Ngày 15/8, VnExpress.net phản ánh cây cầu cạn hiện đại nhất Việt Nam vừa đưa vào hoạt động chưa đầy 10 tháng đã xuất hiện những vết lún kéo dài tại gói thầu số 1 vượt tiến độ 18 tháng. Ngay trong chiều cùng ngày lãnh đạo Ban quản lý dự án Thăng Long đã gửi văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về sự việc này và cho rằng sự xuất hiện của vết lún này là do xe quá tải.
Gần nửa tháng sau, trên các trang báo đăng tải thông tin Ban quản lý dự án Thăng Long gửi để xuất Bộ Giao thông Vận tải thưởng cho hai nhà thầu, trong đó có nhà thầu thi công đoạn đường bị lún nêu trên 180 tỷ đồng vì đã vượt tiến độ tới 18 tháng, khiến dư luận xôn xao trong nhiều ngày qua.
Sáng nay, trao đổi với VnExpress.net về vấn đề này, ông Đỗ Quang Minh, giám đốc dự án cầu cạn vành đai 3 (Ban quản lý dự án Thăng Long) cho biết, "việc thưởng này, căn cứ vào quy định trong những điều khoản ký kết với nhà thầu trước khi thực hiện dự án, hơn nữa, căn cứ vào luật Xây dựng, Nghị định 48/2010 của Chính phủ về việc thưởng cho nhà thầu thi công do rút ngắn tiến độ trong hợp đồng đã quy định rõ mức thưởng".
Cụ thể, cách thưởng sẽ được tính theo công thức, nếu nhà thầu cứ hoàn thành trước 28 ngày thì sẽ được thưởng 1.12% giá trị hợp đồng, "cứ như vậy nhân lên, hợp đồng của hai gói trên là khoảng 350 tỷ đồng, tuy vậy theo quy định, mức thưởng không được lớn quá 12% giá trị làm lợi, vì vậy, mức thưởng sẽ chỉ khoảng 179 tỷ đồng cho hai gói thầu", ông Minh giải thích.
Vị giám đốc dự án đường Vành đai 3 trên cao cũng cho hay, trong quy định của luật Xây dựng là có thưởng, tuy nhiên dường như từ trước đến nay, tại các hợp đồng giữa ban quản lý và các nhà thầu chưa bao giờ nhắc đến việc thưởng, mà ngược lại có tới 99% chỉ nhắc đến việc phạt. Vì vậy việc thưởng cho nhà thầu thi công vượt tiến độ tạo sự công bằng và nó tạo ra văn hóa mới trong cách hành xử hợp đồng giữa các đơn vị với nhau.
Việc sớm hoàn thành dự án không những tiết kiệm thời gian đi lại của hành khách và thời gian vận chuyển hàng hóa, chi phí vận hành, mà nó còn mang lại lợi ích kinh tế cho nhà nước gần 1.500 tỉ đồng. "Bình thường nếu không đưa mức thưởng vào trong hợp đồng thì nhà thầu không đẩy nhanh tiến độ thì đương nhiên sẽ không sinh ra số tiền trên", ông Minh lý giải cho việc thưởng nhà thầu số tiền 180 tỷ đồng cho hai nhà thầu trên là hoàn toàn hợp lý.
Trước băn khoăn của dư luận về việc số tiền thưởng trên được lấy từ nguồn nào, ông Minh cho biết: "Số tiền thưởng trên, đương nhiên sẽ được trích từ quỹ của dự án vì hiện nay việc vượt tiến độ của hai nhà thầu trên đã khiến dự án còn dư ra rất nhiều tiền. Số tiền này là vốn vay ODA từ chính phủ Nhật Bản, khi được Bộ chấp thuận, ban sẽ gửi hồ sơ và ngân hàng bên Nhật Bản sẽ trích và chuyển số tiền này từ quỹ trong dự án thưởng cho hai nhà thầu".
Giải thích về việc cầu đưa vào hoạt động chưa được 10 tháng đã xảy ra việc lún, nhưng Ban quản lý vẫn quyết định đề xuất thưởng cho hai nhà thầu, ông Minh cho rằng việc sụt lún chỉ là một trong những sự cố, sai số rất nhỏ trên tổng thể dự án vì vậy không ảnh hưởng nhiều đến kết cấu cũng như chất lượng của toàn bộ công trình.
Nguyên nhân chính của việc lún này là do xe quá tải gây ra, vì "mới đây Ban quản lý đã đặt cân trên khu vực cầu Thanh Trì gần một tuần và đã phát hiện có tới 70% xe quá tải chạy lên cầu".
Ông Minh cũng khẳng định, cầu cạn vẫn còn 2 năm bảo hành, việc xuất hiện những vết lún nhà thầu phải bỏ tiền ra khắc phục và hiện nay phần lớn những sự cố trên đã được sửa chữa, chỉ còn một vài điểm, trong một hai tuần tới nhà thầu cam kết sẽ khắc phục triệt để.
Đường trên cao vành đai 3 đoạn từ hồ Linh Đàm đến cầu vượt Mai Dịch được khởi công tháng 6/2010 và tháng 10/2012 được đưa vào sử dụng. Tuyến cầu cạn hiện đại nhất Việt Nam này giúp phương tiện đi từ phía tây sang phía đông, nam thành phố và ngược lại mà không phải xuyên qua nội đô.
Dự án cầu cạn dài 9 km, có tổng mức đầu tư là 5.547 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA Nhật Bản, trong đó Gói thầu số 1 có giá trị hợp đồng là 1.416 tỷ đồng và Gói thầu số 2 có giá trị hợp đồng là 1.079 tỷ đồng.
|
Bá Đô