Chiều 8/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì buổi họp trực tuyến với các tỉnh từ Thanh Hoá đến Cà Mau và các tỉnh Tây Nguyên bàn giải pháp đối phó với siêu bão Haiyan có khả năng đi vào các tỉnh miền Trung.
Các cơ quan khí tượng của Việt Nam và quốc tế đều dự báo Haiyan là siêu bão với cấp gió lớn nhất. Bản tin mới nhất của CNN cũng cho thấy đây là cơn bão chưa từng thấy trên trái đất.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương phải tập trung chỉ đạo cao nhất, quyết tâm bằng tất cả các giải pháp, các lực lượng nhằm giảm tối đa thiệt hại về tính mạng và tài sản. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Cà Mau dừng tất cả các cuộc hội họp, tập trung sẵn sàng chống bão. Các địa phương chỉ đạo, tàu thuyền về nơi tránh trú, neo đậu an toàn, không cho tàu ra biển; thực hiện sơ tán dân và cho học sinh nghỉ học trong ngày mai.
Trước diễn biến phức tạp của bão, Thủ tướng cho rằng các địa phương không nên chủ quan, kể cả các tỉnh từ Thanh Hóa trở ra. Rồi ông dẫn bài học về cơn bão Linda (bão số 5) năm 1997 đã đổi hướng và gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Tây. "Hà Nội cũng vậy, không được chủ quan, vì mưa to có thể dẫn đến ngập lụt lịch sử như năm 2008", Thủ tướng nói.
Hai Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Hoàng Trung Hải cùng Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát được Thủ tướng cử vào miền trung trực tiếp chỉ đạo phòng chống bão.
Theo báo cáo của Đà Nẵng, hơn 7.000 lao động đã được đưa vào nơi trú ẩn; hơn 20.000 hộ dân được di dời đến vị trí an toàn. Quảng Nam mấy ngày qua mưa rất lớn khiến các hồ chứa và sông đã ở mức báo động. 400 tàu, thuyền đánh cá của tỉnh hiện neo đậu ở đảo Song Tử Tây trú bão vì không kịp về đất liền; trong đó, 1 tàu với 13 lao động chưa liên lạc được.
Từ sáng 7/11, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Ngãi đã liên tục đôn đốc triển khai kế hoạch phòng chống bão. Tuy nhiên, vẫn còn 9 tàu đang chạy về vùng nguy hiểm khu vực đảo Hoàng Sa, cần được giúp đỡ.
Bình Định đã họp khẩn cấp từ chiều 7/11 để đối phó với bão và hiện vẫn còn trên 2.000 tàu đang hoạt động trên biển, 193 tàu hoạt động vùng nguy hiểm đang được hướng dẫn vào nơi trú ẩn an toàn. Tỉnh đưa ra ba phương án, nếu bão trực tiếp đổ bộ sẽ di dời 22.000 hộ dân; nếu bão ảnh hưởng từ cấp 12 trở lên sẽ di dời hơn 8.000 hộ; phương án thứ ba là di dời 4.000 hộ, tùy vào tình hình.
Trong khi đó, Quảng Bình đã gọi được 3.632 tàu vào bờ, còn 362 tàu đang vào bờ, 54 tàu hoạt động ở phía Bắc đảo Bạch Long Vĩ. Địa phương cũng đã chuẩn bị toàn bộ lực lượng vũ trang ứng cứu nhân dân trong lúc xảy ra bão lũ.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng và Thủy văn Trung ương, bão Haiyan tiếp cận đất liền sớm nhất là ở Quảng Ngãi - Thừa Thiên Huế, dự kiến lúc 4-10h sáng 10/11. Sau đó bão có khả năng đi dọc các tỉnh Quảng Trị - Nghệ An từ 7-13h ngày 10/11. Đây là cơn bão có cường độ mạnh nhất từ trước tới nay vào biển Đông và đất liền Việt Nam.
Hồi 16h ngày 8/11, tâm bão trên vùng biển phía tây khu vực miền Trung Philippines với sức gió tối đa lên đến 201 km một giờ (cấp 16). Tối 8/11, bão sẽ đi vào phía đông nam biển Đông. Đến 16h ngày 9/11, tâm bão cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 250 km về phía bắc tây bắc.
Phạm Hương