Chiều 19/9, báo cáo trước Ủy ban Thường vụ, đại diện Chính phủ cho biết kết quả thực hiện tiết kiệm nửa đầu năm của Bộ, ngành, các địa phương cũng như các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là trên 16.000 tỷ đồng. Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, riêng trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, 11 tập đoàn và 88 tổng công ty đã đăng ký kế hoạch tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh và tiết giảm chi phí quản lý với tổng số tiền trên 11.800 tỷ đồng trong năm 2013.
Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, báo cáo của Chính phủ dùng nhiều tính từ mạnh khi nói về kết quả đạt được nhưng thực tế “không đơn giản như đã nêu”.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhận xét, dù tiết kiệm được hơn 16.000 tỷ nhưng con số lãng phí thực tế lại lớn hơn nhiều. Đặc biệt là việc dừng, giãn tiến độ trong mấy năm qua đã khiến nhiều dự án trị giá hàng nghìn tỷ đồng đầu tư phơi mưa nắng. “Phải thống kê chỗ này vì vừa mất trắng tiền đã đầu tư, vừa không có công trình để sử dụng”, ông Ksor Phước yêu cầu.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước: “Bộ Tài chính bảo là quản lý chặt nhưng không hiểu sao có những cán bộ nhà nước, cấp dưới bộ trưởng đi xe rất sang, biển xanh đàng hoàng. Bộ trưởng Tài chính phải "tuýt còi", không tha dù đó là ông nào”. |
Ông Ksor Phước cũng tỏ ý không hài lòng với các chương trình mục tiêu quốc gia không hiệu quả như dự án năng lượng mặt trời do Ủy ban Dân tộc và Miền núi làm chủ đầu tư (vốn vay ưu đãi 7 triệu USD), giờ “đắp chiếu”. “Bộ Tài chính gác cổng cho Chính phủ mà không dám nói thì phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Không làm được thì để người khác làm chứ để tình cảm xen vào việc nước, việc chung là hỏng”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh ông Nguyễn Kim Khoa cũng đề nghị đánh giá giá trị của chương trình, dự án khi xuống đến người dân. “Đầu tư nhiều mà chưa hiệu quả là lãng phí”, ông nói.
Ở lĩnh vực đất đai, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu chỉ đích danh cơ quan, đơn vị nào ngành, tỉnh nào gây lãng phí. Có như vậy việc quản lý nhà nước mới có giá trị cảnh báo, nhắc nhở người đứng đầu có trách nhiệm hơn.
“Tôi đi một số tỉnh, thấy có trụ sở rộng mênh mông như công viên. Vậy chuẩn mực đối với đất cho trụ sở thế nào? Trụ sở là nơi phục vụ nhân dân chứ không phải cung điện, không phải nơi tham quan. Tôi không tiện nêu đích danh, kể cả trụ sở của đảng ủy nhiều tỉnh làm phản cảm lắm, xây dựng lộng lẫy, xa hoa”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nói.
Tán thành quan điểm này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị ban hành tiêu chuẩn định mức đất đai, xây dựng trụ sở làm việc của cơ quan để đảm bảo sự công bằng. Bà yêu cầu đại diện Chính phủ chỉ ra cụ thể địa phương, bộ, ngành, cơ quan, tổ chức lãng phí đất đai, nguồn lực để đại biểu Quốc hội và người dân giám sát. Khi báo cáo, cần cân nhắc đánh giá giữa mặt được và chưa được của việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Tiếp thu các ý kiến, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, với dự báo khó khăn thu ngân sách trong năm 2014, Chính phủ đề xuất cắt giảm 10% chi thường xuyên, giảm biên chế bởi “30% cán bộ, công chức làm việc không hiệu quả”.
Nguyễn Hưng