Dự án xây dựng cầu Rạch Chiếc nằm trên đường Vành Đai 2, quận 9, TP HCM gồm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu xây dựng nhánh cầu vòm thép với ba nhịp vượt sông, chiều dài 868 m với 4 làn xe theo hướng từ cầu Phú Mỹ đi qua Khu công nghệ cao để ra Xa lộ Hà Nội.
Ngoài xây cầu, nhà thầu sẽ thi công nút giao đồng mức giữa cầu Rạch Chiếc với đường D2 (thuộc Khu công nghệ cao) và đoạn đường nối từ cầu Rạch Chiếc ra Xa lộ Hà Nội. Tổng vốn đầu tư giai đoạn một là 871 tỷ đồng, được thực hiện theo hình thức nhà thầu xây lắp ứng vốn thi công, ngân sách thành phố trả chậm có tính lãi.
Sau khi thông xe kỹ thuật, nhà thầu sẽ hoàn thành phần việc còn lại để cho xe đi trước ngày 30/1/2016. Khi sử dụng, Sở GTVT sẽ phân luồng giao thông cho xe máy, ôtô khách, xe tải dưới 3,5 tấn đi sang tuyến đường này để giảm tải cho Xa lộ Hà Nội, đường Mai Chí Thọ. Riêng xe tải phục vụ Khu công nghệ cao sẽ được phép chạy từ cầu Phú Mỹ qua cầu Rạch Chiếc.
Theo chủ đầu tư, cầu sẽ tạo sự phát triển cho Khu công nghệ cao thành phố (quận 9) bởi rút ngắn quãng đường về cảng Cát Lái còn khoảng 8 km, thay vì đi đường vòng ra Xa Lộ Hà Nội dài 14 km. Sau khi có cầu Rạch Chiếc, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư các đoạn còn lại để khép kín đường Vành Đai 2.
Theo quy hoạch, đường Vành Đai 2 dài khoảng 70 km, bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh đi qua cầu Phú Mỹ nối vào đường vành đai phía Đông ra đến ngã tư Bình Thái (Xa lộ Hà Nội) - Gò Dưa, đi qua nút giao Tân Tạo trên quốc lộ 1, theo đường Hồ Học Lãm và Ba Tơ để khép vào đường Nguyễn Văn Linh.
Khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ giúp tăng năng lực giao thông của TP HCM và các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt giải quyết tình trạng ách tắc giao thông tại khu vực trung tâm. Phương tiện vận tải hàng hóa ra vào các cảng, đi từ các tỉnh miền Đông sang miền Tây không còn phải xuyên qua khu vực nội thành.
Hữu Công