Trao đổi với VnExpress chiều 9/5, ông Vương Mạnh Hòa, Trợ lý chính trị Chi đội Kiểm ngư 3 (Cục Kiểm ngư Việt Nam, đóng tại Đà Nẵng), cho hay lực lượng chấp pháp gồm cảnh sát biển và kiểm ngư của Việt Nam vẫn thực hiện nhiệm vụ tại khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép.
“Tình hình đang diễn biến quyết liệt. Hôm nay, Chi đội nhận thông tin có thêm 3 kiểm ngư viên bị thương do va chạm với tàu Trung Quốc. Hiện sức khỏe của các kiểm ngư này đã ổn định. Anh em vẫn kiên trì xin ở lại tàu làm nhiệm vụ”, ông Hòa nói.
Chi đội Kiểm ngư 3 đã tổ chức động viên tinh thần gia đình các kiểm ngư viên đang làm nhiệm vụ. Vị trợ lý chính trị cho biết thêm, sau khi video Trung Quốc húc tàu, phun vòi rồng tấn công cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam quanh khu vực giàn khoan HD-981 được công bố, nhiều tổ chức và cá nhân đã đến thăm hỏi, hỗ trợ về vật chất cho Chi đội Kiểm ngư 3. "Tất cả tình cảm của hậu phương cả nước sẽ là nguồn động viên rất lớn cho anh em", ông Hòa khẳng định.
Chiều cùng ngày, Cục Kiểm ngư có buổi gặp gỡ báo chí. Ông Nguyễn Văn Trung, Phó cục trưởng, cho biết 6 kiểm ngư bị thương sau các vụ va chạm với tàu Trung Quốc được tổ chức vào bờ chữa trị nhưng họ vẫn tình nguyện ở lại bám biển. Đến nay, cả 6 kiểm ngư viên đã hồi phục sức khỏe, có thể làm những việc nhẹ trên tàu.
Trước thông tin Trung Quốc gia tăng số lượng tàu, ông Trung cho hay về tổng thể rất khó nói số lượng tăng hay giảm vì có tàu ra nhưng cũng có tàu rút. Vị Cục phó cũng chia sẻ, ông hiểu nhân dân rất bức xúc trước các hành động tấn công của phía Trung Quốc như đâm tàu, phun vòi rồng nhưng ông khuyên mọi người cần bình tĩnh, kiềm chế, thực hiện đúng chủ trương nhất quán của Chính phủ là dùng các biện pháp ngoại giao, hòa bình.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các tổng cục, sở nông nghiệp thông báo tình hình trên biển cho ngư dân tại các ngư trường, khuyến cáo ngư dân tổ chức sản xuất theo tổ, đội. Quan sát của Tổng cục Thủy sản cho thấy, số tàu đánh bắt xa bờ tại các ngư trường lớn như Trường Sa, Hoàng Sa đã tăng lên so với trước đụng độ.
Nguyên nhân theo ông Trung là do tình hình thời tiết tốt, vụ cá nang đang vào nhưng cũng có một phần là ngư dân thể hiện tinh thần bám trụ.
“Chúng tôi khuyến cáo ngư dân tránh xa vùng Trung Quốc hạ giàn khoan. Bất cứ trường hợp nào gặp sự cố thì kiểm ngư và cảnh sát biển luôn túc trục sau ngư dân để giúp đỡ”, ông Trung nói.
Bộ trưởng Cao Đức Phát đã có thư động viên gửi Chi đội Kiểm ngư số 3, Vùng II, Kiểm ngư Việt Nam. Công đoàn Bộ cũng quyết định hỗ trợ 140 triệu đồng cho các tàu kiểm ngư bị thiệt hại và 2 triệu đồng cho mỗi kiểm ngư viên bị thương.
Sáng 10/5, đoàn công tác của Bộ sẽ vào Đà Nẵng để trực tiếp động viên lực lượng kiểm ngư.
Huyện đảo Hoàng Sa gửi văn bản phản đối Trung Quốc Chiều 9/5, Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa (TP Đà Nẵng) Võ Công Chánh chính thức có văn bản phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 và các tàu bảo vệ hoạt động trong vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. "Là cơ quan hành chính địa phương được Nhà nước giao quản lý huyện đảo Hoàng Sa, chúng tôi cực lực phản đối phía Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế; vi phạm các nguyên tắc và thỏa thuận giải quyết vấn đề trên biển; làm xấu đi quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc và các địa phương của hai bên", ông Võ Công Chánh nhấn mạnh. Theo Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình với quần đảo Hoàng Sa, cũng như quyền chủ quyền và quyền tài phán với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình. Do đó, phía Trung Quốc phải rút ngay giàn khoan HD-981 và các tàu của họ ra khỏi vùng biển của Việt Nam; giải quyết mọi mâu thuẫn, tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình. |
Chí Hiếu - Nguyễn Đông