Ngày 7/12, trong cuộc tiếp xúc của Tổng bí thư với cử tri hai quận Ba Đình, Hoàn Kiếm (Hà Nội), ông Bùi Việt Hùng đã nêu bức xúc về tình trạng “công chức cắp ô”. “Sau 5 năm thực hiện nghị quyết tinh giảm biên chế, số lượng công chức không giảm mà lại tăng; có bộ tới 9 thứ trưởng. Số nghỉ hưu toàn quốc hơn 28.000 người, nhưng tuyển mới lại hơn 60.000”, ông Hùng dẫn chứng.
Cử tri này đề nghị phải có người chịu trách nhiệm về tồn tại trên bởi nếu để như vậy thì đất nước không thể phát triển được. “Chúng tôi mong Nhà nước, Quốc hội có giải pháp gì đối với các vị tư lệnh ngành để không để tái diễn các yếu kém như thời gian qua”, ông Hùng nói.
Nhắc đến những vụ việc nhức nhối của ngành y tế thời gian qua, cử tri Trần Ngân Hoa bày tỏ sự hoang mang và đề nghị Chính phủ chỉ đạo ngành y tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc vắc-xin và việc tiêm phòng, sinh nở. Chung tâm trạng, ông Trần Duy Hùng bức xúc trước thực trạng ngành y đã bị thương mại hóa đến mức cấp cứu cũng phải nộp tiền trước.
“Khi cấp phép hành nghề y, có sự cố xảy ra thì người cấp phép phải chịu trách nhiệm cụ thế chứ đừng để như vụ Cát Tường, bộ nói sở, sở nói quận, quận nói phường”, ông Hùng trình bày.
Chia sẻ với cử tri, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhìn nhận vấn đề y đức thời gian qua đã khiến dư luận, người dân bức xúc. Ngay trước và trong thời gian kỳ họp Quốc hội diễn ra cũng liên tục nổi lên nhiều vụ việc.
“Các bác nhìn Bộ trưởng Y tế có khổ không? Rất là đau khổ, buồn rười rượi. Có nhiều cái nằm ngoài tính toán, những việc rất đau đầu không đáng có”, Tổng bí thư nói.
Theo Tổng bí thư, tất cả những vụ việc bức xúc nói trên đều bắt nguồn từ mặt trái của kinh tế thị trường, là hệ quả của việc chạy theo lợi nhuận, coi thường giá trị con người. Đồng tiền đã chà đạp, xuyên cả vào giáo dục, y tế, công tác cán bộ.
“Tham nhũng vặt là thế, cái gì cũng phải bôi trơn, cái gì cũng phải lót tay và trở thành cái nếp rất khó chịu. Nhưng tôi được biết anh em cũng đang tích cực xử lý. Mong bà con tiếp tục giám sát, khuyến khích”, Tổng bí thư chia sẻ.
Nói tới biên chế công chức, Tổng bí thư đề cập tới vấn đề đang rất thời sự là chia tách địa giới hành chính huyện Từ Liêm. Theo Tổng bí thư, đây là việc phải thực hiện bởi Từ Liệm hiện tại như là chiếc áo đã quá chật. Nhưng tách ra thì phải có bộ máy, nhân sự.
“Trung ương đã nhìn ra và vừa rồi Bộ Chính trị quyết định từ nay tới năm 2015-2016 về cơ bản không được tăng tổng biên chế của cả nước. Biên chế hàng năm phải do Bộ Chính trị quyết định”, Tổng bí thư nói.
Thông tin thêm về kỳ họp Quốc hội vừa qua, Tổng bí thư khẳng định, việc thông qua Hiến pháp và Luật Đất đai (sửa đổi) với số phiếu tán thành gần như tuyệt đối là thành công nổi bật của kỳ họp. Theo ông, Hiến pháp đọc thoáng qua thì thấy bình thường, nhưng nghiên cứu kỹ thì thấy rất sâu xa. Có những điều tưởng như là không sửa nhưng thực ra là sửa rất quan trọng. Ví dụ như điều 4 đã nói rõ hơn rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động, của cả dân tộc Việt Nam.
“Một đảng trung thành với Chủ nghĩa Mác – Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Một đảng mà gần dân, liên hệ mật thiết với nhân dân, chăm lo cho lợi ích của nhân dân, bảo vệ quyền lợi của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân. Đảng như thế thì mới là đảng lãnh đạo. Nó sâu xa như vậy. Điều rất mới là đảng chịu sự giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”, Tổng bí thư phân tích.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Kỳ họp Quốc hội thành công là sự cộng hưởng của nhiều nhân tố, cả đối nội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh. Bên ngoài cứ nói chúng ta là nhân quyền thế này thế khác, nhưng một điều trớ trêu là chúng ta lại vừa được bầu vào Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp quốc với số phiếu cao nhất". |
Nguyễn Hưng