Chiều 16/7, đoàn thanh niên kiều bào tham dự Trại hè Việt Nam 2014 đã dừng chân tại Đà Nẵng. Điểm đến đầu tiên của đoàn là Bảo tàng Đà Nẵng. Họ tiếp cận với hơn 200 bản đồ, tư liệu của Việt Nam, Trung Quốc và các nước phương Tây, trong đó có nhiều tài liệu lần đầu được công bố, khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa được xác lập và thực thi chủ quyền liên tục từ thời phong kiến nhà Nguyễn đến nay. Lãnh thổ cực nam của Trung Quốc chỉ dừng ở đảo Hải Nam.
Cẩn thận chụp lại từng tấm bản đồ, Trần Hồng Ngọc (Ukraina) đang du học tại Thượng Hải (Trung Quốc) nói đây là nguồn tư liệu quý báu để những người Việt ở hải ngoại có cái nhìn khách quan, chân thực. "Hoàng Sa - Trường Sa đương nhiên là của Việt Nam từ xưa đến nay", Ngọc nói.
Du học sinh này cho biết, thời gian qua Trung Quốc đã chặn nhiều website, kể cả Facebook để không cho đăng tải hay tìm kiếm những thông tin liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. Đặc biệt, việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng thềm lục địa Việt Nam, cô nhận thấy tại Trung Quốc "báo, đài không đăng tải nhiều" và thông tin chỉ là một chiều.
Lắng nghe và đặt nhiều câu hỏi với đại diện kiểm ngư, cảnh sát biển Việt Nam có mặt tại triển lãm, Phạm Thị Hồng Thắm (Nga) rưng rưng nước mắt chia sẻ cô đã hiểu và càng nể phục những vất vả, nguy hiểm mà lực lượng thực thi pháp luật cũng như ngư dân Việt Nam phải đối mặt trong hơn 2 tháng Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam.
Ở Nga, tiếp cận thông tin thời sự trong nước qua truyền hình, báo điện tử VnExpress, Hồng Thắm thấy được tinh thần yêu nước sục sôi cùng ý chí kiên cường của người Việt Nam. Trong những câu chuyện với bạn bè đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga... nữ sinh này nhấn mạnh: "Việt Nam là đất nước yêu chuộng hòa bình".
Nữ sinh Trịnh Thảo My (Đức) đang học thạc sĩ ở Đan Mạch, kể bố mẹ cô đã tham gia vào đoàn biểu tình phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981. "Bố mẹ em nói rằng việc tham gia biểu tình có tổ chức sẽ góp thêm tiếng nói, giới thiệu cho nhiều người biết về chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa, cho thấy Trung Quốc đang làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và đe dọa đến nền hòa bình quốc tế", My kể.
Theo My, ở nước ngoài, kiều bào rất thiếu thông tin, kiến thức về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. "Hy vọng sau chuyến đi này, chúng em có thể mạnh dạn tranh luận với bạn bè để khẳng định Hoàng Sa - Trường Sa là phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam", nữ thạc sĩ tương lai nói.
Nhiều thanh niên kiều bào chia sẻ rằng, sau chuyến đi này, họ sẽ có nhiều câu chuyện thiết thực để kể cho bạn bè quốc tế về một đất nước Việt Nam có lịch sử và nền văn hóa lâu đời, những điểm đến thú vị, con người Việt Nam "uống nước nhớ nguồn"...
Họ mong muốn du lịch Việt Nam phát triển để thêm nhiều cơ hội giới thiệu chứng cứ khẳng định chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa với những du khách quốc tế.
Trại hè Việt Nam 2014 do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức. Đoàn dừng chân tại Đà Nẵng từ ngày 16 đến 20/7 với các hoạt động tham quan Bảo tàng Đà Nẵng - nơi đang triển lãm "Hoàng Sa - Trường Sa, phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam"; đi đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) một ngày để tìm hiểu về quê hương Hải đội Hoàng Sa; dự đại lễ cầu siêu tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sĩ tại chùa Linh Ứng... Tối 19/7, đoàn thanh niên kiều bào sẽ tham dự chương trình truyền hình trực tiếp "Biển đảo quê hương" tại công viên Biển Đông. |
Nguyễn Đông