Tại buổi tọa đàm về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu sáng 28/10, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết, cơ quan này dự kiến trình Quốc hội điều chỉnh Luật Lao động, trong đó điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của nam giới từ 60 lên 62 tuổi, nữ giới từ 55 lên 58 hoặc 60 tuổi.
Theo ông Huân, việc điều chỉnh này không chỉ do nước ta đang đối mặt với dân số già (hiện trung bình 73 tuổi) mà còn do nhiều người ở độ 55 tuổi còn năng lực đã phải nghỉ hưu. Ngoài ra, vì tính bền vững của quỹ bảo hiểm xã hội nên phải chuẩn bị nguồn quỹ cho 20 năm sau. Phương án điều chỉnh sẽ áp dụng với từng đối tượng cụ thể theo lộ trình. Những lao động ngành nghề độc hại hay các nhà khoa học tạm thời giữ nguyên tuổi về hưu như hiện nay.
"Dự báo trước mắt là quỹ bảo hiểm xã hộ không cân đối, đóng vào ít mà chi nhiều hơn. Năm 2012 chúng tôi đã đặt vấn đề này và tiếp tục cho đến nay, nếu xếp nó lại thì giai đoạn sau khó khăn hơn rất nhiều", Thứ trưởng Huân nói.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng, các vấn đề mà Thứ trưởng Huân nêu là rất đáng lưu ý. Với thực trạng của đất nước thì tuổi nghỉ hưu cần căn cứ vào sức khỏe của người lao động. So với các nước thì tuổi ở nước ta vẫn thấp, như Nhật Bản có tuổi thọ trung bình gần 90 thì người dân gần 60 tuổi nghỉ hưu. Ngoài ra, cần căn cứ vào điều kiện kinh tế xã hội và cung cầu lao động.
"Đất nước phải đảm bảo an sinh xã hội tốt nhất, chúng ta đang dựa nhiều vào ngân sách. Nguyên nhân chính cần tăng tuổi nghỉ hưu là do số lượng người đóng xu hướng giảm, tuổi thọ tăng lên. Trong khi phải nghĩ đến an sinh xã hội, không để người về hưu sống thấp hoặc dưới mức tối thiểu", ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Một vấn đề được nhiều người quan tâm là tăng tuổi nghỉ hưu có ảnh hưởng hay không đến cơ hội việc làm cho lao động trẻ. Ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, 6 tháng đầu năm nay, 191.000 sinh viên ra trường chưa có việc làm nên đây là vấn đề xã hội phải tính toán cụ thể. Chính phủ cần đánh giá tác động của việc điều chỉnh tuổi hưu, cân đối thị trường lao động để tạo cơ hội cho lao động trẻ, lao động có chuyên môn.
"Nếu nâng tuổi nghỉ hưu thì người có năng lực, mới ra trường ngồi ở đâu. Chúng ta đang ở độ tuổi lao động sung sức song không để tình trạng chảy máu chất xám", ông Lợi nói.
Ngoài ra, ông Lợi cho rằng, chính sách đóng bảo hiểm xã hội cần thay đổi, công khai minh bạch để người đóng biết mình được hưởng như thế nào. Ông lấy thí dụ, sau 60 tuổi ông về hưu vẫn có thể đi dạy học, hay Thứ trưởng Huân nghỉ hưu vẫn muốn đi làm và đóng bảo hiểm thì cần có chính sách phù hợp cho những năm đó để nhiều người lớn tuổi tự nguyện dời chức vụ về nghỉ hưu song vẫn tiếp tục làm việc khác.
Ông Lợi cũng nhận xét, hiện nay có 2,8 triệu công chức đang hưởng lương và 500.000 công chức hưởng lương quản lý, gây khó khăn cho ngân sách. Ông đề nghị chuyển đơn vị công sang tự hạch toán để giảm gánh nặng đóng bảo hiểm xã hội cho ngân sách.
Theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân, nếu tổng số việc làm không thay đổi thì việc điều chỉnh tuổi hưu sẽ ảnh hưởng đến thị trường lao động. Song nước ta là nước đang phát triển thì còn nhiều khả năng tăng số việc làm nên lao động trẻ, sinh viên mới ra trường có thể yên tâm vì chính sách này không ảnh hưởng đến việc làm.
Đề cập số công chức khá lớn hiện nay, ông Huân cũng cho rằng, mỗi năm cả nước cần thêm một triệu việc làm cho lao động trẻ. Do vậy, chính sách cho công chức sẽ phải thay đổi, không phải vào biên chế suốt đời mà phải 5 năm đánh giá lại, nếu công chức làm không phù hợp phải ra khỏi biên chế.
"Hiện Quốc hội chưa bàn đến việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Nếu được Quốc hội thông qua thì chúng ta có thể bắt đầu áp dụng sau năm 2020", ông Huân cho biết.
Xem thêm: Vì sao quỹ hưu trí mất cân đối?
Đoàn Loan