàu Trung Quốc. “Nếu các tàu không tuân thủ thì chúng tôi sẽ dùng các biện pháp mạnh hơn”
Cũng trong ngày 13/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố ven biển hướng dẫn ngư dân bám biển, tổ chức cho ngư dân hoạt động theo mô hình tổ đội khi khai thác. Bộ cũng yêu cầu chính quyền và các đơn vị chức năng có biện pháp bảo vệ, thăm hỏi động viên kịp thời đối với ngư dân và gia đình gặp rủi ro trên biển.
Hơn 10 ngày qua, sau khi đặt hạ trái phép giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc liên tục dùng tàu hải giám, tàu hộ vệ tên lửa và cả máy bay tuần thám ngăn cản lực lượng chấp pháp Việt Nam làm nhiệm vụ trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Những vụ va chạm trên biển đã khiến 9 kiểm ngư viên Việt Nam bị thương, nhiều tàu bị hư hại.
Qua đường ngoại giao và trên các diễn đàn quốc tế, Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan cùng các tàu và máy bay ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gọi hành động của Trung Quốc là "cực kỳ nguy hiểm", "đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông".
Người dân Việt Nam cũng tuần hành trên đường phố và trước Đại sứ quán Trung Quốc ở nhiều nước để phản đối việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền ở biển Đông.
Hoàng Thùy - Đoàn Loan - Chí Hiếu